Những quan niệm sai lầm về bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ
Thời tiết thay đổi như một cô bé đỏng đảnh thất thường luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là đối với trẻ nhỏ.
Thời tiết thay đổi như một cô bé đỏng đảnh thất thường luôn là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là đối với trẻ nhỏ. Bệnh viện nhi và cả các phòng khám nhi, những ngày gần đây, hễ mở cửa là lại đông nghẹt khách. Một trong những căn bệnh mà các bệnh nhi dễ mắc phải nhất trong mùa này là bệnh về đường hô hấp và sau đây là một đôi điều mà bác sĩ phòng khám rất muốn chia sẻ cùng các bậc cha mẹ.
Cháu bé được cha chở, mẹ bế… bước vào phòng khám. “Bác sĩ ơi, cháu nó ho quá. Ho sặc sụa, ho cả đêm”, người mẹ mếu máo “mách” bác sĩ. Nhìn cách ăn mặc theo lối công chức, phấn son trang điểm nhẹ nhàng của người mẹ, vị bác sĩ đoán ngay được rằng cô là người có học hành và hiểu biết, luôn tiếp cận thông tin và cập nhật những kiến thức nuôi dạy trẻ nhỏ đúng phương pháp để chăm sóc cho con mình… Thế nhưng nhìn cháu bé bị bọc trong quần áo, trong chăn và quấn kỹ thêm một lớp khăn, bác sĩ thở dài… “Không phải chỉ những bậc cha mẹ ở vùng sâu vùng xa, thiếu kiến thức, thiếu hiểu biết mà ngay cả các bậc phụ huynh người thành thị có kiến thức cũng mắc phải những sai lầm như vậy…”, BS. Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp BV. Nhi Đồng 1, thổ lộ. Quan niệm sai lầm đầu tiên của các phụ huynh luôn là: hễ trẻ em bị ho là do bị lạnh. Bởi vậy, họ buộc trẻ em phải “trốn sâu” vào trong mớ quần áo dày và ấm, bất kể thời tiết lạnh, ấm hay là nóng. Nóng như vậy đến mức khuôn mặt trẻ bị hồng lên, trán lấm tấm mồ hôi, thậm chí giãy giụa, khóc thét lên cha mẹ mới nới bớt đồ đạc… Có người thì lại mang con vào máy lạnh hay bật quạt vù vù cho con được mát. Sai lầm nghiêm trọng là để trẻ nhỏ lúc nóng, lúc lạnh càng làm trẻ không bệnh trở thành bệnh hoặc bệnh rồi lại càng bệnh nặng hơn.
“Cháu bị bệnh lâu chưa chị? Cháu bị khó thở lâu chưa?”, nghe bác sĩ hỏi, người mẹ mới ngớ ra vì mặc dù rất quan tâm đến sức khỏe của con, nhưng do quấn con quá kỹ trong hàng tá quần áo nên cha mẹ không thể quan sát được con mình bị khó thở từ khi nào. “Thông thường, cha mẹ cứ quan tâm là con mình ho nhiều hay ho ít và căn cứ vào đó để đánh giá bệnh nặng hay nhẹ mà không biết rằng việc trẻ nhỏ bị khó thở hay không và khó thở như thế nào trong các bệnh đường hô hấp mới là điều quan trọng. Qua đó bác sĩ mới đánh giá được tiên lượng bệnh của trẻ”, BS. Trần Anh Tuấn chia sẻ. Trẻ nhỏ bị ho là hiện tượng của các bệnh thuộc đường hô hấp trên, còn những bệnh nặng lại thuộc đường hô hấp dưới. Bởi vậy, nên khi thấy con mình ho ít thì cha mẹ chủ quan không đưa bé thăm khám chữa bệnh, để bệnh ngày càng nặng hơn.
Ngoài ra, khi trẻ bị ho thì thường các bà mẹ quan niệm rằng không nên cho ăn tôm cua. Thực tế, chưa có một bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng tôm cua làm trẻ bị ho, trừ trường hợp trẻ dị ứng với loại thức ăn này. Một điều nữa, khi trẻ bị ho thì các bà mẹ thường cho bú ít đi vì sợ bé bị sặc, trớ sữa. Trẻ bị ho vẫn cần đủ chất dinh dưỡng như trẻ bình thường, do đó không nên bớt khẩu phần sữa của trẻ mà nên chia nhỏ ra làm nhiều lần cho trẻ bú. Tuyệt đối tránh trường hợp khi trẻ bị ho cho trẻ bú no rồi nằm ngủ vì khi đang ngủ, trẻ ho sẽ bị trớ sữa lập tức.
Theo SKDS