Trị chứng suy nhược về chiều
Nếu bạn buổi sáng ngủ dậy, thấy tỉnh táo, làm việc, vận động, đi lại bình thường, nhưng quá trưa, đến chiều, bạn cảm thấy rất mệt, mí mắt trĩu xuống, tay chân vận động chóng mỏi, thậm chí có cả cảm giác chẹn ngực, khó thở...
Nếu bạn buổi sáng ngủ dậy, thấy tỉnh táo, làm việc, vận động, đi lại bình thường, nhưng quá trưa, đến chiều, bạn cảm thấy rất mệt, mí mắt trĩu xuống, tay chân vận động chóng mỏi, thậm chí có cả cảm giác chẹn ngực, khó thở, thì đây chính là dấu hiệu có thể bạn đã bị mắc một chứng bệnh gọi là : bệnh nhược cơ.
Mỏi, yếu cơ, liệt cơ tiến triển tăng dần trong ngày
Bệnh nhược cơ hay còn được gọi là Myasthenia gravis, là một loại bệnh tự miễn dịch dẫn đến rối loạn dẫn truyền tại các điểm nối thần kinh - cơ (neuromuscular junction) từ đó làm giảm chức năng hoạt động của hệ cơ. Bình thường, xung động từ hệ thần kinh đến các cơ đảm bảo cho cơ hoạt động nhờ vào một chất dẫn truyền thần kinh được gọi là acetylcholin (Ach). Trong bệnh nhược cơ có hiện tượng cơ thể sinh ra một loại tự kháng thể kháng Ach từ đó làm giảm số lượng chất này đồng thời làm giảm sự đáp ứng của các thụ thể Ach tại màng hậu signap. Hậu quả là giảm hoặc mất sự dẫn truyền các xung thần kinh từ các đầu mút thần kinh tới màng hậu signap thần kinh cơ dẫn đến hiện tượng yếu cơ, liệt cơ.
Cho đến nay, việc tại sao cơ thể lại có thể sinh ra các tự kháng thể kháng Ach vẫn chưa được biết rõ nhưng người ta thấy có mối liên quan rõ rệt giữa bệnh nhược cơ với những cá thể có kháng nguyên HLA-B8, HLA-A2, HLA-A3...; ở bệnh nhân có các bệnh tự miễn khác như Lupus ban đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì... Đặc biệt, trong bệnh nhược cơ, 75% số bệnh nhân có tuyến ức (là một tuyến lớn của hệ thống miễn dịch) phát triển bất thường và 15% có u tuyến ức. Về vai trò của u tuyến ức gây nên bệnh nhược cơ, có giả thuyết cho rằng có lẽ một số các tế bào tuyến ức có cấu trúc bề mặt tương đối giống cấu trúc chất Ach cho nên, khi tuyến ức sinh kháng thể kháng các tế bào này thì cũng “đánh nhầm” luôn cả Ach nên gây bệnh nhược cơ.
Đặc điểm cơ bản của bệnh nhược cơ là các triệu chứng mỏi, yếu cơ, liệt cơ tiến triển tăng dần từ sáng đến chiều. Có hiện tượng này là do sau một đêm nghỉ ngơi, số lượng chất dẫn truyền thần kinh Ach tăng lên khá nhanh nên vận động được hồi phục vào buổi sáng, sau đó, lượng Ach bị suy giảm dần làm giảm các xung thần kinh khiến cho cơ ngày càng hoạt động yếu đi.
Vô cùng nguy hiểm khi liệt các cơ hô hấp
Biểu hiện cụ thể của nhược cơ là bệnh nhân thường bị sụp hai mi mắt tăng dần, liệt các cơ vận động nhãn cầu gây triệu chứng nhìn đôi, lác; liệt các cơ nhai, cơ vùng hầu họng, các cơ vận động tay khiến bệnh nhân nhai chóng mỏi, nuốt sặc, nói khó, làm việc chóng mỏi mệt, đi lại kém và mức độ càng tăng khi cường độ vận động càng nặng và liên tục. Tuy nhiên, triệu chứng đáng ngại và nguy hiểm nhất của nhược cơ là suy hô hấp do yếu hoặc liệt các cơ hô hấp (cơ hoành, cơ liên sườn, cơ ức đòn chũm, cơ thang). Trong nhiều trường hợp, liệt hoàn toàn các cơ hô hấp sẽ làm bệnh nhân tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Nuốt sặc và ho khạc kém cũng là nguyên nhân gây sặc phổi và viêm phổi góp phần làm tình trạng suy hô hấp nặng nề thêm. Ngoài ra, nhược cơ cũng khiến bệnh nhân luôn mệt mỏi, ăn uống kém, giảm hoặc mất khả năng tập trung, khó hòa nhập xã hội.
Lời khuyên thầy thuốc
Khi bị bệnh nhược cơ, phải hết sức chú ý đến các yếu tố có thể góp phần làm tình trạng nhược cơ nặng nên. Thứ nhất là phải đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, ăn đủ chất và phải bổ sung đầy đủ kali từ chuối, đu đủ vì thiếu kali cũng gây liệt cơ rất nặng. Thứ hai là phải phòng tránh các bệnh nhiễm khuẩn (răng miệng, hầu họng...) khi đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch. Bệnh nhân cũng không nên tự ý sử dụng các thuốc có thể gây yếu cơ như các thuốc an thần gây ngủ, thuốc giãn cơ, thuốc chống co giật... Tuyệt đối không được tự ý bỏ thuốc khi đang được theo dõi điều trị bệnh vì thực tế cho thấy đa phần các trường hợp cơn nhược cơ nặng tiến triển nhanh gây suy hô hấp phải vào cấp cứu là do bệnh nhân thấy ổn định nên không uống thuốc nữa hoặc chuyển sang dùng các loại thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Bệnh nhân cũng nên tránh những stress về mặt tinh thần, nhiệt độ quá nóng, quá lạnh cũng như không nên vận động, làm việc với cường độ quá cao và liên tục. Khi có biểu hiện cơn nhược cơ tiến triển, nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và tư vấn điều trị bởi các thầy thuốc chuyên khoa nhiều kinh nghiệm.
Bệnh nhược cơ gặp ở mọi lứa tuổi nhưng người ta thấy tần suất mắc nhiều ở nữ dưới 40 và trên 70 tuổi. Bệnh cũng hay gặp ở nam giới tuổi trên 50 và nhìn chung, tỷ lệ mắc bệnh vào khoảng 5 trường hợp/100.000 dân.
Theo SKDS