Ai dễ mắc ung thư buồng trứng?
Cụm từ “ung thư buồng trứng” bao gồm nhiều loại ung thư khác nhau phát triển từ các tế bào của buồng trứng. Thông thường nhất, ung thư phát triển từ lớp thượng bì của buồng trứng, gọi là ung thư biểu mô.
Cụm từ “ung thư buồng trứng” bao gồm nhiều loại ung thư khác nhau phát triển từ các tế bào của buồng trứng. Thông thường nhất, ung thư phát triển từ lớp thượng bì của buồng trứng, gọi là ung thư biểu mô. Còn có những loại ung thư khác ít gặp hơn. Đó là những loại ung thư phát triển từ bên trong buồng trứng bao gồm ung thư tế bào mầm và ung thư tế bào đệm.
Tần suất mắc bệnh ung thư buồng trứng của người phụ nữ sẽ tăng cao hơn nếu như bà con thân thuộc có người bị ung thư buồng trứng, ung thư vú hay đại tràng. Các nhà nghiên cứu cho rằng, những đột biến gen chiếm đến 10% ung thư buồng trứng. Biến đổi gen bao gồm đột biến ở gen BRCA 1 và BRCA 2, thường có liên quan đến ung thư vú.
Mặt khác, yếu tố nguy cơ ảnh hưởng mạnh nhất đến ung thư buồng trứng là vấn đề tuổi tác. Bệnh thường phát triển ở những phụ nữ đã mãn kinh. Những người sử dụng liệu pháp thay thế hormon có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh này.
Phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng cao và tỉ lệ tử vong cũng cao hơn so với phụ nữ bình thường.
Triệu chứng của bệnh ung thư buồng trứng bao gồm: có cảm giác căng phồng, nặng nặng ở bụng; Đau ở vùng bụng hoặc vùng chậu; Có cảm giác ăn mau no; tiểu tiện thường xuyên hơn,...
Những triệu chứng này có thể gây ra do các loại bệnh khác chứ không riêng gì ung thư. Nếu triệu chứng trên xảy ra kéo dài hơn nhiều tuần thì nên đến cơ sở y tế để khám bệnh. Để chẩn đoán xác định ung thư buồng trứng, thầy thuốc sẽ khám lâm sàng, cho làm các xét nghiệm sinh hóa và tế bào,...
Các dạng ung thư buồng trứng
Đa số ung thư buồng trứng thuộc loại ung thư biểu mô. Những loại ung thư này được hình thành từ tế bào nằm trên bề mặt của buồng trứng. Một số u biểu mô không phải là ung thư. Những loại u này được gọi là u có nguy cơ biến thành ung thư thấp (LMP: low malignant potential). Khối u LMP tiến triển chậm hơn và ít nguy hiểm hơn so với các dạng ung thư buồng trứng khác.
Các biện pháp chữa trị hiện nay?
Phẫu thuật: thường được dùng để chẩn đoán ung thư buồng trứng và xác định giai đoạn tiến triển của bệnh nhưng đồng thời cũng là liệu pháp điều trị bước đầu. Mục đích của phẫu thuật là cắt bỏ khối u đến mức có thể được. Điều này bao gồm một buồng trứng duy nhất và các mô tế bào lân cận trong giai đoạn I. Trong các giai đoạn tiến triển xa hơn, cần phải cắt bỏ cả hai buồng trứng kèm theo tử cung và các mô tế bào chung quanh.
Hóa trị liệu: trong tất cả giai đoạn của ung thư buồng trứng, hóa trị liệu thường được sử dụng sau khi phẫu thuật. Hóa trị liệu nhằm mục đích tiêu diệt những tế bào ung thư còn tồn tại trong cơ thể. Những phụ nữ với khối u có nguy cơ biến thành ung thư thấp (LMP: low malignant potential) thì không cần dùng đến hóa trị liệu.
hắt ống dẫn trứng là một cách phòng ngừa ung thư buồng trứng.
