Thành công từ ý chí và sự vươn lên không mệt mỏi
“Anh Quyết Giám đốc Việt Đức là người cực kỳ dễ mến”. Anh bạn đồng nghiệp thốt lên thích thú khi biết ý định muốn gặp PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết của tôi. Quả đúng như lời anh giới thiệu, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết dễ mến, dễ gần và làm người đối diện dễ lây niềm nhiệt huyết khi nghe anh say sưa nói về công việc chuyên môn của một bác sĩ phẫu thuật, về công tác quản lý và những giải pháp đặt ra cho một bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa của cả nước.
“Anh Quyết Giám đốc Việt Đức là người cực kỳ dễ mến”. Anh bạn đồng nghiệp thốt lên thích thú khi biết ý định muốn gặp PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết của tôi. Quả đúng như lời anh giới thiệu, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết dễ mến, dễ gần và làm người đối diện dễ lây niềm nhiệt huyết khi nghe anh say sưa nói về công việc chuyên môn của một bác sĩ phẫu thuật, về công tác quản lý và những giải pháp đặt ra cho một bệnh viện đầu ngành về ngoại khoa của cả nước.
Khi nhà chuyên môn làm quản lý
Là một bác sĩ ngoại khoa được đào tạo bài bản tại Đại học Y khoa Hà Nội và Bệnh viện (BV) Việt Đức, năm 1985, BS. Nguyễn Tiến Quyết được cử đi học nội trú ngoại khoa tại Đức. Trở về Việt Nam năm 1991, anh gắn bó với Khoa Phẫu thuật gan mật - BV Việt Đức. Với trình độ chuyên môn và năng lực quản lý, anh được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc bệnh viện (năm 2004). Là một bác sĩ luôn chuyên tâm làm chuyên môn, đây là một áp lực rất lớn. Làm sao để quản lý BV tốt mà không xao nhãng việc chuyên môn vì BV Việt Đức là một BV đầu ngành về ngoại khoa.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đang trao đổi chuyên môn cùng đồng nghiệp. |
Bài toán đặt ra không đơn giản trong điều kiện trang thiết bị còn hạn chế, cơ sở vật chất không đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, lượng bệnh nhân đến khám rất đông, quá tải, số giường bệnh ít, cơ chế chưa đồng bộ, cán bộ không yên tâm làm việc...
Dừng lại, đi theo lối mòn cũ bao cấp, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước chắc chắn sẽ tụt hậu và người thiệt thòi nhất là bệnh nhân. Nhưng nếu bung ra phát triển theo cơ chế thị trường trong lĩnh vực y tế dựa trên thế mạnh của mình là có tội với dân. Giám đốc BV luôn đau đáu mục tiêu: để nâng cao chất lượng điều trị, thực hiện công bằng trong khám chữa bệnh, điều kiện cần phải có là trang thiết bị hiện đại và chống quá tải. Vấn đề quá tải tại những BV tuyến đầu luôn là một thách thức nan giải cho những người quản lý. Mục tiêu đặt ra, đi kèm đó là những giải pháp mạnh bạo đầy tính khả thi: Chống quá tải bằng cách đào tạo liên tục; có hệ thống phân loại bệnh nhân tốt ngay tại các phòng khám làm giảm số bệnh nhân nội trú, tăng lượng bệnh nhân ngoại trú, rút ngắn thời gian nằm viện; tổ chức làm thêm ca, ngoài giờ; phối hợp cùng các BV khác để giảm tải. Bên cạnh đó áp dụng thêm biện pháp chống quá tải từ xa: thực hiện quyết liệt Đề án 1816, đào tạo tại chỗ và cử người về các cơ sở giảng dạy, mổ xẻ theo cách thức "cầm tay chỉ việc" nhằm giúp các bệnh viện tuyến dưới giải quyết các trường hợp bệnh nặng tương đối ngay tại cơ sở không phải gửi về tuyến trung ương, những trường hợp nặng nhất mới chuyển lên Việt Đức; tăng phòng điều trị có chất lượng và người phục vụ theo yêu cầu, đổi mới cách phục vụ; xây dựng Dự án BV vệ tinh. Kết quả đã không phụ những nỗ lực của cả tập thể, đứng đầu là người giám đốc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm: từ 430 giường bệnh năm 2007 lên 931 giường năm 2010; mỗi ngày mổ 140 - 150 bệnh nhân, khám gần 1.000 bệnh nhân; tình trạng nằm ghép rất ít, gần như không có. Chúng tôi đi thăm khu phòng bệnh sạch sẽ thậm chí còn nhận được “phàn nàn” của các bệnh nhân gửi gắm: mong Ban giám đốc xem xét cho người nhà được kê giường nằm cạnh buổi đêm để tiện chăm sóc. Mong muốn của người bệnh là thế, ai cũng hiểu. Nhưng biết sao được khi cần phải có các biện pháp triệt để thực thi việc chống quá tải và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của một BV tuyến đầu!
