Bệnh co thắt thực quản
Bệnh co thắt thực quản còn gọi là co thắt tâm vị, giãn thực quản không có căn nguyên, giãn thực quản bẩm sinh, co thắt hoành tâm vị...
Bệnh co thắt thực quản còn gọi là co thắt tâm vị, giãn thực quản không có căn nguyên, giãn thực quản bẩm sinh, co thắt hoành tâm vị...
Nguyên nhân
Những yếu tố liên quan đến sự xuất hiện của bệnh:
Tuổi: thường gặp ở người tuổi trẻ (18-40 tuổi).
Giới: nữ giới hay bị bệnh co thắt tâm vị hơn nam giới.
Cơ địa: thường gặp ở những bệnh nhân có dạng thần kinh không cân bằng, dễ xúc cảm, đặc biệt là những người cường hệ phó giao cảm.
Chế độ ăn uống: hay gặp ở những người có chế độ ăn nhiều Gluxit,ít Protit và thiếu Vitamin nhóm B.
Yếu tố vật lý: thức ăn quá nóng hay quá lạnh đều có thể làm tình trạng co thắt tâm vị nặng hơn.
Các bệnh lý khác trong cơ thể: các bệnh nhiễm khuẩn toàn thân (sốt phát ban, lao, giang mai...), các chất độc đối với thần kinh (rượu, thuốc lá, chất hoá học...), các rối loạn nội tiết, viêm dính quanh thực quản, loét tâm vị, giảm trương lực hoăc giảm nhu động cơ thực quản...
Như vậy, có thể thấy co thắt tâm vị không hẳn là một bệnh riêng mà là một tình trạng bệnh lý do những nguyên nhân bẩm sinh hay mắc phải.
Triệu chứng
Người bệnh khi ăn khó nuốt, nuốt nghẹn: mức độ phụ thuộc vào tính chất lý hoá của thức ăn và vào từng bệnh nhân cụ thể. Có bệnh nhân uống được sữa nhưng uống nước khó, ăn thức ăn lạnh được nhưng ăn thức ăn nóng khó hoặc ngược lại. Cảm giác nặng tức trong lồng ngực và đau vùng sau xương ức,nhất là sau khi ăn.
Oẹ: là hiện tượng thức ăn đọng lại trong đoạn thực quản bị giãn trên chỗ hẹp trào ngược ra miệng. Lúc đầu, oẹ xuất hiện ngay sau ăn,s ố lượng ít và chưa lên men,độ toan thấp.Về sau do thực quản trên chỗ hẹp giãn nhiều, sự cản trở lưu thông thức ăn qua thực quản tăng lên dẫn tới oẹ xa sau bữa ăn, số lượng nhiều (200-300 ml), chất nôn lên men, chua nồng, thối, lẫn với thức ăn chưa tiêu và cả niêm dịch nhầy. Có bệnh nhân phải ngủ ở tư thế nửa nằm nửa ngồi vì khi chuyển từ tư thế ngồi sang nằm thường gây ọe rất nhiều.
Bệnh nhân khi chụp X-quang ở tư thế đứng: thấy hình ảnh thuốc đọng lại trên chỗ hẹp. Tâm vị có độ mở khác nhau tuỳ từng trường hợp. Có thể thấy hình ảnh thuốc cản quang xuống như tuyết rơi ở đoạn thực quản giãn khi thực quản chưa được rửa sạch. Nhu động thực quản thưa thớt,đôi khi có sóng nhu động phản hồi làm thuốc cản quang bị trào ngược. Dựa vào hình ảnh chụp X.quang có thể chia ra hai loại:
Loại 1: đoạn hẹp thực quản ngắn và sát ngay trên cơ hoành, phần trên thực quản giãn rất to và gấp khúc (thực quản có hình cái bít tất). Loại này hay gặp (chiếm khoảng 70% số bệnh nhân).
Loại 2: đoạn hẹp thực quản dài và phần trên chỗ hẹp giãn vừa phải (thực quản có hình củ cải). Loại này ít gặp hơn loại 1 (chiếm khoảng 30% số bệnh nhân).
Soi thực quản: thấy tâm vị đóng kín, niêm mạc bị viêm, phù nề, xung huyết hoặc có những vết loét.
Ngoài ra có thể dùng một số phương pháp khám cận lâm sàng khác như: đo áp lực thực quản, chụp thực quản cắt lớp vi tính (CT)...
Biến chứng của bệnh
Ở một số trường hợp bệnh diễn biến chậm và âm thầm, bệnh nhân sống bình thường trong một thời gian dài. Một số khác bệnh diễn biến thành từng đợt. Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây X hoặc do ngạt thở vì trào ngược thức ăn vào khí quản. Nếu ở giai đoạn muộn và không được điều trị tốt, bệnh nhân có thể chết vì suy dinh dưỡng.
Nếu không được điều trị kịp thời,bệnh có thể có các biến chứng như: viêm loét thực quản; sẹo xơ gây chít hẹp thực thể thực quản; chèn ép khí quản, tĩnh mạch, tim... do đoạn thực quản giãn; viêm phổi, ápxe phổi do trào ngược thức ăn; ung thư hoá tại vùng viêm mãn tính của thực quản…
Điều trị bệnh thế nào?
Với chế độ ăn: ăn thức ăn mềm hoặc lỏng, dễ tiêu. Nhai kỹ và nuốt từ từ. Bệnh nhân nên tự tìm lấy chế độ ăn thích hợp cho mình.
Dùng thuốc: cho đến nay vẫn chưa có loại thuốc nào đưa lại hiệu quả điều trị triệt để cho bệnh co thắt tâm vị. Có thể dùng một số thuốc điều trị triệu chứng như: atropin, nitrit amyl... để mở cơ tâm vị, các thuốc trấn tĩnh dịu thần kinh để điều hoà các rối loạn giao cảm, các thuốc chống viêm và giảm xuất tiết niêm mạc thực quản...
Rửa thực quản: có thể rửa hàng ngày vào lúc 2 - 4 giờ sau khi ăn và trước khi ngủ để tránh hiện tượng đánh trống ngực và khó thở khi nằm.
Nong và thông thực quản: để tránh hiện tượng ứ đọng thức ăn ở thực quản.
Theo SKDS