Ho - xử lý như thế nào?
Ho là một phản ứng của cơ thể, nhằm tống các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài. Tuy nhiên nếu ho nhiều làm mất ngủ, ảnh hưởng tới sức khoẻ cần phải dùng thuốc để giảm, cắt cơn ho…
Ho là một phản ứng của cơ thể, nhằm tống các chất bài tiết hoặc dị vật ra ngoài. Tuy nhiên nếu ho nhiều làm mất ngủ, ảnh hưởng tới sức khoẻ cần phải dùng thuốc để giảm, cắt cơn ho…
Nguyên nhân gây ho
Ho không phải là một bệnh mà là triệu chứng của nhiều bệnh và thường do những bệnh của đường hô hấp gây nên như: viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản cấp và mạn, hen phế quản, viêm phổi… Một số bệnh ở ngoài đường hô hấp cũng là nguyên nhân gây ho như một số bệnh về tim mạch (tăng áp lực động mạch phổi, phổi bị ứ huyết, tâm phế mạn, suy tim...). Ngoài ra, ho còn gặp trong trường hợp nhiễm không khí nóng hoặc lạnh, hít phải các hơi độc, hóa chất, thuốc lá gây kích thích niêm mạc đường hô hấp…
Ho thường dễ mắc nhiều vào mùa đông. Có nhiều loại ho như ho rát cả họng, đau cổ, ho sù sụ, ho khản cả tiếng, ho khò khè... Thường trong mùa đông hay gặp hai loại ho. Đó là ho khan và ho có đờm.
Ho là phản xạ để tống dị vật ra khỏi đường hô hấp.
Ho khan thường gây ngứa họng và không có đờm. Loại ho này có thể gây khàn giọng hoặc mất giọng. Ho khan thường là do hít phải những mẩu vụn thực phẩm hoặc hít phải các loại khói bụi gây kích thích như khói thuốc, khói than, mùi hóa chất, hoặc có thể phản ứng của cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột... hoặc có thể là do tình trạng mới nhiễm vi-rút, do cúm hay cảm lạnh, hoặc là triệu chứng của các nguyên nhân khác như hen phế quản, trào ngược dạ dày, thực quản, suy tim. Bệnh nhân ho khan thường vẫn cảm thấy khỏe mạnh, không có cảm giác nặng ngực và khó thở.
Ho có đờm có đặc trưng là nặng ngực và cơn ho thường khạc ra chất nhầy và đờm. Bệnh nhân có cảm giác nghẹt thở và khó thở, thường làm cho người bệnh mệt lả. Các triệu chứng thường tăng lên khi đi bộ và nói chuyện. Ho có đờm có thể là triệu chứng còn lại sau khi viêm họng, viêm mũi và viêm xoang...
Dùng thuốc như thế nào?
Để điều trị ho, trước hết là phải điều trị nguyên nhân gây ho. Khi nguyên nhân gây ho được giải quyết thì ho cũng sẽ hết. Bởi vậy, người bệnh cần đi khám để được bác sĩ chẩn đoán xác định ho do nguyên nhân nào? Tuy nhiên, khi ho nhiều làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống và sức khoẻ thì việc điều trị triệu chứng cắt cơn ho và làm cho đờm thoát ra ngoài lại rất cần thiết.
Đối với ho khan, các thuốc có thể dùng như codein, dextromethorphan… Đây là thuốc cắt cơn ho tác động ức chế lên thần kinh trung ương làm mất phản xạ ho. Tuy nhiên khi dùng các thuốc này cần lưu ý:
Với thuốc dextromethorphan, không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, người bệnh đang điều trị các thuốc ức chế monoaminoxydase (MAO) vì có thể gây những phản ứng nặng như sốt cao, chóng mặt, tăng huyết áp, chảy máu não, thậm chí tử vong... Cần cảnh báo người bệnh, thuốc có thể gây buồn ngủ và không dùng dextromethorphan cùng các thuốc ức chế thần kinh trung ương và rượu (vì sẽ làm tăng tác dụng an thần của thuốc). Không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Thời gian tối đa dùng thuốc không quá 7 ngày.
Không dùng codein cho trẻ em dưới 1 tuổi, người có bệnh gan, suy hô hấp, táo bón… Người bị hen, hoặc khí phế thũng dùng phải thận trọng vì codein có thể thúc đẩy suy hô hấp do tăng quánh các chất tiết ở phế quản và làm mất phản xạ ho. Dùng liều thấp nhất có hiệu quả và ít lần nhất có thể để giảm lệ thuộc thuốc. Liều phải giảm đối với người suy nhược và người cao tuổi hoặc trẻ nhỏ nhẹ cân.
Nói chung, các thuốc trung ương gây ức chế trung tâm hô hấp không nên hoặc hạn chế dùng cho người già, trẻ em, người có viêm phế quản mạn tính, đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính người suy hô hấp. Tùy theo từng trường hợp ho cụ thể mà các bác sĩ sẽ có quyết định chọn thuốc cho phù hợp.
Đối với ho có đờm: thuốc thường dùng như terpin hydrat. Ngoài ra, có thể dùng acetylcystein, bromhexim...
