Ðột quỵ, bệnh đâu chỉ ở người già
Nói đến đột quỵ não, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh của những người cao tuổi hoặc của lứa tuổi trung niên trở lên, nhưng những thống kê gần đây cho thấy, đột quỵ não chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở người trẻ tuổi.
Nói đến đột quỵ não, người ta thường nghĩ ngay đến bệnh của những người cao tuổi hoặc của lứa tuổi trung niên trở lên, nhưng những thống kê gần đây cho thấy, đột quỵ não chiếm một tỷ lệ không nhỏ ở người trẻ tuổi.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Hầu như tất cả các nguyên nhân gây đột quỵ ở người già đều có thể gặp ở người trẻ. Tuy nhiên, các nguyên nhân như xơ vữa động mạch thì ít gặp hơn ở người dưới 45 tuổi. Tăng huyết áp là loại bệnh lý gây đột quỵ não thể xuất huyết não thường gặp nhất ở người già nhưng hiện nay cũng gặp với tần suất khá cao ở người trẻ. Huyết áp tăng cao thường xuyên không được kiểm soát là nguy cơ hàng đầu làm vỡ mạch và xuất huyết não. Đây là loại đột quỵ não có tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Thống kê cho thấy, xấp xỉ 30% đột quỵ não ở người dưới 45 tuổi có bệnh lý tăng huyết áp. Đái tháo đường là loại bệnh lý ngày càng hay gặp và tỷ lệ này cũng không hề thấp ở người trẻ. Đường huyết tăng cao dẫn đến rất nhiều biến chứng, trong đó có biến chứng về mạch máu. Tổn thương thành mạch trong bệnh lý này là nguyên nhân của đột quỵ tim mạch (như nhồi máu cơ tim) và đột quỵ não (xuất huyết não, tắc mạch máu não). Đột quỵ não ở người trẻ cũng có thể là biến chứng của tổn thương thành mạch máu trong một số bệnh lý có tính chất di truyền như hội chứng Marfan, hội chứng Ehlers - Danlos type IV (có tổn thương lớp mô liên kết của thành động mạch) và một số yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, viêm hệ thống động mạch...
Đột quỵ não do tắc mạch máu não,
xuất huyết não ngày càng hay gặp ở người trẻ tuổi.
Một nhóm nguyên nhân quan trọng, chiếm tỷ lệ cao nhất trong các nguyên nhân gây đột quỵ não ở người trẻ đó là nguyên nhân do vỡ phình mạch não và vỡ búi thông động - tĩnh mạch não. Túi phình động mạch não thường có vị trí tại các vòng nối động mạch ở nền sọ (hay còn được gọi là đa giác Willis). Khi các túi phình bị vỡ sẽ gây xuất huyết dưới màng nhện. Búi thông động - tĩnh mạch não có nguyên do bẩm sinh. Máu từ động mạch qua thẳng tĩnh mạch não (mà không chuyển tiếp qua hệ mao mạch) nên tạo những búi phồng lớn. Khi các búi phồng này vỡ ra sẽ gây xuất huyết trong nhu mô não. Đột quỵ não do tim cũng là bệnh lý hay gặp ở người trẻ. Nhóm nguyên nhân do tim bao gồm các bệnh lý của tim tạo các cục huyết khối trong các buồng tim sau đó di chuyển lên não và gây tắc mạch não. Điển hình trong số đó là các bệnh tim như hẹp hai lá, suy tim, nhồi máu cơ tim, loạn nhịp hoàn toàn. Xơ vữa động mạch là nguyên nhân gây đột quỵ rất ít gặp ở người dưới 35 tuổi, nhưng nguy cơ này tăng dần lên theo tuổi và cũng có thể gặp đột quỵ não ở độ tuổi từ 35 - 45 tuổi. Một số bệnh lý như bệnh hồng cầu hình liềm, hội chứng kháng phospholipid... có khả năng tạo các cục máu đông gây tắc mạch não và đột quỵ do các nguyên nhân này chiếm 26% nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ. Các nguyên nhân nói trên kết hợp với các yếu tố nguy cơ như nghiện thuốc lá, rượu, tình trạng béo phì, sử dụng các chất ma túy (cocaine, amphetamine, cần sa...), chế độ ăn uống không khoa học (nhiều chất béo, đường, ít rau xanh và hoa quả tươi), sử dụng thuốc tránh thai, bệnh migrain (chứng đau đầu vận mạch hay xảy ra ở phụ nữ trẻ), làm việc căng thẳng quá mức... làm tăng khả năng đột quỵ não ở người dưới 45 tuổi.
Các dấu hiệu gợi ý
Các biểu hiện của đột quỵ não ở người trẻ nhìn chung cũng tương tự như ở người già. Các triệu chứng xảy ra đột ngột và diễn biến nặng nhẹ tùy theo mức độ tổn thương. Các biểu hiện nhẹ bao gồm đau đầu, nói khó, rối loạn ý thức, rối loạn cảm giác (tê bì, kiến bò, mất cảm giác), yếu tay, chân. Nếu nặng hơn, bệnh nhân có thể đột ngột liệt tay, chân, hôn mê sâu, rối loạn thân nhiệt và tử vong. Bên cạnh đó còn có các triệu chứng của bệnh lý gây đột quỵ như các bệnh tim mạch (tăng huyết áp, hẹp hai lá, loạn nhịp hoàn toàn, suy tim...), các túi phồng động mạch hoặc búi phồng động - tĩnh mạch (phát hiện qua chụp mạch hoặc chụp cắt lớp đa dãy), bệnh hồng cầu hình liềm...
Bệnh có thể phòng tránh
Nói là bệnh nguy hiểm nhưng có thể phòng tránh được bằng cách: điều trị tốt các bệnh lý nguyên nhân như bệnh tim mạch, bệnh tăng huyết áp; phát hiện sớm các dị dạng mạch não; kiểm soát tốt đường huyết, mỡ máu; loại bỏ các yếu tố nguy cơ như béo phì, bỏ thuốc lá, tránh lạm dụng rượu và các chất ma túy, duy trì một lối sống vui vẻ, lành mạnh, tránh áp lực quá cao trong công việc. Những người trẻ tuổi cũng nên tuân thủ một chế độ ăn khoa học “4 ít”: ít đường, ít mỡ, ít thịt, ít muối và tăng cường ăn rau tươi, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt).
Theo một số thống kê chưa đầy đủ, đột quỵ não ở người trẻ chiếm khoảng 12 - 20% trong tổng số các đột quỵ ở mọi lứa tuổi và xảy ra với tần suất từ 10 - 34 trường hợp/100.000 dân/năm.
Theo SKDS