“Bắt bệnh” cho người chết
Gặp TS. Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia trong một buổi sáng trời Hà Nội se lạnh, lắng nghe anh kể những câu chuyện đã từng trải qua trong nghề, cái nghề mà người ta vẫn hay ví rằng: “những người “bắt” xác chết phải lên tiếng” mới thấy thực sự khâm phục lòng yêu nghề mãnh liệt và tinh thần lạc quan trong anh.
Gặp TS. Vũ Dương - Viện trưởng Viện Pháp y Quốc gia trong một buổi sáng trời Hà Nội se lạnh, lắng nghe anh kể những câu chuyện đã từng trải qua trong nghề, cái nghề mà người ta vẫn hay ví rằng: “những người “bắt” xác chết phải lên tiếng” mới thấy thực sự khâm phục lòng yêu nghề mãnh liệt và tinh thần lạc quan trong anh. Trong góc riêng của anh, những khi tự đối diện với chính mình, chỉ có anh mới tự thẩm thấu và cảm nhận những hy sinh, mất mát. Hy sinh với gia đình, hy sinh với bản thân. Chỉ vì lòng yêu nghề, anh đã bỏ lại phương Nam sau lưng để một mình ra Bắc tiếp tục “rong ruổi” với cái nghiệp ít người mong muốn.
Những ẩn số không giống nhau
Theo nghề bác sĩ pháp y (BSPY) được gần 30 năm, cũng không phải ngẫu nhiên anh lại chọn nghề này mà ở sâu trong anh, máu phiêu lưu, thích khám phá đã góp phần đưa anh đến với nghề không được nhiều người lựa chọn nhưng mang rất nhiều ý nghĩa khi bắt cái ác phải đền tội và trả lại đúng sự thật. Có lẽ ấn tượng không chỉ với tôi mà gần như bất kỳ ai gặp anh lần đầu đều không khỏi ngạc nhiên bởi lẽ anh là cả một kho những câu chuyện sinh động về nghề pháp y. Anh kể với tôi: “lần đầu tiên đi làm công việc của một người BSPY là lần mổ cho một cán bộ cấp huyện, đi uống rượu về, vợ không mở cửa cho vào nhà, anh này nằm ngoài nhà ngủ và mất sáng ngày hôm sau. Khi đó, mình vẫn còn là một bác sĩ ngoại khoa, (ngày đó chưa có BSPY mà chỉ khi nào công an yêu cầu bệnh viện cử người đi làm công tác giám định thì các bác sĩ sẽ lên đường, khi thì BS sản, khi thì BS nhi) thực hiện mổ và đưa ra kết luận anh cán bộ này bị cảm lạnh và mất. Điều đáng nhớ không phải là lần đầu thực hiện mổ trên tử thi, cũng không phải làm mà không bị kiện mà là sự bỡ ngỡ khi mới vào nghề. Ngày đó, công tác y học và pháp y khác nhau hoàn toàn. Bởi lẽ, bác sĩ lâm sàng có sự “chỉ điểm” của người bệnh (khai ra bệnh lý, triệu chứng) giúp các bác sĩ đọc ra bệnh. Còn đối với công tác pháp y thì đó chỉ là một xác chết, càng khó hơn khi thực hiện mổ để xác định người đó chết vì lý do gì. Cùng đó, công tác pháp y không có được sự ủng hộ của thời gian (làm xác bị phân hủy, biến dạng), thời tiết (xóa dấu vết), mổ ở hiện trường phát sinh nhiều vấn đề mới, thiếu dụng cụ để giải quyết các vấn đề về mổ tử thi. Đau xót nhất là phải giám định cho các cháu bé bị giết hại. Thực sự không ai nỡ đặt dao rạch lên cơ thể các thiên thần mắc nạn ấy. Ngày mới vào nghề, mình không lường hết được những khó khăn, phức tạp của nghề pháp y, trải qua không biết bao nhiêu vụ án, những lần giám định, ngẫm lại, anh nói rằng: mỗi một lần giám định là một phương trình có ẩn số và đáp án cho những phương trình đó không hề giống nhau.