Điều kỳ diệu của ngành ngoại khoa Việt Nam
Giải quyết được bài toán khó chống quá tải từ xa để tập trung làm chuyên môn, Giám đốc BV vẫn đều đặn duy trì lịch trực viện, trực chuyên môn cùng các kíp trực giải quyết từng trường hợp khó khăn nhất. Nghiên cứu, mổ xẻ, tìm ra những phương pháp tối ưu sau những ca mổ khó là điều anh luôn tâm huyết, trăn trở. Là một bác sĩ ngoại khoa Gan mật, đích đến của PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết và đồng nghiệp là phải ghép được gan từ người cho sống và người cho chết não. Đây là công việc cực kỳ khó khăn cả về kỹ thuật, kinh tế và tổ chức trong điều kiện nước ta. Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nguồn tạng để ghép được lấy từ người cho sống và người cho chết não. Lượng tạng từ người cho sống rất ít, chỉ khoảng hơn 10%. Muốn cứu sống bệnh nhân suy tạng, nguồn chính phải từ người cho chết não.
Mặc dù đã có Luật và văn bản hướng dẫn dưới Luật nhưng vận động được gia đình thân nhân người chết não hiến tạng là cực kỳ khó khăn. Yếu tố xã hội, tâm linh không dễ vượt qua. Nhưng không lẽ cứ ngồi chờ để có đủ điều kiện mới thực hiện? Không lẽ cứ để người bệnh âm thầm ra đi trước sự đau đớn xót xa của người thân? Một lần nữa, người quản lý, người bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết lại đặt câu hỏi với mình và đồng nghiệp: tại sao thế giới làm được, tại sao mình được đào tạo đầy đủ ở trong và ngoài nước mà lại chịu bó tay? Nhiều đêm trở về từ phòng mổ, thấm mệt nhưng trong đầu anh, hình ảnh bệnh nhân suy gan giai đoạn cuối vật vã trong tuyệt vọng cứ ám ảnh, theo đuổi trong khi có hàng chục ngàn người chờ ghép thận, hàng nghìn người chờ ghép gan, ghép tim và hàng năm có hàng nghìn người không may bị tai nạn chết não ra đi trong sự đau đớn của người thân, sự xót xa bất lực của thầy thuốc!
Trải qua hàng nghìn cuộc vận động với thân nhân người chết não, giải thích để họ hiểu được tính hữu ích của việc hiến tạng; những lời giải thích đều "nặng trĩu" với bác sĩ và người thân, có những khoảng lặng đến nghẹt thở, có lúc cả thân nhân người chết não và bác sĩ cùng rơi lệ. Ngoài những công việc về xã hội, về tâm linh, người thầy thuốc phải chia sẻ nỗi đau tột cùng của thân nhân người chết não và làm cho họ hiểu được cái chết này lại hồi sinh một sự sống khác thì không có gì lớn lao, cao cả hơn thế! Anh và các đồng nghiệp luôn xác định đây là vấn đề đặc biệt quan trọng, bởi nó liên quan đến chính người thầy thuốc, đồng thời phải tuân thủ các quy định ngặt nghèo về y học, pháp lý. Để không phụ tấm lòng nhân ái của gia đình người hiến tạng, anh đã chỉ đạo BV lo cho người hiến tạng với lòng nhân ái theo đúng đạo lý, tâm linh của người Việt Nam.
