Xử trí kịp thời viêm tụy cấp
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do hoạt hóa các proenzyme ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề tổ chức tụy hoặc nặng hơn nữa là gây ra chảy máu, hoại tử trong nhu mô tụy.
Viêm tụy cấp là tình trạng viêm cấp tính ở tụy do hoạt hóa các proenzyme ngay tại tụy gây ra sưng, phù nề tổ chức tụy hoặc nặng hơn nữa là gây ra chảy máu, hoại tử trong nhu mô tụy. Có khoảng 80% viêm tụy cấp có nguyên nhân, 20% không rõ nguyên nhân. Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn biến thành chảy máu tụy, thậm chí gây hoại tử các tạng xung quanh như hoại tử mạch mạc treo gây chảy máu trong ổ bụng, gây thủng tá tràng, đại tràng... rất nguy hiểm.
Vì sao bị viêm tụy cấp?
Các nguyên nhân gây viêm tụy cấp: Về mặt giải phẫu, giữa đường mật và ống tụy có chỗ đổ chung nhau nên một số trường hợp sỏi mật làm tắc ống tụy dẫn đến ứ đọng và gây nên viêm tụy. Cũng tương tự như vậy, nếu có giun trong đường mật, chui xuống làm tắc nghẽn chỗ đổ chung này sẽ gây nên viêm tụy. Viêm tụy cấp do rượu cũng hay gặp. Người ta đã nghiên cứu và thấy rằng rượu làm tăng độ tập trung protein trong dịch tụy, sự lắng đọng protein sẽ dẫn đến hiện tượng vôi hóa, viêm tụy. Viêm tụy cấp còn có thể gặp sau phẫu thuật ổ bụng, đặc biệt là các phẫu thuật ở đường mật và dạ dày. Ngoài ra còn có một số nguyên nhân khác như nhiễm trùng (sau quai bị, viêm gan virus), do dùng thuốc...
Hình ảnh viêm tụy cấp trên phim CT.
Khởi phát bằng các cơn đau bụng cấp
Thường xuất hiện cấp tính, đột ngột với cơn đau bụng cấp - triệu chứng chính thường gặp. Đau có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng mà bệnh nhân không chịu nổi, đau thường xuyên và có cơn trội hẳn lên. Đau ở vùng thượng vị và vùng quanh rốn hoặc hạ sườn trái, tương ứng vùng tụy, đau lan lên ngực trái hoặc ra sau lưng, đau tăng khi nằm ngửa, giảm khi cúi gập mình ra phía trước. Đau có thể làm bệnh nhân vật vã bất an, toát mồ hôi hoặc choáng ngất. Biểu hiện đau này gần giống với đau bụng cấp trong bệnh lý dạ dày - tá tràng, nhất là xuất hiện sau khi uống rượu, bia nhiều sẽ làm cho chúng ta chủ quan không đi khám ngay và nhiều trường hợp đã để lại những hậu quả nghiêm trọng. 70 - 80% các trường hợp có nôn.
Toàn thân có hội chứng nhiễm khuẩn, với các biểu hiện như: sốt, đau đầu, môi khô, lưỡi bẩn; trong trường hợp do giun và sỏi, có thể xảy ra ngày đầu hoặc ngày thứ hai. Còn trong viêm tụy cấp do rượu, nhiễm khuẩn thường đến muộn sau 5 - 7 ngày do bội nhiễm. Ngoài ra, nếu trong trường hợp có viêm tụy cấp hoại tử thì có thêm các biểu hiện khác như: mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, đầu chi lạnh, tím tái...Muộn hơn có thể có biểu hiện suy tim, vàng mắt, suy thận cấp... Một số trường hợp có biểu hiện thiếu canxi, ngón chân, tay co quắp do canxi máu giảm.
Có thể gây biến chứng nếu không phát hiện sớm
Các chẩn đoán hình ảnh đặc biệt có giá trị trong viêm tụy cấp. Khi xét nghiệm thấy nồng độ amylase trong máu và nước tiểu tăng cao. Các chẩn đoán hình ảnh này bao gồm chụp phim bụng không chuẩn bị, siêu âm ổ bụng, đặc biệt là chụp cắt lớp vi tính khi chụp không chuẩn bị hay siêu âm ổ bụng bị hạn chế do bụng quá trướng, thành bụng dày... thì phương pháp này sẽ cho thấy hình ảnh chi tiết trong viêm tụy, mức độ viêm để bác sĩ có thể chỉ định xử trí.
Nếu không được chẩn đoán và xử trí kịp thời, viêm tụy cấp có thể diễn biến thành hoại tử tụy, thường hoại tử tụy ít khi khu trú mà lan rộng do hiện tượng tự tiêu của tuyến tụy dưới tác động của các men tiêu protein và lipid được hoạt tác ngay trong lòng tuyến tụy. Tiếp theo đó sẽ dẫn đến chảy máu tụy, thậm chí gây hoại tử tụy các tạng xung quanh như hoại tử mạch mạc treo gây chảy máu trong ổ bụng, gây thủng tá tràng, đại tràng... muộn hơn sẽ biến chứng thành áp-xe tụy. Bệnh nhân tử vong do chảy máu, sốc nhiễm khuẩn...
Điều trị và dự phòng viêm tụy cấp
Phần lớn viêm tụy cấp là thể phù (85 - 90%), điều trị chủ yếu bằng phương pháp nội khoa và bệnh sẽ thoái triển sau 5 - 7 ngày. Các biện pháp thông thường là: hút dịch vị, nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch, khi các triệu chứng đau giảm nhiều mới bắt đầu cho ăn dần, bắt đầu là nước đường, rồi hồ đường, rồi cháo để giảm sự tiết dịch tụy; bù nước và điện giải để đảm bảo thăng bằng kiềm toan, tùy theo điều kiện và nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng các loại thuốc giảm tiết, kháng sinh cho phù hợp. Chỉ định mổ cấp cứu khẩn cấp khi chẩn đoán không chắc chắn, viêm tụy cấp hoại tử nặng điều trị hồi sức tích cực không kết quả, viêm tụy cấp kết hợp có bệnh lý đường mật.
Ở bệnh nhân có tiền sử sỏi hoặc giun chui đường mật, hoặc sau bữa ăn thịnh soạn có sử dụng nhiều rượu, mà xuất hiện đau bụng cấp, cần đến ngay cơ sở y tế nơi gần nhất để khám và điều trị hợp lý, kịp thời, tránh các biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Cách tốt nhất với mỗi chúng ta là cần giữ gìn vệ sinh an toàn trong ăn uống, định kỳ 6 tháng đến 1 năm tẩy giun một lần để tránh mắc ký sinh trùng đường ruột; ăn uống hợp lý, tránh việc sử dụng bia, rượu quá nhiều để đảm bảo cho cơ thể luôn luôn được khỏe mạnh.
Theo SKDS