Terpin hydrat là thuốc có tác dụng hydrat hóa dịch nhầy phế quản, có tác dụng long đờm, giúp lông mao biểu mô phế quản hoạt động dễ dàng để tống đờm ra ngoài. Thông thường mỗi đợt điều trị chỉ nên dùng từ 3 đến 5 ngày để tránh nhờn thuốc.
Acetylcystein (thuốc tiêu chất nhày), làm giảm độ quánh của đờm và tạo thuận lợi để tống đờm ra ngoài bằng ho, còn bromhexin hydroclorid cũng là thuốc tiêu đờm (long đờm), có tác dụng điều hoà và tiêu nhầy đường hô hấp. Không dùng thuốc này phối hợp với thuốc giảm (chống) ho, vì có nguy cơ ứ đọng đờm ở đường hô hấp. Cần thận trọng khi dùng cho người bệnh hen (vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở một số người dễ mẫn cảm), người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu không có khả năng khạc đờm có hiệu quả (nguy cơ ứ đờm ở những trường hợp này). Thời gian dùng thuốc không được kéo dài quá 8-10 ngày nếu chưa có ý kiến thầy thuốc. Khi dùng các thuốc này cần uống nhiều nước để giúp làm lỏng đờm quánh.
Trẻ em nên dùng thuốc ho dạng siro cho dễ uống.
Không tự ý dùng kháng sinh trị ho. Thuốc kháng sinh chỉ được sử dụng trong trường hợp ho do nguyên nhân nhiễm khuẩn như viêm họng, viêm amiđan cấp mủ, viêm phế quản, viêm phổi...
Một số bài thuốc trị ho từ hoa, lá, quả
Ngoài dùng thuốc, có thể dùng một số hoa, lá, quả có trong vườn nhà cũng có tác dụng trị ho tốt:
Hoa Hồng: Lấy cánh hoa hồng trắng còn tươi, một quả quất chín (bỏ cuống), 1/2 muỗng cà phê đường hoặc mật ong. Cho tất cả vào chén nhỏ, hấp cơm hoặc chưng cách thủy. Đem ra nghiền nát, trộn đều rồi gạn lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Hoa Kim ngân: kim ngân hoa 30g sắc với 500ml nước trong 15 phút, sau đó bỏ bã lấy nước, hòa thêm 50g mật ong, chia uống nhiều lần trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt giải độc, nhuận phế chỉ khái, chữa ho do phế táo.
Quả quất: Dùng quất ngâm với một chút muối để ngậm hoặc uống; hấp cách thủy quất với đường phèn tạo thành dạng siro để uống rất tốt cho chữa ho… Hoặc có thể hấp quất với mật ong (trẻ dưới 1 tuổi dùng đường phèn thay mật ong) bằng cách, dùng 1 quả quất rửa sạch, cho vào chén, nghiền nát, chế thêm một chút mật ong rồi đem hấp trong 15 – 20 phút, sau đó lấy ra để nguội, pha thêm một chút nước ấm (nếu cần) rồi chia uống vài lần trong ngày. Để tăng thêm công hiệu, có thể hấp quất và mật ong cùng với hoa hồng bạch 5g, hạt chanh 5g hoặc lá hẹ 5g hoặc xuyên bối mẫu 3g tán vụn hoặc hoa đu đủ đực 8g.
Chanh đào: có nhiều cách để áp dụng trong việc chữa ho từ chanh đào như chanh cắt lát ngâm muối dùng để ngậm, chanh đào trộn với mật ong hoặc đường phèn hấp cách thủy (hoặc hấp vào nồi cơm vừa cạn nước)… Bài thuốc đông y chữa ho hiệu quả, đơn giản được dân gian áp dụng nhiều nhất chính là chanh đào hấp mật ong, đường phèn.
Lá húng chanh: Húng chanh có chứa tinh dầu mà thành phần chủ yếu là cavaron có tác dụng trừ đờm, tiêu độc rất tốt nên có thể được dùng làm thuốc chữa ho, trị viêm họng. Lấy 15 - 16 lá húng chanh, 4 -5 quả quất xanh, một ít đường phèn. Giã dập lá húng chanh, sau đó trộn với 10ml nước sôi, để cho ngấm rồi gạn lấy nước uống.
Và phòng bệnh
Điều quan trọng nhất là phải phòng bệnh, nhất là vào mùa đông. Cần có chế độ luyện tập thể dục thể thao, ăn uống hợp lý, vệ sinh răng miệng, rèn luyện thích hợp, thích nghi với thời tiết, khí hậu tạo môi trường trong sạch mới có hiệu quả thiết thực, lâu dài cho sức khỏe.
Bệnh nhân ho nên uống nhiều nước mỗi ngày, tránh ở môi trường khô và lạnh (nhất là điều hòa), tránh các yếu tố gây kích thích như khói thuốc, khói than, bụi, mùi khí lạ, ăn uống đồ quá nóng gây kích thích vòm họng, giữ ấm cổ, ngực. Nên nghỉ ngơi nhiều, ăn hoa quả, uống nước cam, chanh (tăng cường vitamin C), ăn tỏi, hành, hẹ để hỗ trợ thêm sức đề kháng cho cơ thể.
Theo SKDS