Bé bị táo bón, đừng chủ quan
Táo bón là một triệu chứng hay gặp ở trẻ em với biểu hiện dễ nhận thấy thông qua việc giảm số lần đại tiện bình thường, khó và đau khi đại tiện do phân rắn hoặc quá to...
Táo bón là một triệu chứng hay gặp ở trẻ em với biểu hiện dễ nhận thấy thông qua việc giảm số lần đại tiện bình thường, khó và đau khi đại tiện do phân rắn hoặc quá to. Táo bón làm trẻ có cảm giác khó chịu, quấy khóc, mệt mỏi và sút cân…
Tại sao trẻ bị táo bón?
Dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa: hiếm gặp, thường chỉ chiếm 5% trong các nguyên nhân gây táo bón: phình to đại tràng (bệnh Hipschsprung), bệnh suy giáp trạng (bệnh Myxoedeme), khi mắc các bệnh này, trẻ thường bị táo bón ngay sau khi sinh.
Cần phải làm gì?
Khi trẻ bị táo bón, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có những cách xử trí thích hợp. Nếu táo bón mới xảy ra, cần điều chỉnh lại chế độ ăn:
Cho trẻ ăn đủ số lượng thức ăn và uống nhiều nước trong ngày.
Bổ sung vào bữa ăn của trẻ nhiều rau xanh và hoa quả có tính chất nhuận tràng như rau khoai lang, mồng tơi, rau dền, khoai lang. Khi nấu bột và cháo, phải băm nhỏ cho trẻ ăn cả cái. Cho trẻ ăn các loại quả có tác dụng nhuận tràng như: chuối tiêu, đu đủ, bưởi, cam, quít, thanh long… Khi trẻ đã bị táo bón, không nên cho ăn hồng xiêm, táo.
Với những trẻ nhỏ: pha sữa loãng hơn bình thường. Khi trẻ 3-4 tháng tuổi, có thể pha thêm 1 thìa cà phê nước quả (cam, quít…) vào nước cho trẻ uống hoặc dùng nước cháo pha sữa cho trẻ từ 4 tháng trở lên. Với trẻ bú mẹ, mẹ bị táo bón thì phải điều trị táo bón cho mẹ: ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước, tăng các cữ bú trong ngày.
Xoa bụng cho trẻ theo khung đại tràng từ phải qua trái ngày 3 - 4 lần vào khoảng cách giữa 2 bữa ăn để kích thích làm tăng nhu động ruột. Mát-xa không chỉ tốt cho bé đang bị táo bón mà còn là biện pháp giúp ngăn ngừa táo bón. Bé 2-3 tuần tuổi là bạn có thể sử dụng cách mát-xa. Chọn lúc bé thoải mái nhất, không no hay đói quá để tiến hành mát-xa. Trước tiên, bạn nên làm ấm bàn tay rồi nhẹ nhàng xoa lên – xoa xuống hai bên sườn cho bé. Tiếp đến, xoa thành vòng tròn theo chiều kim đồng hồ trên bụng bé và ngược lại. Nắn nhẹ chân bé, giúp bé co đầu gối, ép nhẹ đầu gối lên bụng bé rồi lại duỗi chân ra. Có thể thực hiện 2 lần/ngày, mỗi lần khoảng 5 phút.
Đối với trẻ lớn hơn:
Ăn đủ và tập thói quen ăn nhiều rau trong bữa ăn. Tập cho trẻ đi đại tiện đúng giờ quy định, chọn thời gian lúc nào thuận tiện mà trẻ không vội vã, nên chọn sau bữa ăn vì lúc này nhu động ruột hoạt động tăng, tránh bắt trẻ ngồi bô quá lâu. Trong trường hợp trẻ bị táo bón do nứt hậu mô, nên rửa sạch hậu môn bằng nước ấm, bôi dung dịch nitrat bạc 2%.
Nếu điều trị bằng cách thay đổi lối sống, chế độ ăn không khỏi thì mới sử dụng tới dược phẩm như dùng thuốc và thụt tháo theo chỉ dẫn của bác sĩ như cho trẻ uống dầu parafin vào buổi sáng, các loại thuốc có chứa magie sulfate có tác dụng nhuận tràng hay các loại thuốc có chứa vi khuẩn sống dưới dạng đông khô như: cốm vi sinh (biobaby); biosyptin, lactomin, lactylac, biofidin... làm cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Thụt tháo là biện pháp cuối cùng: dùng nước ấm có pha glyxerin hoặc mật ong: 30-40ml đối với trẻ dưới 1 tuổi và 100-250ml đối với trẻ trên 1 tuổi. Tuy nhiên, không nên dùng kéo dài có thể gây giãn trực tràng và đại tràng tạo thành thói quen làm mất phản xạ rặn của trẻ.
Các bà mẹ cần lưu ý, khi thấy con táo bón kéo dài trên 1 tuần, khi thay đổi chế độ ăn và áp dụng những cách trên mà không có tác dụng; trẻ đẻ ra đã táo bón, bụng trướng; táo bón làm suy dinh dưỡng, nôn…, cần lập tức đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi để được tư vấn và thăm khám kịp thời.
Theo SKDS