Ung thư gan và khuyến cáo của thầy thuốc
Ung thư (UT) gan hiện đang là một trong những loại UT phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo một số nghiên cứu mới đây, ở nước ta, UT gan có xu hướng gia tăng, là loại UT đứng thứ hai về số ca ở nam và thứ ba ở nữ, tỷ lệ tử vong, hàng đầu cho cả hai giới.
Ung thư (UT) gan hiện đang là một trong những loại UT phổ biến nhất ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Theo một số nghiên cứu mới đây, ở nước ta, UT gan có xu hướng gia tăng, là loại UT đứng thứ hai về số ca ở nam và thứ ba ở nữ, tỷ lệ tử vong, hàng đầu cho cả hai giới. Phần lớn bệnh nhân đều phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn khi UT gan đa ổ, tổng trạng kém, chức năng gan suy giảm do xơ gan kèm theo hoặc bệnh UT gan tiến triển xâm nhập hệ tĩnh mạch cửa hoặc di căn ngoài gan.
Khó phát hiện sớm ung thư gan, vì sao?
UT gan sớm thường không có triệu chứng. Khi UT phát triển lớn hơn ta có thể nhận thấy một hoặc nhiều các triệu chứng như: cảm giác nặng, đau hoặc tự sờ thấy khối vùng hạ sườn phải. Mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, gầy sút cân, buồn nôn và nôn. Vàng da, vàng mắt, phân nhạt màu, nước tiểu đậm màu. Khi có di căn xa có thể thấy kèm theo các triệu chứng của các cơ quan mà UT lan tới. UT gan thường lan đến phổi, có lẽ bằng đường máu. Một số ít trường hợp UT lan đến xương hoặc não.
Ung thư gan thường không có triệu chứng sớm.
Xác định bệnh như thế nào?
Xét nghiệm máu
Không có xét nghiệm tầm soát đáng tin cậy và chính xác cho bệnh UT gan. Xét nghiệm sinh hóa sử dụng rộng rãi nhất là αFP (alpha-fetoprotein), αFP tăng gặp ở cả bệnh nhân viêm gan cấp và mạn tính (tăng mức độ nhẹ hoặc vừa). αFP tăng cao (trên 500ng/ml) rất gợi ý cho một UT gan, độ nhạy của αFP cho UT gan là khoảng 60%, do đó một αFP bình thường không loại trừ UT gan.
Chẩn đoán hình ảnh
Nghiên cứu hình ảnh siêu âm, CT scan, MRI đóng vai trò rất quan trọng trong việc chẩn đoán UT gan, giúp cung cấp thông tin về kích thước khối u, số lượng các khối u, sự xâm lấn và lan rộng của UT.
Sinh thiết gan hoặc hút tế bào
Thực hiện sinh thiết kim dưới hướng dẫn của siêu âm hoặc CT scan, nguy cơ hay gặp nhất của phương pháp này là chảy máu do UT gan là khối u rất giàu mạch máu. Trong một số trường hợp UT gan, mô UT rất giống mô gan lành dưới kính hiển vi. Đôi khi có thể nhầm lẫn UT gan và UT tuyến trong gan. Các tiến bộ trong hóa mô miễn dịch có thể giúp phân biệt các trường hợp này.
Hút tế bào an toàn hơn sinh thiết do ít nguy cơ chảy máu, tuy nhiên, mẫu bệnh phẩm thu được bằng hút là khó khăn hơn
Phương pháp mới chữa trị UT gan
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị UT gan, trong đó phẫu thuật cắt phần gan mang khối u, ghép gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần... áp dụng khi bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Chỉ có khoảng 2% bệnh nhân được phẫu thuật triệt căn khối u. Gần đây bệnh nhân có thêm lựa chọn xạ trị bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90. Đến nay ở cả ba bệnh viện: Bạch Mai, 108 và Chợ Rẫy nhiều bệnh nhân UT gan đã được điều trị bằng phương pháp nút mạch u gan bằng hạt vi cầu phóng xạ Y-90 và cho kết quả khả quan. Các hạt vi cầu phóng xạ sẽ được bơm trực tiếp vào động mạch nuôi khối u. Khối u bị tiêu diệt theo hai cơ chế: tắc mạch cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u và xạ trị. 90% mạch máu nuôi u là từ động mạch gan, 10% từ tĩnh mạch cửa; các tổ chức lành thì ngược lại. Với phương pháp này các tổ chức u lành ít bị ảnh hưởng, khối u bị tiêu hoàn toàn hoặc giảm thể tích. Kết quả điều trị bằng kỹ thuật mới này an toàn, cảm nhận bệnh nhân tốt, biến chứng phải xử lý ít hơn nhiều với kỹ thuật khác, nguy cơ tái phát bệnh thấp. Tuy nhiên với bệnh UT, cần theo dõi 3-5 năm mới có thể đánh giá được hiệu quả của 1 phương pháp mới nhưng việc áp dụng kỹ thuật giúp mang lại cho bệnh nhân thêm hy vọng kéo dài sự sống. Nó được chỉ định trong những trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi các phương pháp điều trị khác đều thất bại, thể trạng bệnh nhân còn tốt. Được biết, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân khoảng 300-400 triệu đồng.
Khuyến cáo của thầy thuốc
Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan B là phương pháp hiệu quả nhất để dự phòng UT gan, giúp bảo vệ được trên 90% trẻ em và người lớn. Đối với virut viêm gan C - một tác nhân gây nên bệnh UT gan, vì hiện giờ chưa có vắc-xin dự phòng nên việc phòng tránh virut viêm gan C rất cần được quan tâm:
Hạn chế rượu, bia, đồ uống có cồn là một trong những chất ảnh hưởng đến gan nhiều nhất;
Cẩn thận với các loại thuốc có hại cho gan vì thế bạn cần nhớ không tự ý dùng thuốc bừa bãi mà không hỏi ý kiến bác sĩ;
Mọi chất mà bạn hấp thụ qua đường ăn uống, hít thở, thậm chí là thuốc ngoài da đều có thể khiến gan bị tổn thương dẫn đến UT gan; nên bạn cần tránh xa các chất độc hại hoặc ở trong môi trường ô nhiễm.
Quan hệ tình dục lành mạnh hoặc có bảo vệ, không sử dụng chung bơm kim tiêm, nếu truyền máu nên yêu cầu sàng lọc HBV và HCV để tránh lây nhiễm; Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đều đặn sẽ giúp bạn phát hiện kịp thời bệnh UT gan và nhiều căn bệnh khác.
Theo SKDS