Bệnh nấm sâu Aspergillus có nguy hiểm?
Bệnh nấm sâu Aspergillus là bệnh mạn tính, thường lây nhiễm ở môi trường bên ngoài đất, sỏi, mùn cây... qua da và đường hô hấp của người tiếp xúc. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân nhiễm nấm có thể bị viêm nhiễm dạng u hạt ở da, phổi, xương, màng não... gây nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh nấm sâu Aspergillus là bệnh mạn tính, thường lây nhiễm ở môi trường bên ngoài đất, sỏi, mùn cây... qua da và đường hô hấp của người tiếp xúc. Nếu không được điều trị sớm, bệnh nhân nhiễm nấm có thể bị viêm nhiễm dạng u hạt ở da, phổi, xương, màng não... gây nguy hiểm đến tính mạng.
Điểm mặt các loại nấm gây bệnh
Nấm Aspergillus là một trong những chủng nấm lớn nhất, tồn tại ở khắp nơi nhưng hay gặp ở vùng khí hậu nhiệt đới, cận nhiệt đới.Nó có khoảng 100 loài nhưng có khoảng 20-30 loài gây bệnh cho người, thường gặp là chủng A. fumigatus, A. flavus, A. niger như: A.aureus, A.flavus gây viêm da; A.niger gây viêm tai, phổi, dị ứng, hen; A.nidulans, A.versicolerr, A.terreuss gây viêm da ở chân, tay, viêm quanh móng; A.keratitis gây viêm giác mạc; đặc biệt A.fumigatus và A.flavus hay gây viêm phổi.
Hình ảnh nấm Aspergillus flavus qua kính hiển vi.
Đối tượng nào dễ mắc nấm Aspergillus?
Nấm Aspergillus tồn tại trong đất, không khí, các thực phẩm như ngô, lúa hay thức ăn ôi thiu... Ở nước ta, thời tiết nóng ẩm, môi trường sinh hoạt và điều kiện vệ sinh chưa cao nên các bệnh nấm dễ phát triển. Nấm phát triển trong môi trường không cần ánh sáng mặt trời, môi trường nghèo chất dinh dưỡng, chỉ cần có nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Nấm tồn tại trong tự nhiên, ở khắp mọi nơi trên thế giới và hầu hết mọi người đều tiếp xúc với nấm nhưng tình trạng nhiễm nấm trở nên gây bệnh phụ thuộc vào mức độ chất truyền nhiễm và sức đề kháng của cơ thể... do vậy người suy giảm miễn dịch như: HIV/AIDS, ung thư, dùng hóa liệu pháp, glucocorticoides kéo dài, người bệnh đái tháo đường, nghiện rượu, cơ thể ở trong tình trạng thiếu máu nhược sắc mạn,... có nhiều nguy cơ mắc bệnh thể lan tràn. Ngoài ra, bệnh liên quan đến nghề nghiệp như: giặt áo lông, cạo ống khói, nông dân tiếp xúc với đất nhiễm nấm, những người nuôi súc vật tại những trang trại ô nhiễm nấm...
Những tổn thương do nấm
Loại nấm này có chủng lây truyền cho con người qua đường hô hấp, lơ lửng trong không khí và phát tán theo gió. Nếu bị nấm Aspergillus nhiễm vào phổi sẽ rất khó nhận biết bởi không có triệu chứng rõ rệt. Chỉ khi nào tế bào nấm xâm lấn vào phế quản thì bệnh nhân mới có phản xạ ho. Phương thức gây bệnh của Aspergillus là đầu tiên có thể gây bệnh ở da sau đó tiến triển gây bệnh hệ thống hoặc ngược lại.
Gây viêm da: Khi nhiễm nấm da sẽ bị tổn thương là những đám đỏ, một vài trường hợp xuất hiện các dát trắng bong vảy tương tự như lang ben hoặc giống nấm da. Cá biệt có trường hợp xuất hiện các gôm, sùi, áp-xe hay vết loét ở da. Đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch do mắc bệnh AIDS thường hay bị A.fumigatus và A.flavus gây bệnh nấm ở da và đầu.
Gây nấm tai: Nhiều bệnh nhân khi nhiễm nấm thường bị mắc bệnh ở ống tai, ống tai sưng nề, vảy xuất hiện nhiều, hơi ẩm. Khi đó bệnh nhân bị ngứa tai rất nhiều. Nấm có thể lan ra vành tai hoặc lan vào trong màng nhĩ, nếu không điều trị kịp thời sẽ gây thủng màng nhĩ. Nấm Aspergillus còn gây bệnh viêm xoang.
Nấm mắt: Nấm Aspergillus thường gây viêm hốc mắt rồi lan ra nhãn cầu gây viêm loét giác mạc, viêm kết mạc và tuyến lệ.
Viêm phổi: Bệnh nhân nhiễm nấm ở phổi biểu hiện đầu tiên gây viêm phế quản với triệu chứng xuất tiết nhiều đờm, khò khè, trong dịch phế quản có nhiều tế bào nấm, bệnh nhân thường sốt, khó thở, ho, người xanh xao... dẫn đến viêm phổi với những triệu chứng giống như lao phổi. Bệnh nhân có thể dẫn đến viêm màng phổi, viêm mủ màng phổi rồi lan sang tim. Ngoài ra, nấm còn có thể phát triển u nấm (funguns ball) ở phổi.
Hen dị ứng do Aspergillus: Khi hít phải bào tử nấm trong không khí thường gây ra các triệu chứng hen phế quản dị ứng như khó thở, sốt, ho khan, sút cân, phổi có ran.
Ngoài ra nấm còn gây bệnh ở hệ thần kinh: Khi nhiễm nấm nếu bệnh nhân không được điều trị khi đó, thông qua các hốc ở mặt hay hốc sọ, nấm có thể xâm nhập vào bên trong gây viêm tiểu não, não.
Nhiều trường hợp nấm còn gây bệnh tại lưỡi, xương, hệ tiết niệu và tim... gây viêm màng trong tim, viêm cơ tim.
Ở giai đoạn đầu bệnh nhân thường chủ quan dễ nhầm với các sẩn ngứa do côn trùng, viêm da mủ và các bệnh nấm da khác.
Điều trị thế nào?
Với tùy từng thể bệnh mà cần có điều trị cụ thể như: Điều trị nội khoa là chính để làm mất môi trường sinh sống thuận lợi của nấm như dùng kháng sinh kháng nấm tại chỗ hoặc toàn thân và điều trị giảm viêm, chống phù nề.
Khi nghi ngờ mắc bệnh hoặc mắc các bệnh cấp tính như ngạt mũi, nhức đầu,... kéo dài không thuyên giảm trên 1 tuần cần đến cơ sở y tế khám và điều trị ngay.
Theo SKDS