Nguy cơ viêm thanh quản cấp do nắng nóng
Viêm thanh quản cấp là một bệnh phổ biến, thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết chuyển lạnh. Tuy nhiên hiện nay, do kinh tế phát triển cùng với sự nóng lên của trái đất dẫn đến việc sử dụng điều hòa và dùng nước đá giải khát cũng là nguy cơ dẫn đến viêm thanh quản cấp.
Viêm thanh quản cấp là một bệnh phổ biến, thường xảy ra vào mùa lạnh hoặc khi thời tiết chuyển lạnh. Tuy nhiên hiện nay, do kinh tế phát triển cùng với sự nóng lên của trái đất dẫn đến việc sử dụng điều hòa và dùng nước đá giải khát cũng là nguy cơ dẫn đến viêm thanh quản cấp.
Thủ phạm gây viêm thanh quản cấp
Như chúng ta đã biết, họng và thanh quản đem lại tiếng nói cho bạn nhờ sự rung động của hai dây thanh khi luồng không khí đi ra từ phổi. Khi bạn bị mất tiếng hoặc nói khàn tức bộ phận này đã bị tổn thương, y học gọi viêm thanh quản cấp. Qua nghiên cứu, người ta phát hiện nguyên nhân gây viêm thanh quản cấp chủ yếu là do virut: influenza, virut APC, myxovirut, virut cúm, á cúm. Ngoài ra, còn nhiều yếu tố khác như stress (căng thẳng thần kinh, mệt mỏi về thể chất, dị ứng hay hít phải chất lạ nào đó). Khởi đầu của viêm thanh quản cấp thường do bị viêm mũi hoặc viêm mũi - họng xuất tiết với dấu hiệu chính là khàn tiếng hay mất tiếng đột ngột. Triệu chứng ban đầu, người bệnh thấy nhức đầu, mệt mỏi, sổ mũi, ngấy sốt sau đó đau họng, có cảm giác nóng và khô hoặc rấm rứt như có dị vật trong cổ họng, kích thích ho (lúc đầu ho từng cơn, ho khan, sau đó ho có đờm nhầy). Tiếp đến, giọng nói bị khàn, đôi khi khàn đặc, thậm chí mất tiếng. Những triệu chứng trên của bệnh thường kéo dài trong vài ngày. Sau đó, các triệu chứng giảm dần, khoảng sau 7 ngày thì khỏi. Ban đầu có thể chỉ khỏi cơn ho, sốt, chảy mũi nhưng khàn tiếng có thể kéo dài thêm một vài ngày nữa mới khỏi hẳn.
Hình ảnh viêm thanh quản cấp qua nội soi: hai dây thanh sung huyết và có ít giả mạc.
Làm gì khi bị viêm thanh quản?
Bệnh diễn biến trong vòng 5 - 7 ngày rồi tự khỏi nếu không có biến chứng. Tuy nhiên, viêm thanh quản cấp có thể gây biến chứng, nhất là những trường hợp bội nhiễm dẫn đến những bệnh nhiễm khuẩn do sức đề kháng chung của cơ thể giảm sút như viêm tai, viêm phổi... Chính vì thế, cần phải theo dõi sát, điều trị đúng và kịp thời, nếu thấy xuất hiện các triệu chứng của biến chứng như đau tai, chảy dịch ở tai, khó thở..., phải đưa người bệnh vào viện ngay. Điều trị toàn thân dùng kháng sinh phòng bội nhiễm: nhóm b lac-tam như amoxilin, taxetil dạng viêm hoặc siro với liều theo cân nặng. Nếu dị ứng với nhóm kháng sinh này thường được thay thế bằng kháng sinh nhóm macrolid như davercine... Có thể dùng thuốc chống viêm, giảm phù nề bằng liệu pháp corticoid (hít): solumedrol hoặc depersolon hoặc corticoid đường uống, chymotrypsin choay dạng viên nén ngậm dưới lưỡi hoặc uống phối hợp với các thuốc giảm ho, kháng histamin uống.
Dân gian thường sử dụng chanh tươi thái lát mỏng, nghệ tươi, đường phèn hấp cách thủy ngậm nhiều lần trong ngày. Dùng một số thảo dược như húng chanh, mật ong, quất, gừng, tía tô, ngải cứu, bạc hà... trong điều trị viêm thanh quản cũng cho kết quả tốt.
Thuốc ngậm tại chỗ cũng rất hữu ích trong viêm thanh quản, tuy nhiên, thuốc sử dụng, liều dùng cũng như thời gian sử dụng phải theo chỉ định của thầy thuốc, tránh những tai biến đáng tiếc có thể xảy ra.
Điều trị hỗ trợ viêm mũi họng bằng cách nhỏ mũi, súc họng bằng dung dịch kiềm nhẹ. Khí dung mũi họng cùng với làm thuốc thanh quản thực hiện bởi các thầy thuốc chuyên khoa tai mũi họng.
Đối với những bệnh nhân viêm thanh quản, điều quan trọng nhất trong điều trị là kiêng nói để dây thanh có thể phục hồi sớm nhất. Nếu thực hiện được kiêng nói trong vài ngày (thường khoảng 3 - 5 ngày), bệnh sẽ khỏi rất nhanh. Ngoài ra, cần bổ sung vitamin, ăn nhiều hoa quả tươi, nằm nghỉ ngơi, không hút thuốc lá, uống rượu và các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu...
Để phòng viêm thanh quản cấp
Khi đi đường, làm việc trong môi trường bụi, nên đeo khẩu trang, đồng thời tăng cường sức đề kháng cho cơ thể để chống lại sự thâm nhập của virut, vi khuẩn. Trước khi đi ngủ, nên nhỏ mũi, súc miệng bằng nước muối sinh lý. Khi có những triệu chứng sớm của viêm mũi, viêm họng cấp, cần điều trị ngay. Hạn chế tối đa việc hút thuốc, không uống nước đá...
Lời khuyên của thầy thuốc
Có nhiều trường hợp khi bị viêm thanh quản cấp do chủ quan nghĩ chỉ bị viêm họng nhẹ nên không đi khám mà tự điều trị ở nhà, khi bệnh không đỡ mới đến cơ sở y tế. Bởi vậy, nhiều bệnh nhân tới khám đã bị viêm khí - phế quản, viêm phổi... gây khó thở nặng, có thể nguy hiểm đến tính mạng và cũng do tự điều trị ở nhà, lạm dụng nhiều thuốc, nhất là kháng sinh nên gây khó khăn trong quá trình điều trị. Chính vì thế, khi có những dấu hiệu của bệnh như mất tiếng hoặc giọng khàn, nói khó khăn kèm theo hiện tượng ho, sốt, nhiều đờm; khó thở, hít vào có tiếng rít; tiếng ho khàn, người mệt nhiều và gần như không nói được; khàn tiếng kéo dài dùng thuốc không thấy đỡ (có thể là biểu hiện của chứng ung thư các dây thanh âm)..., cần đi khám chuyên khoa tai - mũi - họng để tìm nguyên nhân và phương pháp điều trị.
Theo SKDS