Thuốc sử dụng trong điều trị ung thư buồng trứng thường ít có phản ứng phụ và hấp thu tốt hơn so với các hóa trị liệu khác. Thông thường, có 2 cách hóa trị liệu trong ung thư buồng trứng: Cách thứ nhất, kinh điển là tiêm tĩnh mạch. Mỗi liệu trình điều trị là 21 ngày. Cách thứ hai là tiêm trực tiếp vào trong màng bụng (được gọi là hóa trị liệu trong màng bụng). Theo các công trình nghiên cứu mới đây cho thấy, tiêm thẳng vào màng bụng tỏ ra hiệu quả hơn, thời gian sống sót của bệnh nhân cao hơn.
Những liệu pháp nhắm đích: Các nhà khoa học đang nghiên cứu về những liệu pháp nhắm vào cách thức mà ung thư buồng trứng phát triển. Tiến trình đó được gọi là sự hình thành mạch máu, tức là sự tạo ra các mạch máu mới để nuôi dưỡng khối u. Một loại thuốc mới có tác dụng ức chế tiến trình này, làm cho khối u teo lại hoặc ngừng phát triển nhưng chỉ mới thử nghiệm trên ung thư buồng trứng và đã thấy xuất hiện một số tác dụng phụ trầm trọng.
Một số lưu ý sau chữa trị
Mãn kinh sớm
Khi người phụ nữ bị cắt bỏ 2 buồng trứng, cơ thể họ không còn tiết ra estrogen nữa. Điều này sẽ gây ra tình trạng mãn kinh, bất kể bệnh nhân còn trẻ hay lớn tuổi. Sự sụt giảm nồng độ hormon cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc các chứng bệnh khác, chẳng hạn như chứng loãng xương. Vì vậy, sau khi điều trị ung thư buồng trứng, người phụ nữ cần phải theo dõi tình trạng sức khỏe thường xuyên.
Mệt mỏi là hậu quả rất thường xảy ra sau khi điều trị ung thư. Để phục hồi sức lực, cần thiết lập một chương trình tập luyện nhẹ nhàng. Chương trình luyện tập là một trong những cách thức hiệu quả nhất để tái tạo năng lượng và cải thiện cuộc sống.
Các giai đoạn của ung thư buồng trứng
Phẫu thuật bước đầu đối với ung thư buồng trứng cũng giúp xác định ung thư đã lan tỏa đến mức độ nào, theo mô tả các giai đoạn sau đây:
Giai đoạn I: Giới hạn ở một hay hai buồng trứng.
Giai đoạn II: Lan đến tử cung hay các cơ quan lân cận khác.
Giai đoạn III: Lan đến hạch bạch huyết hay màng bụng.
Giai đoạn IV: Di căn (lan đến cơ quan ở xa như phổi hay gan...).
Yếu tố làm giảm nguy cơ ung thư
Thai nghén: Phụ nữ có con có vẻ như ít có nguy cơ bị ung thư buồng trứng hơn so với phụ nữ chưa hề sinh đẻ. Nguy cơ mắc bệnh có vẻ như giảm đi theo mỗi lần thai nghén. Và cho con bú cũng là yếu tố bảo vệ chống lại ung thư.
Thuốc ngừa thai: Ung thư buồng trứng hiếm xảy ra ở phụ nữ dùng thuốc ngừa thai. Những phụ nữ uống thuốc ngừa thai tối thiểu là 5 năm thì tỉ lệ mắc bệnh giảm đi 50% so với phụ nữ không bao giờ dùng thuốc.
Thắt ống dẫn trứng: Phương pháp thắt ống dẫn trứng có khả năng phòng chống ung thư buồng trứng. Kết quả này cũng xảy ra khi phụ nữ đã được phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
Cắt bỏ buồng trứng: Đối với phụ nữ bị đột biến gen, có nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng, thì có chỉ định cắt bỏ buồng trứng. Điều này cũng nên thực hiện ở những phụ nữ trên 40 tuổi mà trước đó đã cắt bỏ tử cung.
Chế độ ăn ít chất béo: Trong một công trình nghiên cứu gần đây, những phụ nữ theo chế độ ăn ít chất béo tối thiểu 4 năm thì ít có nguy cơ mắc bệnh ung thư buồng trứng hơn. Các nhà nghiên cứu khác lại cho thấy, những phụ nữ ăn nhiều rau xanh thì cũng ít nguy cơ mắc bệnh hơn.
Theo SKDS