Phát hiện và chữa trị hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) gặp ở khoảng từ 10 - 20% người trưởng thành, nhưng chỉ có 5 - 7% các trường hợp được chẩn đoán.
Hội chứng ruột kích thích (HCRKT) gặp ở khoảng từ 10 - 20% người trưởng thành, nhưng chỉ có 5 - 7% các trường hợp được chẩn đoán. Nó không phải là bệnh mà là nhóm các triệu chứng xuất hiện cùng với nhau do thay đổi cách thức hoạt động của ruột nhưng không có tổn thương tại ruột. Trước đây, thường được gọi là viêm đại tràng, viêm đại tràng xuất tiết, đại tràng co thắt, đại tràng chức năng, đại tràng thần kinh,... Người bệnh thường có biểu hiện đau bụng, khó chịu vùng bụng, thay đổi thói quen đi ngoài. Có thể kèm theo đau cơ, đau đầu, đau lưng...
HCRKT dễ bị chẩn đoán nhầm với viêm đại tràng.
Nguyên nhân gây HCRKT chưa được xác định
Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân và cơ chế chính xác gây ra HCRKT nhưng có một số giả thuyết lý giải cho hội chứng này:
Rối loạn dẫn truyền tín hiệu thần kinh não - ruột gây ra các biểu hiện thay đổi thói quen đại tiện và đau hoặc khó chịu ở vùng bụng.
Rối loạn vận động ruột: Giảm nhu động ruột thường dẫn đến táo bón, tăng nhu động thường gây tiêu chảy. Co thắt cơ trơn thành ruột đột ngột gây đau hoặc khó chịu vùng bụng.
Rối loạn về nhạy cảm đau: Những người bị HCRKT có ngưỡng đau thấp hơn đối với sự căng giãn ruột do phân hoặc hơi trong lòng ruột so với những người không bị hội chứng này. Chính điều này gây ra biểu hiện đau hoặc khó chịu vùng bụng.
Sự phát triển quá mức vi khuẩn chí ở ruột non: Bình thường, có một số loại vi khuẩn có lợi sinh sống ở ruột non (vi khuẩn trí). Vi khuẩn ruột non phát triển quá mức sẽ tạo ra quá nhiều hơi trong ruột gây đầy trướng bụng và cũng có thể gây tiêu chảy.
Thay đổi về các chất hóa học dẫn truyền thần kinh.
Tính chất gia đình: HCRKT hay gặp hơn ở những người gia đình có tiền sử mắc bệnh đường tiêu hóa.
Nhạy cảm thức ăn: Nhiều người bị HCRKT thấy các triệu chứng nặng hơn khi ăn các thức ăn giàu carbohydrat, chất béo, cafe và rượu,... mặc dù họ không có biểu hiện của dị ứng thức ăn.
Biểu hiện của HCRKT như thế nào?
Người bệnh HCRKT thường có các triệu chứng sau:
Đau bụng: Đau thành cơn, quặn thắt ở vùng hạ vị, nửa bụng phải, nửa bụng trái và có thể ở vùng thượng vị. Đau tăng lên khi ăn, khi bị căng thẳng thần kinh (stress). Đau giảm khi đi ngoài hoặc đánh hơi.
Thay đổi thói quen đi ngoài: Đây là biểu hiện nổi bật và hằng định. Táo bón xen kẽ với tiêu chảy nhưng thường có một biểu hiện nổi trội. Thay đổi thói quen đi ngoài cũng liên quan đến thức ăn, căng thẳng thần kinh (stress). Người bệnh táo bón, đi ngoài dưới 3 lần một tuần, phân cứng, khô, nhỏ, khó đi, một số người cảm thấy đau và phải rặn mạnh để tống phân ra ngoài. Táo bón thành từng đợt, liên tục, nặng dần và không đỡ khi dùng thuốc nhuận tràng, xen kẽ với các đợt tiêu chảy. Tiêu chảy trong
HCRKT lượng phân ít, phân loãng, có thể có nhày nhưng không có máu, từ 3 lần trở lên một ngày và cảm thấy rất mót đi ngoài.
