Sán lá ruột tấn công cơ thể đường nào
Bệnh sán lá ruột thường gặp ở những người sinh sống ở vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc.
Bệnh sán lá ruột thường gặp ở những người sinh sống ở vùng có nhiều hồ ao, cây thủy sinh làm thức ăn cho người và gia súc. Vào mùa mưa lũ, diện tích đồng ruộng bị ngập lụt tăng nên nguy cơ bị mắc bệnh sán lá ruột càng cao. Vì vậy người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng tránh căn bệnh này.
C
Hình ảnh sán lá ruột trong tá tràng bệnh nhân qua nội soi.
Sán lá ruột sống ký sinh ở ruột non, đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoài và gặp nước nở thành các ấu trùng bơi tự do rồi xâm nhập và phát triển trong cơ thể ốc. Các ấu trùng sau đó thoát ra khỏi ốc và bơi đến sống bám vào lá, vào củ của một số loài thực vật thủy sinh như củ ấu, củ niễng, ngó sen, bèo, rau cần, rau rút, cải xoong, củ mã thầy, củ ấu... hoặc cá nước ngọt, động vật thân mềm (trai, hến, hàu...)
Con người hoặc động vật nếu dùng các loại thực vật trên làm thức ăn mà chưa nấu chín sẽ dễ bị nhiễm bệnh sán lá ruột do trong thức ăn có nang trùng của sán lá ruột. Khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể người hoặc lợn, chúng sẽ thoát vỏ nang ở tá tràng của vật chủ, bám vào ruột non để ký sinh và phát triển thành sán trưởng thành. Thời gian này mất khoảng 3 tháng.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh sán lá ruột có hiệu quả, nhất là trong thời điểm hiện nay đang mùa mưa bão, nhiều địa phương ở trong tình trạng ngập lụt, những vùng ngập nước, nhiều hồ ao, ruộng trũng là môi trường thuận lợi để bệnh sán lá ruột phát triển, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp: Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt; Ăn chín uống sôi; Không nên ăn các rau thủy sinh khi chưa được nấu chín; Không ăn gỏi cá, ốc, hàu sống, nộm rau, rau sống,…
Bên cạnh đó, các gia đình cần quản lý tốt phân thải của người và lợn một cách hợp vệ sinh, không nuôi lợn thả rông, không dùng phân thải của người và lợn để bón, tưới trong trồng trọt, chăn nuôi (nuôi cá)... để hạn chế sán phát triển.
Ngoài ra phải tích cực phát hiện, điều trị những người có mang mầm bệnh sán lá ruột để chủ động ngăn ngừa sự lây lan cho cộng đồng.
Sán lá ruột (có tên khoa học là Fasciolopsis buski) là một loại ký sinh thường gặp ở người và lợn. Sán lá ruột hình lá, dẹt, mầu hồng đỏ, dài 30 - 70mm, rộng 14 -15mm, dày 0,5 - 3mm. Có mồm hút phía trước và mồm hút phía giữa. Trứng sán lá ruột có kích thước lớn nhất trong các loại trứng giun sán, hình bầu dục, một đầu có nắp nhỏ, màu vàng nhạt.
Theo SKDS