Phòng bệnh do não mô cầu
Sau một thời gian tạm lắng, bệnh não mô cầu xuất hiện trở lại ở một số địa phương trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, số mắc do não mô cầu là 72 ca, trong đó đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong
Sau một thời gian tạm lắng, bệnh não mô cầu xuất hiện trở lại ở một số địa phương trên cả nước. Từ đầu năm đến nay, số mắc do não mô cầu là 72 ca, trong đó đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Nếu không chủ động ngăn chặn thì bệnh có thể bùng phát thành dịch. Vì vậy, nhân viên y tế cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, đến cơ sở y tế khám khi có những dấu hiệu sớm của bệnh.
Người lành mang vi khuẩn cũng là nguồn lây
Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu gồm có 4 nhóm chính: A, B, C và D, trong đó não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Ổ chứa vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là ở người, do vậy nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn.
Bệnh lây truyền theo đường hô hấp, thường gặp ở lứa tuổi trẻ và có khả năng gây thành dịch. Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể người qua đường mũi họng, từ đó lan tỏa vào máu gây nhiễm trùng máu hoặc đến màng não gây viêm màng não mủ. Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện muộn Tại nước ta, bệnh viêm não, màng não do não mô cầu lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Sau khi virut não mô cầu xâm nhiễm vào cơ thể thì thường ủ bệnh từ 1-10 ngày. Người bị nhiễm não mô cầu thể viêm mũi họng thường bị sốt 38-39 độ C, tình trạng sốt kéo dài 1-7 ngày... kèm theo đó là biểu hiện đau đầu, rát họng, chảy nước mũi.
Người bị nhiễm não mô cầu nặng hơn có thể nhiễm khuẩn huyết. Bệnh nhân sẽ sốt rất cao, lên tới 40 - 41 độ C. Những cơn sốt thường kéo dài liên tục kèm theo những cơn rét run, đau đầu, đau mỏi cơ khớp toàn thân. Sau đó, họ có thể bị xuất huyết, thậm chí xuất huyết từng vùng làm hoại tử da làm bong da...
Biến chứng nặng nhất của người bị nhiễm não mô cầu là viêm màng não. Tình trạng này thường xảy ra sau khi người nhiễm bệnh bị viêm mũi họng, nhiễm khuẩn huyết. Tuy nhiên, một số người ngay khi khởi phát bệnh đã có những triệu chứng của viêm màng não. Những người nhiễm não mô cầu bị viêm màng não thường bị sốt đột ngột 39 - 40 độ C, mệt mỏi, đau đầu nhiều, nôn mửa. Người bệnh cũng có dấu hiệu bị lú lẫn, hoảng loạn, co giật và hôn mê. Trong trường hợp nhiễm bệnh thì 24 giờ đầu được xem là khoảng thời gian vàng trong điều trị để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh viêm màng não do não mô cầu tiến triển rất nhanh và khó phát hiện trong giai đoạn sớm vì triệu chứng giống với các bệnh viêm màng não do nhiễm siêu vi thông thường. Bệnh lý gây ra do não mô cầu thường diễn tiến nhanh và có thể đưa đến tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát bệnh.
Nếu người bệnh may mắn sống sót thì có thể mang những di chứng nghiêm trọng như phải cắt bỏ các chi, các ngón tay, ngón chân, để lại các tổn thương não, giảm thính lực, tổn thương thận và các vấn đề về tâm lý.
Phòng bệnh do não mô cầu
Để phòng bệnh viêm não, màng não do não mô cầu, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân bằng cách rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh, thông khí nơi ở, nơi làm việc.
Ăn uống đủ chất dinh dưỡng, luyện tập, nâng cao thể trạng. Chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh tại các cơ sở y tế và phải thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ. Tùy loại vắc-xin, có thể tiêm cho trẻ từ 3 tháng tuổi hay lớn hơn, tiêm cho các đối tượng sống trong vùng dịch hoặc phải đi đến vùng dịch, những người sống trong một cộng đồng khép kín hoặc các cộng đồng có báo cáo về các trường hợp nhiễm não mô cầu. Không được tiêm cho người quá mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của vắc-xin, các trường hợp sốt, nhiễm khuẩn cấp tính và dị ứng đang tiến triển, người mắc các bệnh mạn tính. Cần thận trọng khi tiêm cho phụ nữ mang thai trừ khi thật cần thiết.
Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao, đau đầu, đau họng, cổ cứng, nôn vọt cần đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị đúng.
Có kế hoạch chủ động phòng chống bệnh do não mô cầu hàng năm. Tăng cường giám sát tại các tuyến, đặc biệt tại các ổ dịch cũ, nơi nguy cơ cao.
Tại gia đình bệnh nhân và cộng đồng khu vực ổ dịch, nhân viên y tế thôn bản cần tăng cường tuyên truyền tới từng hộ gia đình về bệnh do não mô cầu và các biện pháp phòng chống.
Thực hiện giám sát, báo cáo dịch hàng ngày theo đúng quy định. Giám sát cần chú trọng tại các khu vực tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại...). Khi phát hiện trường hợp bệnh lâm sàng mới trong khu vực ổ dịch cần đưa người bệnh đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Hạn chế việc tụ tập đông người, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân, người nghi ngờ mắc bệnh.
Hướng dẫn gia đình bệnh nhân và người dân trong khu vực ổ dịch thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở: rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như sàn nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập... bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; giặt, rửa quần áo, dụng cụ, đồ vải... và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Thực hiện vệ sinh thông khí: Thường xuyên mở cửa sổ, cửa chính để đảm bảo thông thoáng khí cho phòng ở, nơi làm việc, học tập hàng ngày.
Theo SKDS