Dấu hiệu tố bệnh thương hàn
Thương hàn là một bệnh cấp tính toàn thân lây truyền qua đường tiêu hóa, để lại bệnh cảnh não nề, có thể gây thành dịch. Mùa hè nóng nực, nhiệt độ cao, ruồi nhặng phát triển nhiều, dễ làm nhiễm khuẩn thức ăn - đây là yếu tố nguy cơ lây bệnh càng cao.
Thương hàn là một bệnh cấp tính toàn thân lây truyền qua đường tiêu hóa, để lại bệnh cảnh não nề, có thể gây thành dịch. Mùa hè nóng nực, nhiệt độ cao, ruồi nhặng phát triển nhiều, dễ làm nhiễm khuẩn thức ăn - đây là yếu tố nguy cơ lây bệnh càng cao.
Bệnh nhân bị bệnh thương hàn có dấu hiệu đặc biệt là sốt liên tục, sốt cao đến 40oC, vã nhiều mồ hôi, viêm dạ dày ruột và tiêu chảy. Có thể kèm theo ban dát, chấm màu đỏ hồng trên da.
Một ca bệnh điển hình (nếu không được điều trị) diễn biến qua 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài khoảng 1 tuần, như sau:
Ban đầu, bệnh nhân sốt tăng từ từ, tương ứng với tăng nhịp tim, có kèm theo nhức đầu và ho, chảy máu cam (ở khoảng 25% trường hợp) và đau bụng.
Tuần thứ 2, bệnh nhân nằm liệt giường, sốt cao ở mức 40oC, nhưng nhịp tim chậm, gọi là tình trạng mạch nhiệt phân ly. Bệnh nhân luôn bị mê sảng, li bì, nhưng thỉnh thoảng lại bị kích thích. Vì mê sảng nên người ta gọi là “sốt thần kinh”. Khoảng 33% bệnh nhân trên da vùng thấp của ngực và bụng xuất hiện chấm ban hồng. Nghe phổi thấy ran ngáy ở đáy phổi. Bụng bệnh nhân trướng căng và đau ở vùng dưới phải, kèm theo tiếng sôi bụng. Bệnh nhân đi tiêu từ 6 - 8 lần/ngày, phân màu xanh lục, mùi đặc trưng. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân thương hàn lại bị táo bón. Gan và lách to, xét nghiệm thấy men gan transaminases tăng.
Tuần thứ 3, thường xảy ra một số biến chứng như: xuất huyết tiêu hóa, có khi rất trầm trọng; thủng ruột non: là biến chứng rất nặng có thể gây tử vong, nó có thể xảy ra mà không có triệu chứng cảnh báo cho đến khi nhiễm khuẩn huyết và viêm phúc mạc lan tỏa; viêm não; gây mủ ở cơ quan khác, viêm túi mật, viêm nội tâm mạc, viêm xương. Thân nhiệt của bệnh nhân tiếp tục tăng và rất ít dao động suốt hơn 24 giờ. Tình trạng mất nước xảy ra sau đó và bệnh nhân mê sảng. Nếu không có những biến chứng nguy hiểm thì đến cuối tuần thứ 3, bệnh nhân bắt đầu giảm sốt. Tuần thứ 4, nếu không bị biến chứng, bệnh nhân sẽ khá dần lên sau một giai đoạn từ 7 - 10 ngày, nhưng bệnh có thể tái phát 2 tuần sau khi đã lui bệnh.
Cần lưu ý phân biệt bệnh thương hàn với các bệnh dạ dày ruột và các bệnh nhiễm khuẩn khác cũng có một số ít dấu hiệu lâm sàng giống thương hàn như: lao, viêm nội tâm mạc, bệnh do brucella, u lympho, sốt Q, đôi khi phải chẩn đoán phân biệt với cả viêm gan virut, sốt rét hay bệnh lỵ amip. Các trường hợp mắc thương hàn nhẹ, có triệu chứng giống như viêm dạ dày, viêm ruột gây nên tiêu chảy.
Cách chữa trị
Cần điều trị bằng kháng sinh và các thuốc điều trị triệu chứng khác. Kháng sinh như ampicillin, chloramphenicol, trimethoprim-sulfamethoxazole, amoxicillin và ciprofloxacin được sử dụng phổ biến để điều trị bệnh thương hàn nhằm diệt vi khuẩn gây bệnh. Thời gian điều trị kháng sinh cho bệnh nhân thương hàn thông thường là 14 ngày. Nếu không được điều trị, thương hàn tồn tại trong 3 tuần đến 1 tháng, tỷ lệ tử vong từ 10-30%. Người già và người ốm liệt giường thường có tiên lượng xấu. Ở trẻ em, bệnh sẽ nhẹ hơn. Khi có biến chứng, tiên lượng xấu, tình trạng mang vi khuẩn có thể tồn tại dù đã được dùng thuốc.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh cần thực hiện ăn chín uống sôi. Rửa tay sạch trước khi ăn uống, sau khi lao động, tiếp xúc với đồ vật. Dùng lồng bàn đậy thức ăn khỏi bị ruồi, nhặng làm nhiễm bẩn. Những người lành mang vi khuẩn không được phép làm việc ở các cơ sở dịch vụ ăn uống. Tích cực diệt ruồi, nhặng, gián... Cần xử lý tốt các chất thải của bệnh nhân, tránh lây lan nguồn bệnh; tiêm phòng bệnh cho các đối tượng là người có tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình, các hộ sống cùng địa bàn dân cư nơi ổ bệnh xuất phát, người đến vùng có dịch tễ và khi có dịch xảy ra. Hiện nay có vắc-xin uống nhiều lần và vắc-xin tiêm một lần, tác dụng như nhau, nhưng dạng uống ít tác dụng phụ hơn. Khi cần phải nhắc lại sau 5 năm cho loại uống và sau 3 năm cho loại tiêm.
Theo SKDS