TS. Vũ Dương (người đứng) đưa ra ý kiến về pháp y tại một phiên tòa. |
“Cháy” vì nghề
Sinh trưởng trong một gia đình cách mạng tại tỉnh Kiên Giang. Một xã có tới 99% gia đình liệt sĩ, có những gia đình có tới 9 liệt sĩ. Hỏi thăm anh, tôi được biết gia đình anh có 3 người đã hy sinh cho Tổ quốc, đến nay có liệt sĩ vẫn chưa tìm được hài cốt. Nói đến đây, anh im lặng, thời gian như chùng xuống và tôi không muốn phá vỡ khoảng lặng này của anh.
Câu chuyện với anh được tiếp tục khi anh nói, trong nghề y thì pháp y có 3 cái nhất: nghề được coi trọng thấp nhất, cực nhất và thu nhập thấp nhất. Cũng vì ba cái nhất này, không ít người đã vào nghề, không chịu nổi và phải bỏ. Qua câu chuyện anh kể, tôi tự hỏi anh là một người có thừa điều kiện để “tránh” công tác pháp y khi sau một thời gian làm bác sĩ ngoại khoa kiêm công tác pháp y bên ngành công an, anh được tiến cử làm lãnh đạo cấp phòng trong ngành công an, tiếp đó làm Phó Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang-phụ trách chuyên môn, được đi đào tạo ở nước ngoài. Thậm chí, anh còn có một phòng mạch tư có uy tín và lớn tại Thị xã Rạch Giá-Kiên Giang thời bấy giờ nhưng anh lại để lại tất cả sự nghiệp đang “lên” và đáng mơ ước với rất nhiều người để theo công tác pháp y. Thật kỳ lạ, nhưng qua những câu chuyện, tôi mới thấu hiểu được lòng yêu nghề trong anh luôn mãnh liệt, mãnh liệt đến khủng khiếp anh mới dám hy sinh nhiều đến vậy. Cũng vì lẽ đó, tính đến nay, trong sự nghiệp của mình anh đã có hàng chục nghiên cứu khoa học chuyên ngành pháp y và là người viết nhiều đầu sách về pháp y nhất từ trước tới nay. Đặc biệt, qua nhiều năm suy nghĩ và sáng tạo, anh đã lập cho ngành pháp y một logo đầy ý nghĩa và được Bộ Y tế lựa chọn sử dụng cho ngành pháp y trên cả nước hiện nay. Anh kể: từ khi chuyển công tác ra Hà Nội, mình đã gặp phải nhiều sự rối loạn trong cuộc sống, từ việc bán nhà cửa tại Kiên Giang đưa gia đình lên TP.HCM, gia đình thì bỏ anh em họ hàng ở Kiên Giang còn mình thì bỏ lại gia đình tại TP.HCM. Hiện nay, mình vẫn làm việc và sinh hoạt ngay tại căn phòng trong Viện PYQG. Nhưng, nếu cho một sự lựa chọn để quay lại với vị trí công tác như hồi ở địa phương thì có lẽ mình cũng nói không, mình sẽ làm pháp y cho đến khi nghỉ hưu. Bởi lẽ nghề pháp y hay lắm, có cái gì đó gai góc và “hợp” với máu trong mình. Pháp y không giống như luật sư, bởi luật sư có thân chủ, họ cố gắng lấy tất cả những ưu thế để bảo vệ cho thân chủ, còn ngành pháp y không có quan điểm sẽ bảo vệ cho riêng một ai trong một vụ án. Bởi lẽ ai cũng là nạn nhân và ai cũng là tội phạm. Pháp y là người cung cấp chứng cứ cho cơ quan điều tra, tố tụng, từ chứng cứ tòa án mới cho ra được bản án thích hợp cho từng cá nhân và từng đối tượng. Như vậy, pháp y luôn bảo vệ sự công minh của pháp luật. Nói thêm về nghề, anh cho rằng nghề pháp y ngày càng được xã hội trọng dụng, với pháp luật, đây là một trong những ngành nghề không thể thiếu của một nhà nước pháp quyền.
Pháp y phải gắn liền tâm-đức-bản lĩnh
“Khi giám định chỉ có thể làm hài lòng một bên. Bên bị hại muốn bác sĩ pháp y xác định thương tổn nặng để đối tượng gây hại phải đền tội. Còn bên gây hại thì lại mong ngược lại. Bác sĩ pháp y phải có tâm và đức, tâm để phục vụ ngành nghề, đức là để không bị chi phối bởi những tác động thân quen, tiền bạc. Ngoài tâm đức còn phải dũng cảm để đấu tranh với những sức ép trái với chuyên môn, ngược với pháp luật. Nếu không BSPY không những không đưa ra được chứng cứ mà sẽ mang lại một họa lớn cho cả đôi bên bị can, bị cáo và cả cơ quan điều tra xét xử”-anh tâm sự.
