Phòng bệnh cảm cúm cho trẻ
Chứng bệnh cảm cúm ở bé xảy ra quanh năm, song dễ mắc nhất là khoảng đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Mỗi năm, bé có thể mắc phải 6 - 7 đợt cảm cúm.
Chứng bệnh cảm cúm ở bé xảy ra quanh năm, song dễ mắc nhất là khoảng đầu mùa thu đến cuối mùa xuân. Mỗi năm, bé có thể mắc phải 6 - 7 đợt cảm cúm.
Dấu hiệu
- Họng bé bị đau, rát, có thể bị ho.
- Bé bị nghẹt mũi, chảy nước mũi.
- Bé bị sốt nhẹ hoặc sốt cao.
- Toàn thân bé nhức mỏi.
Nguyên nhân
- Do bé bị nhiễm virút.
- Nếu bé bị lạnh, khả năng bé bị nhiễm virút cảm cúm càng cao.
Dấu hiệu nên đưa bé đi khám
- Bé thở nhanh bất thường kèm theo triệu chứng khò khè, thở rít hoặc khó thở.
- Bé bị co thắt lồng ngực, đau ngực, cánh mũi phập phồng.
- Môi bé có thể chuyển sang tím tái.
- Bé bỏ bú hoặc bỏ ăn, ngủ li bì.
- Bé sốt cao, ho nhiều kèm theo dấu hiệu nôn trớ.
Các biến chứng của cảm cúm
Bé có thể bị viêm phổi, viêm xoang, nhiễm trùng tai, mất nước.
Ngoài ra, cảm cúm có thể làm tăng nguy cơ tiêu chảy, hen suyễn, suy tim ở bé.
Hướng dẫn điều trị
Bạn nên giữ ấm cho bé, nhất là những bộ phận dễ bị nhiễm lạnh trên cơ thể bé như cổ họng, chân, tay…
Đặt bé nằm trong phòng thoáng khí, tránh gió lùa trực tiếp.
Bạn nên thay quần áo ngay sau khi bé bị sốt cao, đổ mồ hôi nhiều. Đồng thời bạn nên lau cơ thể bé bằng nước ấm để hạ sốt hàng ngày: dùng nước đun sôi để nguội pha ấm và lau toàn bộ cơ thể bé, bạn nên chú ý đến vùng cổ, hai bên nách và vùng da bẹn của bé. Bạn tuyệt đối không được dùng nước đá chườm cho bé vì nhiệt độ thấp sẽ khiến các mạch máu của bé bị co lại.
Nếu không vệ sinh, bé có thể bị nhiễm trùng da, rôm sảy, ngứa ngáy, khó chịu và khiến tình trạng cảm cúm càng nghiêm trọng hơn.
Bạn không nên ủ ấm quá cho bé: việc ủ ấm chỉ khiến cho thân nhiệt bé bị tăng cao, gây nên tình trạng sốt cao co giật ở bé.
Bạn có thể cho bé dùng thuốc hạ sốt nhưng phải theo chỉ dẫn cụ thể của bác sĩ.
Bạn nên tăng cường các cữ bú trong ngày hoặc cho bé dùng thêm nước đun sôi để nguội để bù vào lượng nước đã mất. Bạn cũng nên ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng chất lượng sữa cho bé.
Với bé ở độ tuổi ăn dặm, bạn có thể cho bé dùng nước hoa quả, nước cháo, nước canh… Cho bé ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày với những loại thức ăn dạng lỏng, dễ tiêu hóa. Các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin C giúp bé tăng cường sức đề kháng và mau khỏi cúm.
Nếu bé bị chảy nước mũi, bạn nên dùng khăn xô (hoặc khăn vải mềm) lau cho bé. Nếu bé bị tắc mũi, bạn có thể dùng nước muối sinh lý hoặc thuốc nhỏ mũi (loại dành riêng cho bé) để nhỏ và làm thông mũi bé.
Nếu bé bị ho, bạn cho bé uống các loại thuốc ho dạng siro nhưng phải tham khảo ý kiến bác sĩ. Việc bạn tự ý mua thuốc trị ho có thể làm tăng thêm tình trạng đau họng ở bé.
Cách phòng tránh
Cảm cúm là một chứng bệnh có khả năng lây lan, vì vậy, bạn nên cách ly bé với nguồn bệnh.
Bạn nên giữ ấm cho bé, nhất là khi trời trở lạnh, ra đường vào buổi tối hoặc khi trời mưa. Chú ý đến phòng tắm của bé phải được kín gió và ấm áp.
Với bé ở độ tuổi ăn dặm, bạn nên cho bé ăn uống đủ chất để chống suy dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng. Thực đơn hàng ngày cho bé nên đảm bảo đủ 3 nhóm: tinh bột, chất đạm và rau xanh.
Việc tiêm phòng cảm cúm cho bé hiện nay còn khá khó khăn và chưa được phổ biến. Lý do là vì giá thành cao và mỗi mũi tiêm phòng của bé chỉ có tác dụng với một số loại virút nhất định trong khi bé vẫn có thể mắc cảm cúm vì một số loại virút khác gây ra.
Theo SKDS