Ho kéo dài ở trẻ em
Trong khi ho cấp tính ở trẻ em thường do nhiễm siêu vi đường hô hấp, thì ho kéo dài được định nghĩa là ho liên tục trên 4 tuần, có nhiều nguyên nhân khác nhau và đôi khi có thể trầm trọng.
Trong khi ho cấp tính ở trẻ em thường do nhiễm siêu vi đường hô hấp, thì ho kéo dài được định nghĩa là ho liên tục trên 4 tuần, có nhiều nguyên nhân khác nhau và đôi khi có thể trầm trọng. Điều quan trọng đối với ho kéo dài là phải tìm được nguyên nhân và điều trị thích hợp, tuyệt đối không được dùng các thuốc ức chế ho một cách tùy tiện .
Nguyên nhân ho kéo dài ?
Có nhiều nguyên nhân gây ho kéo dài. Tính chất ho có thể gợi ý một số nguyên nhân như: ho có đờm (ho dị ứng, hen…), ho cơn đỏ mặt ( ho gà, dị vật đường thở, ho do tác nhân Mycoplasma, Chlamydia…), ho về đêm (viêm mũi xoang, hen…), ho sau vận động (hen), không bao giờ ho lúc ngủ (ho do tâm lý).
Ho kéo dài có thể do nguyên nhân tại phổi (hen, dị vật, lao…) hay do nguyên nhân ngoài phổi (viêm mũi xoang, viêm tai, trào ngược dạ dày thực quản, bệnh lý tim mạch, tác dụng phụ của thuốc nhất là các thuốc tim mạch có tác dụng ức chế men chuyển…)
Hội chứng chảy mũi sau
Nguyên nhân thường gặp do viêm mũi dị ứng hay viêm mũi xoang mạn tính. Chảy mũi sau kích thích trực tiếp vào các cảm thụ quan gây ho ở thành sau họng, đồng thời hít chất tiết từ mũi khi nằm có thể gây phản xạ mũi - phế quản dẫn đến ho. Bệnh nhân bên cạnh triệu chứng ho kéo dài còn có triệu chứng ngứa mũi, nghẹt mũi. Do đó cần đến khám chuyên khoa tai - mũi - họng để được điều trị thích hợp như tránh tác nhân gây dị ứng, uống thuốc chống dị ứng, dùng thuốc chống viêm dạng xịt…
Hen phế quản
Ở trẻ nhũ nhi triệu chứng hen không điển hình, đôi khi khó nhận biết và dễ bị chẩn đoán sót, nghi ngờ trẻ có hen phế quản khi có tiền căn ho và khò khò trên ba lần, trẻ có thể lên cơn ho và khò khè sau khi có những yếu tố khởi phát như: nhiễm siêu vi đường hô hấp, tiếp xúc bụi, khói thuốc lá, chó mèo, vận động... Ở trẻ lớn cơn hen có thể biểu hiện rõ ràng hơn:
Trẻ hắt hơi chảy nước mũi sau đó ho và khò khè, trẻ tự nhận biết khi có cơn hen như cảm giác nặng ngực, khó thở, khò khè.
Tuy nhiên có nhiều trẻ không có cơn hen điển hình mà chỉ có biểu hiện duy nhất là ho kéo dài, khi đo chức năng hô hấp phát hiện hội chứng tắc nghẽn hô hấp có đáp ứng với thuốc dãn phế quản. Vì vậy khi ho kéo dài trẻ cần được đến khám tại chuyên khoa Hô hấp, Nhi để điều trị cắt cơn và điều trị phòng ngừa thích hợp, các thuốc giảm ho không điều trị được ho kéo dài do hen phế quản.
Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản
Trào ngược dạ dày - thực quản là hiện tượng thường gặp ở trẻ nhũ nhi, chiếm khoảng 40-65% ở trẻ khoẻ mạnh, cao nhất ở trẻ 1-4 tháng, tự khỏi sau 12 tháng. Ho kéo dài có thể là biểu hiện duy nhất của trào ngược dạ dày - thực quản, do trẻ hít dịch từ dạ dày trào lên thực quản vào phổi gây hiện tượng viêm vùng thanh quản và phế quản.
Ở trẻ nhũ nhi bệnh trào ngược dạ dày - thực quản có thể còn có biểu hiện cơn ngưng thở, nhịp tim chậm, viêm phổi hít tái đi tái lại. Để chẩn đoán xác định cần phải đo độ pH trong thực quản 24 giờ, hoặc siêu âm bụng để tìm dấu hiệu trào ngược dạ dày thực quản.
Ho kéo dài sau nhiễm khuẩn - virut đường hô hấp
Thường có thể chẩn đoán và điều trị nhầm như hen phế quản. Tác nhân gây ho kéo dài có thể do virus hợp bào hô hấp, Parainfluenzae. Mycoplasma, Chlamydia, ho gà… Cơ chế ho kéo dài là do hiện tượng viêm nhiễm dai dẳng đường hô hấp với sự tăng mẫn cảm phế quản tạm thời sau nhiễm trùng. Bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị gì.
Ho do tâm lý - thói quen
Đây là chẩn đoán loại trừ sau khi đã tìm hết các nguyên nhân khác, thường xảy ra ở trẻ thiếu niên. Ho khan, ho nhiều, tăng lên khi căng thẳng, không ho lúc ngủ hay lúc tập trung làm việc gì thích thú. Có thể kèm theo triệu chứng tic (máy giật ở mặt). Trẻ nên đến khám và điều trị ở chuyên khoa tâm lý.
Làm gì khi trẻ ho kéo dài?
Khi trẻ ho kéo dài nên được khám lâm sàng cẩn thận, hỏi về tiền sử dị ứng, hen phế quản trong gia đình, tiếp xúc với khói thuốc lá, bụi bặm, tiền căn tiếp xúc nguồn lây lao,.. cùng với những chỉ định xét nghiệm thích hợp có thể được chẩn đoán đúng và điều trị thành công trong đa số các trường hợp. Những trường hợp khó khăn, nguyên nhân phức tạp trẻ cần được khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa Hô hấp, Nhi.
Trẻ cần được làm các xét nghiệm: Chụp X-Quang phổi, công thức máu; Thử nghiệm lao như: tốc độ lắng máu, IDR tìm phản ứng trong da với lao, tìm vi trùng lao trong đàm hay dịch dạ dày; Chụp hình xoang; Đo chức năng hô hấp; Siêu âm bụng (trẻ nhũ nhi); Xét nghiệm huyết thanh chẩn đoán tìm vi trùng Mycoplasma, Chlamydia, ho gà; Nội soi phế quản (nghi ngờ dị vật).
Theo SKDS