Đầy bụng, trướng hơi: Cảm giác đầy, trướng bụng, sôi bụng do rối loạn vận chuyển và dung nạp khí trong ruột.
Các biểu hiện của đường tiêu hóa trên: Cảm giác nóng rát sau xương ức, có thể buồn nôn hoặc cảm giác khó tiêu.
Để chẩn đoán HCRKT cần làm xét nghiệm gì?
Xét nghiệm giúp phân biệt HCRKT với các bệnh khác và để loại trừ tổn thương ở ruột. Trong HCRKT, các kết quả xét nghiệm hầu hết bình thường. Người bệnh cần làm
các xét nghiệm sau: Công thức máu; Xét nghiệm phân; Nội soi đại tràng sigma hoặc nội soi đại tràng toàn bộ bằng ống mềm;
Ngoài ra, có thể cần làm thêm xét nghiệm test thở hydro loại trừ hội chứng không dung nạp sữa (thiếu men lactase) và xét nghiệm huyết thanh loại trừ hội chứng tiêu chảy phân mỡ.
Để chẩn đoán HCRKT thường dựa vào tiêu chuẩn ROME (Hội nghị tiêu hóa quốc tế tại Rome): Đau bụng hoặc cảm giác khó chịu ở vùng bụng dưới ít nhất 3 ngày trong tháng, kéo dài ít nhất 3 tháng phối hợp với 2 hay 3 biểu hiện sau: Các triệu chứng được cải thiện sau khi đi ngoài; thay đổi hình dạng khuôn phân; thay đổi số lần đi ngoài.
HCRKT có thể nhầm lẫn với các bệnh khác ở đường tiêu hóa
Một số bệnh khác ở đường tiêu hóa cũng có biểu hiện chính giống như HCRKT là đau và khó chịu vùng bụng kèm tiêu chảy hoặc táo bón. Vì vậy rất dễ nhầm lẫn trong chẩn đoán.
Viêm đại tràng mạn tính: Là tình trạng tổn thương mạn tính ở đại tràng do nhiều nguyên nhân như nhóm nguyên nhân viêm nhiễm (lao đại tràng, amip đại tràng, nhiễm nấm hoặc virut), không rõ căn nguyên (viêm loét đại trực tràng, viêm ruột từng vùng hay bệnh Crohn) và nhóm các nguyên nhân khác (viêm đại tràng giả mạc, viêm đại tràng do tia xạ, do viêm túi thừa đại tràng). Người bệnh thường có những biểu hiện khá giống nhau là đau bụng, thay đổi thói quen đi ngoài. Tuy nhiên, thường kèm thêm sốt, phân nhày máu. Phân biệt dựa vào các kết quả xét nghiệm cho thấy có tổn thương tại đại tràng.
Không dung nạp sữa và các sản phẩm sữa: Người bệnh do không hấp thu được lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm sữa nên thường có biểu hiện đau hoặc khó chịu vùng bụng, đầy trướng bụng, đi ngoài. Tuy nhiên, các biểu hiện sẽ giảm hoặc hết khi không dùng sữa hoặc sản phẩm sữa. Ngoài ra, bác sĩ có thể dùng test thở hydro hoặc test xác định độ axit của phân để loại trừ nguyên nhân này.
Bệnh tiêu chảy phân mỡ: là tình trạng ruột non không tiêu hóa được một loại protein trong lúa mì, lúa mạch là gluten. Bệnh thường xảy ra ở trẻ em khi bắt đầu cho ăn thức ăn có gluten và người lớn khoảng 40 - 50 tuổi. Người bệnh có biểu hiện khá giống như những người có HCRKT như tiêu chảy, trướng bụng, chán ăn. Tuy nhiên, phân thường nhiều, nhão, có màu xám, bóng và nhiều nước. Xác định dựa vào nghiệm pháp D - xylose dương tính.
Ung thư đại trực tràng: Ngoài những biểu hiện giống như của HCRKT, người bệnh còn có các biểu hiện nghi ngờ là chảy máu trực tràng, sốt, thiếu máu, toàn trạng suy giảm và khi khám bụng hoặc thăm trực tràng cùng với chẩn đoán hình ảnh có dấu hiệu nghi ngờ.
Theo SKDS