Đau nửa đầu, cần làm gì?
Đau nửa đầu là một bệnh có thể gặp ở trẻ em, với người trưởng thành thì nữ giới chiếm tỷ lệ rất cao (75%). Bệnh gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập, cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe và tuổi thọ.
Đau nửa đầu là một bệnh có thể gặp ở trẻ em, với người trưởng thành thì nữ giới chiếm tỷ lệ rất cao (75%). Bệnh gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng nhiều đến công việc, học tập, cuộc sống sinh hoạt, sức khỏe và tuổi thọ.
Đau nửa đầu gây ảnh hưởng tới sức khỏe
Đau nửa đầu có thể gặp ở trẻ em, trong đó trẻ em lứa tuổi học đường gặp nhiều hơn trẻ ít tuổi và trẻ em gái bị nhiều hơn trẻ em trai. Với phụ nữ thì đau nửa đầu gặp chủ yếu ở tuổi trung niên (35 - 45 tuổi). Đau nửa đầu gây khó chịu và ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và công việc.
Cho đến nay, vẫn chưa biết một cách chắc chắn về căn nguyên của bệnh đau nửa đầu. Tuy vậy, theo các chuyên gia thì đau nửa đầu là do sự rối loạn vận mạch các mạch máu não, tuy nhiên, nguyên nhân gây rối loạn co giãn mạch máu não vẫn chưa được làm sáng tỏ. Với trẻ em thì bệnh thường khởi phát xung quanh lứa tuổi dậy thì do ảnh hưởng bởi các yếu tố tâm lý, cảm xúc, nhất là trẻ em gái. Bên cạnh đó, bệnh đau nửa đầu cũng có thể do yếu tố gia đình (mẹ bị đau nửa đầu thì con gái cũng bị). Về mặt cơ chế gây đau nửa đầu, nhiều ý kiến cho rằng có thể do thiếu hụt lượng serotoin trong máu gây rối loạn tuần hoàn não và làm giảm lượng máu lưu thông về não bộ gây nên đau nửa đầu.
Đi bộ giúp máu lưu thông tốt hơn cũng là một cách giảm đau đầu.
Bệnh rất hay tái phát
Đau nửa đầu thường là đau từng cơn và là tập hợp nhiều triệu chứng khác nhau được gọi là hội chứng Mít-rên (Migraine). Hội chứng Mít-rên biểu hiện đau nhiều ở một bên hoặc cả hai bên đầu, vùng thái dương. Đau, nhức dữ dội kéo dài có khi vài ba tiếng, có khi cơn đau kéo dài vài ba ngày. Cơn đau đầu có khi giật giật giống như nhịp đập của mạch máu. Mức độ và tần số đau nửa đầu không giống nhau ở mỗi người. Kèm theo đau nửa đầu là buồn nôn, nôn, có thể gây cứng gáy, mệt mỏi và hay cáu gắt vô cớ. Khó chịu nhất cho người bệnh là khi đang lên cơn đau nửa đầu thì xuất hiện ánh sáng chói chang hoặc tiếng ồn ào ở cường độ lớn (tiếng nhạc, tiếng trống rền vang...) hoặc gặp lại sự cố gây khó chịu như bất đồng quan điểm, xích mích với bạn bè, gia đình.
Đặc điểm nổi bật của bệnh đau nửa đầu là rất dễ tái phát và mỗi lần tái phát thường làm cho người bệnh rất khó chịu, chóng quên và có thể gây rối loạn tiêu hóa và tiểu tiện. Ở một số người, mỗi lần cơn đau nửa đầu tái phát có thể có dấu hiệu báo trước như tim đập mạnh, nhanh, hoa mắt, chóng mặt. Riêng phụ nữ ở tuổi trung niên khi đã mắc bệnh đau nửa đầu thường hay tái phát vào lúc đang có chu kỳ kinh nguyệt hoặc lúc áp lực công việc, gia đình hoặc chấn thương tâm lý hay do thay đổi thời tiết. Với trẻ em có thể mắc chứng đau nửa đầu và có thể gây liệt đột ngột (hãn hữu) và rối loạn cảm giác. Đi kèm với liệt nửa người là đau nửa đầu phía đối diện với bên liệt. Các triệu chứng này cũng chỉ diễn ra trong vòng vài giờ rồi khỏi hoàn toàn mà không để lại di chứng. Ở trẻ em khi bị đau nửa đầu còn có thể kèm theo đột ngột đau bụng dữ dội ở vùng thượng vị, quanh rốn kèm theo cảm giác buồn nôn, nôn và có thể đi ngoài phân lỏng diễn ra trong vòng vài giờ rồi hết, tuy nhiên, có thể tái phát nhiều lần làm cho phụ huynh lo lắng và đưa trẻ đi khám bệnh mới biết cháu gặp chứng bệnh đau nửa đầu.
Lời khuyên bác sĩ
Cần làm giảm đau và điều trị nguyên nhân. Cần loại bỏ dần dần các yếu tố gây đau nửa đầu là một trong các biện pháp giúp hạn chế bệnh xuất hiện hoặc tái phát. Những người khi mắc một trong các bệnh về tai mũi họng, răng, bệnh nhiễm khuẩn, thoái hóa cột sống cổ hoặc bệnh tăng hoặc huyết áp thấp cần được khám bệnh định kỳ để được điều trị dứt điểm, không để bệnh thành mạn tính. Nên có chế độ ăn thích hợp và năng tập thể dục như đi bộ, bơi, chơi cầu lông, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng để làm cho máu lưu thông tốt hơn, chống béo phì, chống rối loạn tuần hoàn não. Cần bỏ thuốc lá và rượu để tránh bệnh tái phát. Nếu vì stress thì nên tìm mọi cách khống chế và loại trừ nó, ví dụ như làm tăng thêm giấc ngủ, tìm bạn bè thân thích trò chuyện, đến câu lạc bộ đọc sách, báo, truyện, nếu có điều kiện thì đi du lịch cùng gia đình, bạn bè. Với trẻ em, nên tránh căng thẳng thần kinh, tránh thức khuya.
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng có một số yếu tố thường gặp làm tăng nguy cơ bệnh đau nửa đầu hoặc là một loại bệnh lý nào đó, đặc biệt là bệnh nhiễm khuẩn mạn tính (viêm xoang, bệnh viêm tai, mũi, họng, mắt, sâu răng). Hoặc gặp ở một số người có rắc rối về huyết áp (tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp) cũng có thể có biểu hiện đau nửa đầu. Có một số bệnh do chấn thương thực thể (thoái hóa đốt sống cổ, khô khớp đốt sống cổ) hoặc chấn thương tâm lý (stress, công việc căng thẳng, có nhiều bất đồng trong cuộc sống gia đình, vợ chồng, hàng xóm, bạn bè) cũng gây đau nửa đầu. Ngoài ra, một số yếu tố khác như thức ăn có chứa chất tyramin và phenylethylamin (có nhiều trong sữa bò, trứng, fomat, sôcôla), các yếu tố gây dị ứng (histamin) cũng có thể gây cơn đau nửa đầu. Đau nửa đầu có thể xảy ra ở người nghiện thuốc lá, nghiện rượu hoặc người có cân nặng quá mức bình thường (béo phì) hoặc do rối loạn giấc ngủ hay do tác dụng phụ của một số loại thuốc.
Theo SKDS