Khó khăn là thế, thách thức không nhỏ, nhưng không gì khuất phục được ý chí của người thầy thuốc luôn vì mục đích duy nhất - "chữa bệnh cứu người". Ngày 19/5/2010, ca ghép gan lấy từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết làm trưởng kíp đã được thực hiện. 28 năm cầm dao mổ, không thể nhớ đã mổ bao nhiêu bệnh nhân khi số lượng lên đến hàng nghìn, vậy mà khi nhớ lại, anh vẫn còn nguyên cảm xúc: “Tâm trạng tôi lúc đó rất khó tả, vừa lo vừa sợ. Sợ chỉ cần một thoáng mất tỉnh táo bệnh nhân sẽ ra đi. Lo vì kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực ghép còn có hạn”. 6 tiếng đồng hồ nghẹt thở trôi qua. Ca ghép gan kết thúc, bệnh nhân chuyển về phòng hậu phẫu, lá gan chuyển màu, bắt đầu tiết mật báo hiệu sự sống đã hồi sinh. Không có sự mừng vui nào nói được thành lời! Gần 100 người nhìn nhau với những bàn tay siết chặt! Anh và tập thể y bác sĩ BV Việt Đức đã làm nên điều kỳ diệu bằng cả tâm huyết và nghị lực.
Chân dung người thầy thuốc
Sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo khó của tỉnh Nam Định, thời thơ ấu của cậu bé Nguyễn Tiến Quyết gắn chặt với đồng ruộng, với những ngày vừa vắt vẻo trên lưng trâu vừa tranh thủ học bài. Nhà đông con, là con trai lớn, đi học về cậu còn vớt bèo, băm rau lợn, giúp mẹ trông em... Ấy vậy mà lúc nào cũng học giỏi, nhất là môn toán luôn đứng đầu lớp. Đến tuổi nhập ngũ, chàng thanh niên Nguyễn Tiến Quyết khoác ba lô vào chiến trường. Hết nghĩa vụ, anh trở về và đến với ngành y như một duyên nợ, một sự sắp đặt của số phận mà anh không thể khác. PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết bồi hồi kể lại: "Nhà tôi có mấy đời làm nghề thuốc. Cụ nội và ông nội tôi là những lương y giỏi nổi tiếng trong vùng. Bố tôi không theo được nghề y nhưng luôn mong muốn tôi nối nghiệp ông cha". Ngược dòng ký ức, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết nhắc rất nhiều về cụ nội - người thầy thuốc mà tiếng tăm lan truyền khắp một vùng đất không chỉ bởi tài bắt mạch chẩn bệnh mà còn vì cốt cách và đạo đức thánh thiện. Cụ chỉ bắt mạch, kê đơn chứ không bốc thuốc vì sợ những đồng tiền lợi nhuận của việc bốc thuốc sẽ làm ảnh hưởng đến lương tâm, đạo đức của người làm nghề. Cụ thậm chí còn không muốn truyền lại nghề cho con cháu, sợ khi mình không còn nữa, con cháu vì hám lợi, hám danh mà không giữ trọn đạo y đức. Từ khi còn nhỏ, cốt cách và đạo đức của cụ, của ông qua lời kể, lời dạy của bố mẹ và mọi người xung quanh đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm hồn cậu bé Nguyễn Tiến Quyết. Có lẽ vì vậy mà khi trở thành bác sĩ, rồi lên làm quản lý một bệnh viện lớn, PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết nổi tiếng không chỉ ở tài mổ xẻ mà còn ở tính cách bộc trực, cương quyết, dứt khoát nói không với nạn phong bì trong BV. Anh tâm sự, khi người bệnh được cứu sống, họ muốn tỏ lòng biết ơn với những người đã cứu sống họ thì khi đó chiếc phong bì trở nên ý nghĩa, gửi gắm tình cảm và tấm lòng người bệnh. Nhưng khi chiếc phong bì là vật môi giới, cung - cầu giữa bác sĩ với bệnh nhân thì không thể chấp nhận được. Không phải không băn khoăn, day dứt khi ra quyết định thôi việc với một bác sĩ khi dính vào những vụ việc như vậy, nhưng nếu vì thương mà nhẹ tay thì sẽ thành tiền lệ. Và anh không cho phép tồn tại nó trong giới hạn của mình.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết (người đứng hàng đầu thứ 5 từ trái sang) cùng kíp mổ ghép gan từ người cho chết não đầu tiên ở VN. |
