Mùa hè: Cảnh giác nhiễm bệnh ở bể bơi!
Mùa hè nóng nực, sau mỗi ngày làm việc, học tập căng thẳng, nhiều người thích đến các bể bơi công cộng để được ngâm mình và ngụp lặn giữa dòng nước mát.
Nhưng ít ai biết được, trong bể nước trong xanh kia cũng chứa nhiều mối nguy cơ đang sẵn sàng lây nhiễm vào bạn.
Tại sao đi bơi có thể nhiễm bệnh?
Tại các bể bơi công cộng, có rất nhiều nguy cơ lây nhiễm. Nhóm nguyên nhân thứ nhất là ở phía người tắm như do một khối lượng người quá lớn xuống tắm chung cho nên thể tích nước không đủ để đảm bảo sạch, người xuống tắm không tuân thủ các biện pháp làm sạch như tắm gội trước khi xuống bể, trong số những người xuống tắm có những người đang bị mắc các bệnh ngoài da hoặc nhiễm khuẩn (sinh dục tiết niệu chẳng hạn...), người tắm vô ý thức khạc nhổ, tiểu tiện ra bể (do khi xuống bể, áp lực nước đè vào bàng quang và lượng nước tiểu nhiều hơn do vận động mà nước trong cơ thể không mất qua đường mồ hôi nên tiểu nhiều hơn). Nhóm nguyên nhân thứ hai là ở phía bể bơi. Với một lượng nước rất lớn, lưu thông chậm lại luôn có ánh nắng chiếu vào làm nước ấm lên nên là môi trường lý tưởng để vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng sinh sôi nảy nở và gây bệnh. Thêm nữa, một số hóa chất sát khuẩn cũng có thể là nguyên nhân gây dị ứng, gây viêm da cho người đi bơi.
Bệnh gì có thể bị nhiễm từ bể bơi?
Các bệnh ngoài da: như viêm da do nhiễm khuẩn, do nấm; các tổn thương da do hóa chất khử khuẩn, các loại hóa chất khác (được sử dụng tại các bể bơi); các thương tổn da do ánh nắng mặt trời. Viêm da do nhiễm khuẩn có nguyên nhân do vi khuẩn sinh sống trong nước tại các bể bơi (vi khuẩn gram âm, trực khuẩn mủ xanh...) với biểu hiện bằng những tổn thương trên da như các nốt viêm, sưng nề, hóa mủ. Vi khuẩn trong nước cũng có thể dễ dàng xâm nhập cơ thể qua các vết thương nhỏ có sẵn trên da và gây viêm da ở người đi bơi. Bệnh lý do nấm rất thường gặp ở người đi bơi như hắc lào, nấm móng, nấm kẽ chân, nấm tóc... xuất hiện sau khi nhiễm 5 - 7 ngày với các biểu hiện ngứa, viêm loét tại các vị trí tổn thương: kẽ chân, móng tay chân, chân tóc. Trong nước bể bơi cũng luôn có một số hóa chất như các hợp chất có chứa clo (dùng để sát khuẩn), hóa chất từ các loại mỹ phẩm, chất chống nắng (của chị em phụ nữ) sử dụng khi đi bơi. Các chất này có thể gây dị ứng, viêm da, sạm da đối với những người nhạy cảm. Người đi bơi cũng có thể bị sạm da, bong da... nếu nằm phơi nắng lâu tại các bể bơi ngoài trời mà không có biện pháp dự phòng thích hợp.
Các bệnh đường tiêu hóa: Khi đi bơi có thể lây nhiễm một số bệnh như lỵ trực khuẩn, tiêu chảy cấp do E. Coli. Bệnh sẽ biểu hiện một hai ngày sau nhiễm vi khuẩn với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau bụng, mót rặn, phân nhày máu hoặc tiêu chảy. Tiêu chảy cấp cũng có thể do Giardia, một loại ký sinh trùng hay gặp trong nước bẩn. Bên cạnh đó, bệnh lý viêm dạ dày ruột cấp do Norwalkvirus, viêm gan virut A cũng được cho là bệnh lý gặp ở người đi bơi.
Bệnh lý ống tai, đặc biệt hay gặp ở người đi bơi (nhất là ở trẻ em). Khi đi bơi, nước có thể vào các ống tai, làm ướt ống tai, tạo môi trường viêm nhiễm ở những ống tai có nhiều ráy tai hoặc các ống tai đã bị tổn thương trước đó. Tổn thương là các ổ viêm, gây đau nhức, ngứa ngáy khó chịu, có thể chảy nước vàng thậm chí cả mủ, ù tai, giảm thính lực nếu ổ viêm to che lấp ống tai ngoài và nhiều khi thương tổn có thể lan sâu vào phía trong. Nguyên nhân viêm ống tai gồm hai nhóm chính do vi khuẩn và do nấm.
Chlamydia Trachomatis là một loại vi khuẩn hay gặp trong nước nói chung trong đó có nước bể bơi và đây là thủ phạm gây viêm kết mạc. Viêm kết mạc cũng có thể do hóa chất, do các loại vi khuẩn khác có mặt trong nước bể bơi không được vệ sinh tốt.
Bệnh lý lây nhiễm qua đường sinh dục tiết niệu rất nên được chú ý khi đi bơi (ở phụ nữ). Các bệnh lý viêm nhiễm này có nguyên nhân do vi khuẩn hoặc nấm. Các tác nhân gây bệnh có thể từ những người đi bơi đang bị viêm nhiễm hệ tiết niệu sinh dục lây sang người khác. Ngoài ra, các bệnh lý khác như cơn hen phế quản (ở những người có cơ địa nhạy cảm với hóa chất), viêm phổi thùy (do hít sặc phải nước bể nhiễm khuẩn), nấm tóc, tóc giòn, dễ rụng do hóa chất... cũng có thể xuất hiện sau khi đi bơi.
Để đi bơi sao cho an toàn
Bơi lội là một nhu cầu không thể thiếu của rất nhiều người nhưng phải có biện pháp dự phòng sao cho vẫn thỏa mãn sở thích mà vẫn an toàn. Trước hết, người đi bơi phải có ý thức chấp hành các biện pháp giữ vệ sinh chung của bể bơi như tắm gội sạch sẽ trước khi xuống bể, không khạc nhổ, tiểu tiện ra bể, không nên đi bơi khi đang ốm mệt, đang có các bệnh ngoài da, bệnh lây nhiễm, thời kỳ “đèn đỏ” của chị em. Khi đi bơi nên chọn những bể bơi sạch, đủ tiêu chuẩn vệ sinh, số lượng người bơi vừa đủ và mang đủ các phương tiện phòng hộ như kính, mũ bơi... Các cơ quan quản lý bể bơi cũng nên đảm bảo vệ sinh sạch sẽ bể bơi, thay nước thường xuyên, không nên lạm dụng hóa chất sát khuẩn nước, cung cấp đầy đủ nước tắm, xà phòng... cho người bơi tắm rửa sạch sẽ trước và sau khi bơi. Cũng cần nên lấy các mẫu nước bể bơi để xét nghiệm kiểm tra nồng độ hóa chất, nuôi cấy hoặc soi tươi tìm vi khuẩn, nấm... định kỳ thường xuyên để đảm bảo an toàn, tránh lây nhiễm cho người đi bơi.