Phương cách cải thiện chiều cao cho trẻ
Sinh con ra, ai cũng mong con mình sẽ là những chàng trai, cô gái cao ráo, khỏe mạnh. Trai phải 1,7m - 1,8m; gái từ 1,65m trở lên
Sinh con ra, ai cũng mong con mình sẽ là những chàng trai, cô gái cao ráo, khỏe mạnh. Trai phải 1,7m - 1,8m; gái từ 1,65m trở lên. Mơ ước ấy, ngày nay đã được nhiều bậc cha mẹ vun đắp khi con còn tuổi ấu thơ. Oái ăm là có những đứa trẻ mặc dù được ăn uống đầy đủ, nhưng cứ phát chiều ngang còn chiều cao lại đứng ì một chỗ. Điều gì đã khiến con trẻ như chú lùn trong chuyện cổ tích cùng nàng Bạch Tuyết?
Nhiều nguyên nhân dẫn đến thấp lùn
Theo Th.S-BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến trẻ chậm phát triển chiều cao như:
- Di truyền: Cha mẹ thấp thường có con thấp và ngược lại cha mẹ cao, con sẽ cao tương tự. Tuy nhiên, với nhiều biện pháp, ta có thể cải thiện chiều cao cho trẻ.
- Chậm tăng trưởng do thể trạng (còn gọi là chậm dậy thì): Ở giai đoạn tiền dậy thì, trẻ thường thấp hơn bạn bè cùng lứa nhưng sau khi kết thúc giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ đạt được chiều cao bình thường.
- Chậm tăng trưởng trong tử cung: Hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu con bạn sinh non, nhẹ cân và không đạt chiều cao bình thường lúc 2 tuổi.
- Suy dinh dưỡng: Trẻ suy dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng đến chiều cao. Can thiệp về dinh dưỡng sẽ giúp trẻ cải thiện chiều cao.
- Bệnh mạn tính: Trẻ có bệnh lý như suy gan, suy thận… sẽ ảnh hưởng đến chiều cao. Sau khi điều trị bệnh, sẽ cải thiện về thể chất giúp trẻ tăng chiều cao.
- Sang chấn về tâm lý: Trẻ bị ngược đãi có thể bị ảnh hưởng đến chiều cao.
- Bất thường về nhiễm sắc thể: Hội chứng Turner, gặp ở trẻ nữ có bất thường về nhiễm sắc thể. Đôi khi, trẻ có hình dáng bên ngoài bình thường nhưng chậm tăng trưởng và có hiện tượng như vô kinh, chậm dậy thì… Trường hợp này, có thể phát hiện qua xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ.
- Loạn sản sụn xương: Trẻ thường có bề ngoài bất thường, chân tay ngắn, cổ tay chân bè, hộp sọ bất thường…
- Nguyên nhân nội tiết: Thiếu nội tiết tố tăng trưởng, suy tuyến giáp, hội chứng Cushing, dậy thì sớm... Tỷ lệ thiếu nội tiết tố tăng trưởng ước tính khoảng 1/4.000 - 1/10.000 trẻ, do bẩm sinh hoặc mắc phải và có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào.
Tuy hiếm gặp nhưng thiếu nội tiết tố tăng trưởng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em.
Điều trị thay thế bằng nội tiết tố tăng trưởng
Cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ nội tiết nhi khi thấy con mình có một trong các biểu hiện sau: Trẻ có tốc độ tăng trưởng ít hơn 4cm/năm trong độ tuổi từ 2 đến dậy thì; biểu hiện tăng trưởng kém - khi đường cong biểu diễn chiều cao trên biểu đồ tăng trưởng nằm ngang hoặc đi xuống; chiều cao dưới 2 độ lệch chuẩn trên biểu đồ tăng trưởng…
Khi được chẩn đoán thiếu nội tiết tố tăng trưởng, con bạn sẽ được điều trị bằng nội tiết tố tăng trưởng. Phương pháp điều trị này đã được sử dụng thành công từ năm 1985. Mục tiêu chính là cung cấp nội tiết cho trẻ để đạt chiều cao càng gần mức bình thường càng tốt. Sự tăng trưởng chiều cao được ghi nhận sau 3 - 6 tháng điều trị. Hầu hết trẻ điều trị đều có tốc độ tăng trưởng gấp 2 - 4 lần ở năm điều trị đầu tiên. Tốc độ này sẽ giảm dần theo thời gian, nhưng vẫn nhanh hơn nếu không điều trị.
Trẻ được tiêm nội tiết tố tăng trưởng đến khi đạt được chiều cao mong muốn, khi xương đã trưởng thành, tốc độ tăng trưởng dưới 2cm/năm.
Theo SGGP