Bác sĩ nội trú trẻ ở Việt Đức kể rằng, họ không chỉ học được ở thầy Quyết qua những bài học lâm sàng thực tiễn, những kinh nghiệm đúc rút sau mỗi ca mổ khó được phụ mổ cho thầy, mà còn học thầy rất nhiều về y đức, sự công bằng thầy đối xử với bệnh nhân và các học trò. Từ cách thầy thường xuyên thăm hỏi bệnh nhân sau khi được mổ, đến cách thầy động viên, pha trò với họ để nhận được nét cười tươi tắn trên những gương mặt còn mệt mỏi, đều là những bài học nhỏ nhưng quý giá, thấm đẫm tình người với các em. Bác sĩ nội trú Trần Hà Phương tâm sự với chúng tôi: "Có những bệnh nhân nặng, hoàn cảnh khó khăn, mổ xong không có tiền bồi dưỡng, thầy vào thăm, thương quá còn cho họ tiền". Nhìn gương mặt hồn nhiên của Phương, tôi ghé tai em trêu nhỏ: "Không có thầy Quyết ở đây, em cứ nói xấu thoải mái, nói hết những gì em biết về thầy với chị nhé". Phương bật cười trước “ý tưởng” của tôi và khẳng định: "Có muốn nói xấu cũng không được chị à, thầy rất tốt với bệnh nhân, với học trò. Bọn em là bác sĩ nội trú BV, thầy lên thăm phòng thấy ở chật chội, giải quyết ngay cho bọn em thêm một phòng nữa. Những ngày lễ, Tết đến nhà thầy cũng rất vui, thầy còn bày biện cho ăn đủ thứ...". - "Thế đến nhà bọn em thường mang gì tặng thầy?". Một lần nữa gương mặt cậu bác sĩ trẻ lại tỏ ra ngỡ ngàng: "Bọn em chưa bao giờ tặng quà gì cho thầy, ngoài hoa". - "Không gì hết, ngoài hoa?!". Lần này đến lượt tôi ngỡ ngàng. "Vâng, chỉ hoa thôi ạ. Có tặng quà gì thầy cũng không bao giờ nhận đâu. Các anh chị khóa trên đã nói với bọn em rồi".
ThS.BS. Nguyễn Hoài Nam, Khoa Phẫu thuật gan mật cũng bày tỏ niềm khâm phục: "Thầy Quyết là một phẫu thuật viên giàu kinh nghiệm, xử lý tình huống trong ca mổ rất quyết đoán, chính xác và hợp lý, điều đó tạo nên xác suất thành công cao. 14 năm công tác ở BV, được gần thầy, điều mình thích nhất là thầy rất nghiêm túc, rất kinh nghiệm và rất trách nhiệm. Thầy trực tính và thẳng tính, có lỗi là thầy mắng ra trò, góp ý quyết liệt nhưng rồi lại rất tận tình chỉ bảo, hướng dẫn. Thầy luôn tạo sự thân mật, thoải mái, ngay cả những lúc căng thẳng của cuộc mổ".
Còn với PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết, niềm vui, niềm hạnh phúc trong công việc là được lao động, được cống hiến, khẳng định và vươn lên chinh phục những đỉnh cao khoa học. "Còn biết bao bệnh nhân đang chờ được nhận tạng và phía trước chúng tôi vẫn sẽ là những đêm dài mất ngủ. Nhưng còn gì vui hơn khi chinh phục được đỉnh cao của khoa học trong điều kiện còn khó khăn để đổi lấy mạng sống cho con người".
Khi sắp hoàn thành bài viết này, chúng tôi nhận được tin vui: PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết vinh dự là đại biểu tham gia Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc. Muốn chia vui với anh thêm một lần nữa nhưng trong lòng tôi thầm trách, bác sĩ Quyết tận tuỵ, gần gũi với bệnh nhân là thế, vui vẻ thoải mái với đồng nghiệp là thế, vậy mà có tin vui, sao không thấy "khoe" với mình. Nhưng tôi hiểu những người bác sĩ như anh luôn có "sự hy sinh thầm lặng", quên mình để "chinh phục những đỉnh cao khoa học trong điều kiện còn khó khăn để đổi lấy mạng sống con người" như anh nói và càng hiểu sự nhân văn cao cả trong câu nói giản dị của anh: Cả đời tôi mong muốn và phấn đấu là một bác sĩ phẫu thuật giỏi