4 biện pháp phòng tiêu chảy do Rotavirut
Đặc trưng của bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirut là trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần. Điều đó khiến trẻ dễ bị mất nước, dẫn đến trụy mạch, có thể nguy đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời...
Đặc trưng của bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirut là trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần. Điều đó khiến trẻ dễ bị mất nước, dẫn đến trụy mạch, có thể nguy đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, bên cạnh các biện pháp phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần chú ý đưa trẻ đến cơ sở y tế sớm khi có biểu hiện mắc tiêu chảy cấp do Rotavirut.
Bệnh dễ lây lan
Rotavirut là loại virut đường ruột phổ biến nhất, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ nhiễm Rotavirut càng cao và mắc bệnh càng nặng. Nguyên nhân là do trẻ nhỏ sức đề kháng yếu (nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh, vệ sinh cá nhân và ăn uống kém).
Các tác nhân gây tiêu chảy thường lây truyền qua đường phân - miệng thông qua thức ăn hoặc nước uống ô nhiễm, hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Rotavirut thường được thải ra ngoài theo phân của trẻ bệnh và tồn tại rất lâu ngoài môi trường, virut có thể bám dính ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật, vật dụng trong gia đình, đồ chơi của trẻ...
Trẻ thường bị nhiễm virut do ăn uống không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh cá nhân kém; do thức ăn bị nhiễm bẩn trong quá trình chế biến, bàn tay người làm bếp bị nhiễm virut do sờ chạm vào các bề mặt, các đồ vật (bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà...) bị nhiễm virut trước đó; đồ ăn thức uống không được bảo quản, đậy kỹ trong chạn, lồng bàn để chuột, ruồi, muỗi, kiến, gián... bò vào là nguồn lây nhiễm virut gây bệnh.
Biểu hiện khi nhiễm Rotavirut
Sau khi bị lây nhiễm virut khoảng 12 giờ đến 4 ngày, trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng nôn và tiêu chảy: Nôn xuất hiện trước tiêu chảy 6 -12 giờ và có thể kéo dài khoảng 2 - 3 ngày. Trẻ có thể nôn nhiều lần vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy. Trẻ thường đi tiêu phân lỏng toàn nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể có đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày (thậm chí có thể lên đến 20 lần/ngày), sau đó giảm dần. Đa số các trẻ sẽ hết tiêu chảy sau 4 - 8 ngày. Tuy nhiên có thể có trẻ vẫn còn tiêu chảy đến 2 tuần dù trẻ đã khỏe, bắt đầu chơi đùa và ăn trở lại. Ngoài ra trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng khác như: sốt vừa phải, đau bụng, ho, sổ mũi.
Vì trẻ vừa nôn, vừa tiêu chảy nhiều lần trong ngày nên cơ thể trẻ dễ bị mất nước nặng. Đây cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh và là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải nhập viện cao hơn và tình trạng nặng hơn so với các trường hợp tiêu chảy do nguyên nhân khác. Do đó khi trẻ bắt đầu có biểu hiện nôn hoặc tiêu chảy cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và có hướng dẫn điều trị kịp thời.
Cách chăm sóc trẻ mắc Rotavirut
Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn chăm sóc điều trị tại nhà. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước do tiêu chảy như: Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), nước dừa tươi và oresol theo hướng dẫn của thầy thuốc. Ở trẻ còn bú, tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Theo dõi số lần đi đại tiện, số lượng phân, màu phân, khả năng uống bù nước và ăn uống của trẻ.
Cần chú ý theo dõi các biểu hiện trẻ bị mất nước như: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc... để đưa trẻ đến cơ sở y tế can thiệp kịp thời.
Tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, tránh kiêng khem quá mức, sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh nặng hơn.
Các biện pháp phòng bệnh
Để phòng ngừa tiêu chảy cấp do Rotavirut, cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Mọi người trong gia đình đều phải thực hiện ăn chín, uống sôi. Không ăn rau sống, không uống nước lã. Không ăn các thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, thức ăn bị ôi thiu hoặc không được bảo quản, che đậy cẩn thận. Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Nên tập cho trẻ có thói quen rửa tay trước khi cầm nắm thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc mút tay, ngậm đồ chơi. Phân và chất thải của người bệnh phải đổ vào nhà tiêu, rắc vôi bột, cloramin B... vào sau mỗi lần đi đại tiện để sát khuẩn.
- Đối với trẻ trong độ tuổi bú mẹ cần cho trẻ bú sữa mẹ vừa đảm bảo dinh dưỡng, vệ sinh, tăng cường sức đề kháng bảo vệ cho trẻ khỏi mắc các bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt là bệnh tiêu chảy.
Khi trẻ ăn dặm cần cho trẻ ăn thức ăn đủ dinh dưỡng. Khi chế biến thức ăn phải chú ý thực hiện các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh để phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ.
- Uống vắc-xin là biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất. Cha mẹ nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế chuyên khoa hoặc trung tâm y tế dự phòng để uống vắc-xin phòng bệnh càng sớm càng tốt từ 6 tuần tuổi và nên hoàn tất việc uống vắc-xin cho trẻ trong vòng 6 tháng tuổi.
Theo SKDS