Chủ động phòng chống bệnh dịch hạch
Thời gian gần đây, ở Trung Quốc và Mỹ thông báo một số ca bệnh dịch hạch, đã có người tử vong. Tại Việt Nam, tuy 12 năm trở lại đây không ghi nhận ca dịch hạch nào, nhưng trước tình hình bệnh dịch từ các nước khác có thể xâm nhập vào nước ta
Thời gian gần đây, ở Trung Quốc và Mỹ thông báo một số ca bệnh dịch hạch, đã có người tử vong. Tại Việt Nam, tuy 12 năm trở lại đây không ghi nhận ca dịch hạch nào, nhưng trước tình hình bệnh dịch từ các nước khác có thể xâm nhập vào nước ta, Bộ Y tế đã chỉ đạo các biện pháp phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Để giúp bạn đọc biết cách phát hiện, phòng chống bệnh dịch hạch, xin giới thiệu bài viết sau đây.
Bệnh dịch hạch lây thế nào?
Trực khuẩn dịch hạch (Yersinia pestis) bị diệt ở nhiệt độ 55oC trong vòng 30 phút, ở 100oC trong vòng 1 phút; thuốc sát khuẩn thông thường cũng diệt được vi khuẩn dịch hạch. Dịch hạch là bệnh lưu hành ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, bệnh lan truyền từ loài gặm nhấm mà chủ yếu là chuột sang người, do bọ chét chuột đốt lây bệnh.
Trực khuẩn dịch hạch.
Trong tự nhiên, bệnh dịch hạch lan truyền như sau: bọ chét hút máu con chuột A, vi khuẩn dịch hạch nhân lên trong dạ dày của bọ chét làm tắc nghẽn tiêu hoá chuột A. Con bọ chét bị tắc nghẽn tiêu hóa, chuyển sang đốt con chuột B thì vi khuẩn sẽ theo vết đốt vào cơ thể chuột B và lan truyền bệnh. Lây lan trực tiếp từ người bệnh sang người lành do: hít phải vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí do tiếp xúc với bệnh nhân mắc dịch hạch thể phổi. Vi khuẩn dịch hạch xâm nhập trực tiếp qua da lành hoặc da bị trầy xước, tiếp xúc tay trực tiếp vào động vật bị bệnh, động vật nuôi trong nhà như mèo cắn hoặc cào.
Làm sao để phát hiện sớm?
Bệnh dịch hạch ở người gồm các thể bệnh: thể hạch, thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi và thể màng não.
Thể hạch chiếm hơn 90% các thể bệnh, gồm các triệu chứng: khởi phát bệnh đột ngột, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và đau đầu. Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn toàn phát với các triệu chứng: nhiễm khuẩn, nhiễm độc và sưng hạch. Hạch có thể to bằng ngón tay cái hoặc bằng quả trứng gà, lúc đầu đau và cứng chắc, sau đó, hạch mềm hoá mủ. Từ thể hạch có thể tiến triển thành thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi hoặc viêm màng não thứ phát. Nếu không được điều trị sớm và tích cực, thể hạch rất dễ tiến triển đột ngột thành nhiễm khuẩn tối cấp với biểu hiện: sốt cao 40 - 41oC, tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm độc, huyết áp giảm, mạch nhanh, nhỏ, bệnh nhân bị vật vã, rối loạn tinh thần, hôn mê, thường tử vong trong vòng 3 - 5 ngày.
Hạch ở cổ sưng to trong bệnh dịch hạch.
Các thể nhiễm khuẩn huyết, thể phổi, thể viêm màng não thường là thứ phát. Dịch hạch thể phổi rất nguy hiểm vì có thể lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người bệnh sang người lành và bùng phát thành dịch lớn. Bệnh nhân có triệu chứng ở phổi cho đến ngày cuối cùng của bệnh, đờm loãng, có bọt dính máu, thường xuất hiện tràn dịch màng phổi, có biến chứng phù phổi cấp, tỷ lệ tử vong cao.
Chẩn đoán bệnh cần tìm thấy vi khuẩn dịch hạch hoặc kháng nguyên F1 của vi khuẩn trong bệnh phẩm của bệnh nhân.
Bệnh dịch hạch cần phân biệt với một số bệnh: viêm hạch, lao hạch.
Chữa trị thế nào?
Bệnh nhân mắc bệnh dịch hạch cần phải cách ly điều trị để tránh lây lan bệnh cho mọi người. Cho bệnh nhân dùng kháng sinh để diệt vi khuẩn dịch hạch. Điều trị triệu chứng: truyền dịch để bù nước điện giải, chống toan huyết, dùng thuốc trợ tim mạch, giảm đau, hạ sốt, an thần, chống choáng, suy hô hấp, suy tuần hoàn, xuất huyết, nâng sức đề kháng cho bệnh nhân bằng việc dùng vitamin nhóm B, C, dinh dưỡng tốt...
Cách phòng bệnh hiệu quả
Tích cực diệt bọ chét và chuột. Cần lưu ý là nên diệt bọ chét trước, diệt chuột sau. Phòng tránh bị bọ chét đốt. Diệt bọ chét: phun hoá chất Permethrin 0,2 g/m2, Vectron 01 - 0,2 g/m2, Diazinon 2g/m2 hoặc các hoá chất diệt bọ chét khác đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng trong y tế và gia dụng. Tích cực diệt chuột bằng nhiều biện pháp như đặt bẫy, dùng keo dính bắt chuột, dùng hoá chất diệt chuột như Warfarin 0,05% hoặc Brodifacoum 0,005 - 0,01%, hoặc theo hướng dẫn hàng năm của cơ quan y tế. Tiêm chủng: vaccin ev (vaccin sống) chủng hoặc tiêm trong da cho người ở trong ổ dịch nhưng chưa có miễn dịch hoặc người phải đi công tác vào vùng có dịch. Đối với người tiếp xúc với bệnh nhân, cần điều trị dự phòng streptomyxin 1g/ngày x 5 ngày hoặc tetraxyclin 1g/ngày x 5 ngày; phải theo dõi chặt chẽ, khi có triệu chứng bệnh thì điều trị như đối với bệnh nhân.
Khi có bệnh nhân tử vong: cần liệm xác bằng vải tẩm cloramin 5%, trong quan tài có rắc vôi bột, phải chôn sâu 2m hoặc hoả táng.
Theo SKDS