9 cách chữa trị đau họng đơn giản mà hiệu quả
Đau họng có thể là dấu hiệu đầu tiên của một cơn sốt, hậu quả của việc căng dây thanh âm, hoặc nghiêm trọng hơn là bạn đã bị viêm khuẩn liên cầu…
Đau họng có thể là dấu hiệu đầu tiên của một cơn sốt, hậu quả của việc căng dây thanh âm, hoặc nghiêm trọng hơn là bạn đã bị viêm khuẩn liên cầu…
Đau họng có thể là dấu hiệu đầu tiên của một cơn sốt, hậu quả của việc căng dây thanh âm, hoặc nghiêm trọng hơn là bạn đã bị viêm khuẩn liên cầu… Cho dù là nguyên nhân gì, bạn cũng nên lưu ý khi xuất hiện những cơn đau này.
Sau đây là 9 cách giúp bạn làm dịu những cơn đau họng ngay tại nhà theo lời khuyên của Jeffrey Linder, bác sĩ nội khoa tại bệnh viện “Brigham and Women’s Hospital” - Boston.
Ảnh minh họa
1. Dùng thuốc kháng viêm
Cách chữa trị có sẵn trong tủ thuốc nhà bạn chính là những loại thuốc kháng viêmkhông chứa Steroide như Advil hay Aleve. Linder cho biết “Những loại thuốc này vừa kháng viêm vừa giảm đau cổ họng nên sẽ giúp bạn dễ chịu và giảm sưng hiệu quả. Loại thuốc này cũng có tác dụng giảm sốt do những cơn đau cổ họng gây ra”.
2. Súc miệng bằng nước muối
Nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Súc miệng với nước ấm hòa muối có thể giúp giảm sưng họng, tiêu đờm, tăng khả năng diệt khuẩn và giảm đau rát. Các bác sĩ thường khuyên bạn nên hòa tan nửa thìa muối với một ly nước. Nếu muối quá mặn, bạn có thể thêm một lượng nhỏ mật ong để làm ngọt, nhưng lưu ý phải nhổ nước ra sau khi súc miệng.
3. Thuốc dạng kẹo ngậm và thuốc xịt cổ họng
Nhỏ thuốc ho sẽ kích thích tiết thêm nước bọt, giúp cổ họng không bị khô. Nhưng tốt hơn hết, bạn nên ngậm kẹo cứng - những loại kẹo có chứa thành phần làm mát và gây tê như Menthol hay Eucalyptus. Vài loại thuốc xịt như Chloraseptic cũng có tác dụng tương tự như thuốc ngậm. Tuy không chữa dứt cơn sốt hay đau họng nhưng chúng có thể giúp bạn giảm đau tạm thời. Bởi vì những thành phần trong Chloraseptic như phenol có công hiệu kháng khuẩn khá tốt.
4. Dùng xi-rô ho
Xi-rô ho sẽ làm bạn cảm thấy dễ chịu vì chúng bao phủ cổ họng và giảm đau tạm thời. Nếu phải làm việc, bạn hãy chọn loại xi-rô không gây buồn ngủ. Nếu bạn bị mất ngủ vì những cơn đau này, hãy chọn loại có công thức chứa chất gây buồn ngủ như Nyquil (chứa thuốc giảm đau và các chất kháng histamine, là một amin gây buồn ngủ) hoặc là Tobitussin AC (có chứa chất tiêu đờm và giảm ho) giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
Ảnh minh họa
5. Uống nước lọc
Theo bác sĩ Linder: “Giữ cho cơ thể đủ nước là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là khi bạn bị ốm và rát cổ họng. Nên uống nước lọc để nước tiểu sạch và bớt vàng. Điều này giúp màng nhầy của bạn luôn ẩm và đề kháng tốt hơn với vi khuẩn, những chất gây dị ứng, phòng chống triệu chứng cảm lạnh”.
Ông còn cho biết thêm: “Nước luôn tốt cho cơ thể. Bạn có thể uống gì tùy thích nhưng nên thêm vào chút gì đó có vị hơi ngọt hoặc hơi mặn, như nước trái cây pha loãng với nước lọc hoặc nước sốt nấu thịt gà”.
6. Uống trà thảo mộc
Nếu không thích uống quá nhiều nước lọc, hãy thay bằng một tách trà thảo mộc, nó sẽ giúp bạn giảm đau lập tức. Thảo mộc chứa chất chống ôxy hóa, có tác dụng làm tăng hệ miễn dịch và giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn. Để tăng công hiệu của trà, hãy uống kèm với một thìa mật ong. Dung dịch này có tính kháng khuẩn sẽ giúp bạn hồi phục nhanh hơn.
7. Ăn súp gà
Đây là phương thuốc tại gia lâu đời để chữa cảm lạnh và đau cổ họng. “Chất Natri trong nước súp gà có tính kháng viêm và dễ hấp thu vào cơ thể” - Linder cho biết. Tuy nhiên, để tránh đau khi cổ họng bị sưng, bạn nên húp từng ngụm súp nhỏ. Như vậy vẫn đảm bảo cung cấp đủ chất dinh dưỡng mà còn giúp cơ thể tăng khả năng kháng khuẩn.
8. Nghỉ ngơi
Dành một ít thời gian để nghỉ ngơi chưa hẳn là giải pháp nhanh nhất nhưng có thể là điều đầu tiên và tốt nhất mà bạn có thể làm để giảm thiểu cơn đau cổ họng. Linder cho biết “Phần lớn nguyên nhân chính của đau cổ họng là do những virus gây ra. Nếu chưa thể chữa trị ngay thì để cơ thể nghỉ ngơi ít ra cũng giúp bạn tăng khả năng kháng lại virus và nhanh hồi phục hơn”.
Ảnh minh họa
9. Uống thuốc kháng sinh
Tất cả những cơn đau họng ngắn ngày và dài ngày - chiếm 10% ở người trưởng thành - đều do những vi khuẩn như là khuẩn liên cầu mưng mủ gây ra. Nếu bạn xét nghiệm dương tính với khuẩn liên cầu hoặc là những loại vi khuẩn khác, các bác sĩ đều kê toa thuốc kháng sinh. (Lưu ý, nếu cơn đau họng do virus gây ra thì thuốc kháng sinh không có tác dụng). Để chữa dứt hẳn những cơn đau cổ họng, hãy nhớ luôn uống thuốc đủ toa như chỉ định của bác sĩ dù bạn đã cảm thấy khá hơn.
Theo afamily.vn