Kể tiếp cho tôi nghe một câu chuyện, anh bảo: đây là câu chuyện về cái tâm của người làm BSPY và bản lĩnh của mình. Hồi đó mình làm ở Phòng Kỹ thuật Hình sự, trong một vụ án giết người của tay bảo vệ trường Trung cấp với một cô học viên (HV), đặc biệt vụ án này có liên quan tới một cán bộ. Qua giám định, chúng tôi đã tìm thấy sâu trong cuống họng nạn nhân có một miếng bông gòn và một lọ thuốc. Sau khi bắt được thủ phạm, hắn khai rằng sợ cô HV la hét nên hắn đã nhét vào rồi buộc lại. Cùng đó, thủ phạm có khai rằng người cán bộ có cùng âm mưu giết người với hắn. Qua xét xử, anh cán bộ bị kết án tử hình và chưa thi hành án, tử tù này đã chết ở trại biệt giam do treo cổ ở tư thế nằm (từ ngực trở xuống vẫn nằm dưới đất) và dây treo cổ là quần áo và buộc vào lỗ hổng thông hơi ở cửa. Cái chết này đã làm cho nhiều người nghi ngờ, vì thường người ta nghĩ rằng treo cổ xác phải lơ lửng mới có thể chết, còn ở tư thế treo mà nạn nhân đứng, ngồi, nằm ít ai công nhận là treo cổ tự tử. Tuy nhiên trong điều kiện cho phép thì tĩnh mạch ở cổ chỉ cần bị chèn ép một lực tương đương 3kg là đã bị tắc, còn động mạch là khoảng 6kg, cho nên dù nằm cũng có thể dẫn đến tử vong. Sau khi khám nghiệm, chúng tôi đã kết luận tử tù chết do treo cổ tự tử, nhưng do vụ án phức tạp lại có tính chất nội bộ nên chúng tôi tiếp tục làm các xét nghiệm độc chất, vi thể để chứng minh cho kết luận của mình. Hơn một tháng sau, cơ quan điều tra đã cho rằng tôi kết luận sai vì qua giám định, trong phủ tạng của anh này có chứa thuốc trừ sâu. Tôi đã được Ban Giám đốc Công an triệu tập gấp và đề nghị tôi xem lại kết luận của mình, nếu thấy sai, thì có thể viết lại. Tại bản tường trình, tôi vẫn kết luận không có gì khác trước (chết do treo cổ). Do đây là một vụ án mang tính chất nội bộ nên đã được mang đi giám định tiếp tại Viện kiểm nghiệm thuốc trừ sâu (phía Nam). Tôi thở phào nhẹ nhõm khi nhận được kết luận rằng trong phủ tạng mà Viện KHHS Bộ Công an... gửi đến, qua giám định có thuốc trừ sâu, nhưng thuốc trừ sâu này chỉ là vi vết, người nào cũng có, lượng thuốc này không đủ để gây ngộ độc dẫn đến tử vong. Qua đây thấy rằng, nếu như trong công tác giám định, mình không có bản lĩnh, khi có thông báo ngược lại với kết luận của mình mà mình ngay lập tức đi theo thì mình sẽ là người gánh hậu quả.
Thành kiến của một bộ phận người dân về nghề chuyên ngành pháp y không phải là ít, thêm vào đó là cuộc sống không mấy dễ chịu, thời gian làm việc không có sự chủ động mà phụ thuộc vào tình hình an ninh trật tự của xã hội. Do vậy, các giám định viên luôn trong tư thế bị động, luôn phải sẵn sàng ngay cả những ngày lễ tết, hay thời gian dành cho gia đình, khiến ngành luôn trong tình trạng “đói” bác sĩ, giám định viên và thế hệ kế cận. Thế nhưng, đối với anh, anh vẫn đang “cháy” và “cháy” hết mình vì nghề. Đối với nhiều người đó là một dấu hỏi lớn. Còn đối với tôi, tôi hiểu rằng anh là một trái tim đầy tình người, hết mình vì công lý. Tôi khâm phục và kính trọng anh.