Đau mắt đỏ dùng thuốc thế nào cho đúng?
Ở nước ta, thường cứ vào thời điểm từ hè cho đến cuối thu, đau mắt đỏ lại xuất hiện và lây lan thành dịch. Vậy việc dùng thuốc để trị bệnh này như thế nào để hiệu quả và an toàn?
Ở nước ta, thường cứ vào thời điểm từ hè cho đến cuối thu, đau mắt đỏ lại xuất hiện và lây lan thành dịch. Vậy việc dùng thuốc để trị bệnh này như thế nào để hiệu quả và an toàn?
Đau mắt đỏ là cách gọi thông thường của tình trạng viêm kết mạc cấp. Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp như vi khuẩn, virut… nhưng thường gặp nhất đó là viêm kết mạc cấp tính do Adenovirut.
Bệnh do virut gây nên, vì vậy dễ lây lan thành dịch. Có thể bắt nguồn từ một người trong gia đình mắc rồi lây cho cả gia đình, cộng đồng, nhất là những nơi tập trung đông người như cơ quan, trường học… Trung gian truyền bệnh chính là nước mắt có chứa virut của bệnh nhân.
Khi đau mắt đỏ cần đi khám tại cơ sở y tế.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính ít để lại di chứng nhưng bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động. Đa số trường hợp tự hết sau 7 đến 14 ngày nhưng thông thường bệnh sẽ khỏi sau 1 tuần. Tuy nhiên, nếu không giữ vệ sinh phòng tránh lây lan, điều trị kịp thời, thích hợp (tự ý dùng các thuốc tra, nhỏ mắt có chứa corticoid)… sẽ dẫn đến biến chứng như viêm giác mạc, dẫn tới suy giảm thị lực, thậm chí mù lòa) sau này.
Khi bị đau mắt đỏ cấp, người bệnh cần đi khám tại cơ sở chuyên khoa mắt, mà tuyệt đối không được tự ý mua thuốc tra nhỏ mắt (nhất là các thuốc có chứa corticoid) và không dùng thuốc nhỏ mắt của người khác. Tuyệt đối không đắp các loại lá (lá dâu) vào mắt, xông nước lá trầu không… Vì các phương pháp này dễ gây nhiễm khuẩn cho mắt và gây bỏng mắt do sức nóng, làm cho tính chất bệnh càng phức tạp, khó điều trị hơn.
Hàng ngày, cần vệ sinh mắt bằng nước muối sinh lý 0,9% hay nước mắt nhân tạo để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và dử mắt, làm dịu mắt đang cộm rát khó chịu. Nếu viêm kết mạc do vi khuẩn, dùng các thuốc rửa mắt như nước muối 0,9%, sau đó tra dung dịch kháng sinh và mỡ kháng sinh như tobramyxin, ofloxaxin… có thể uống thêm thuốc giảm phù nề như alpha- choay. Nếu viêm kết mạc do virut có thể vẫn phải dùng kháng sinh tra mắt nhưng để phòng bội nhiễm, chứ kháng sinh không diệt được virut. Cần tăng cường bổ sung chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất qua đường uống hoặc uống nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng cho cơ thể sẽ giúp nhanh lành bệnh hơn.
Cần lưu ý, trước và sau khi vệ sinh mắt, nhỏ mắt, cần rửa tay thật sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Người bệnh cần được nghỉ ngơi, hạn chế giao tiếp tránh lây lan cho người khác, tránh khói bụi, đeo kính mát cho mắt, cần uống nhiều nước, và chỉ dùng thuốc theo đơn của thầy thuốc nhãn khoa. Nếu bệnh không thuyên giảm sau 5 - 7 ngày phải đến cơ sở y để khám lại (tái khám).
Theo SKDS