Ngứa - Làm sao đây?
Ngứa là do các tế bào da tăng tiết quá nhiều histamin. Khi chất histamin được tiết ra do một sự kích thích nào đó có thể bên trong hay bên ngoài, chất này sẽ tác động gây kích thích lên đầu mút thần kinh da - những thụ thể đặc biệt - gây ngứa.
Ngứa là do các tế bào da tăng tiết quá nhiều histamin. Khi chất histamin được tiết ra do một sự kích thích nào đó có thể bên trong hay bên ngoài, chất này sẽ tác động gây kích thích lên đầu mút thần kinh da - những thụ thể đặc biệt - gây ngứa. Vậy điều trị và phòng bệnh ngứa thế nào cho hiệu quả?
Nguyên nhân và triệu chứng
Ngứa có thể do các nguyên nhân do các bệnh ngoài da, ngứa do tuổi tác, do thời tiết, ký sinh trùng, bọ thú vật cắn, một số bệnh mạn tính khác...
Ngoài ra, các trạng thái căng thẳng tinh thần và một số bệnh tâm thần cũng khiến nhiều người cảm thấy ngứa ngáy. Chứng ngứa này được gọi là ngứa tâm lý. Tuy nhiên, chỉ nên định bệnh là ngứa tâm lý sau một thời gian tìm hiểu và theo dõi để biết chắc là không có một tật bệnh nào khác quan trọng trong cơ thể gây ra chứng ngứa. Ngứa còn do dị ứng một số loại thuốc như: paracetamol, aspirin, kháng sinh...
Chẩn đoán
Việc xác định nguyên nhân gây ngứa sẽ dễ dàng loại bỏ nó. Thường thì nguyên nhân được tìm thấy một cách rõ ràng, chẳng hạn như vết cắn của côn trùng hay chất độc. Nếu ngứa kéo dài vài ngày hay là xuất hiện và biến mất một cách thường xuyên mà không có nguyên nhân rõ ràng thì cần phải được khám và làm các xét nghiệm. Nếu nghi ngờ dị ứng, cần phải làm test da. Nếu nghi ngờ bệnh hệ thống, cần phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan, chức năng thận, mức đường huyết. Số lượng bạch cầu ái toan (một loại bạch cầu) cũng có thể được kiểm tra nếu số lượng của chúng tăng có thể gợi ý đến một tình trạng dị ứng.
Đôi khi bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân ngưng một hoặc vài loại thuốc để xem có bớt ngứa đi hay không. Sinh thiết, lấy một mẫu da để quan sát dưới kính hiển vi cũng có thể giúp tìm ra nguyên nhân.
Điều trị thế nào?
Uống thuốc kháng histamin sẽ có hiệu quả tốt. Một số loại kháng histamin như hydroxyzin (atarax, vistaril) và diphenhydramin thường gây buồn ngủ và khô miệng, do đó, thường được dùng vào giờ ngủ. Những loại kháng histamin khác như loratadin (claritin) và cetirizin (zitec) thường không gây buồn ngủ. Thông thường, những loại kem có chứa kháng histamin như diphenhydramin (benadryl, nytol, sominex) không nên dùng vì chính bản thân chúng cũng có thể gây ra phản ứng dị ứng.
Kem có chứa corticoid có thể làm giảm viêm và kiểm soát ngứa, do đó, có thể dùng nếu như ngứa giới hạn ở trong một khu vực nhỏ. Ngứa bởi một số lý do như: nhiễm độc cây thường xuân, có thể cần bôi kem có corticoid mạnh. Tuy nhiên, chỉ nên dùng corticoid nhẹ (hydrocortison 1%) khi bôi lên mặt do corticoid có tác dụng mạnh sẽ làm mỏng làn da nhạy cảm ở khu vực này. Ngoài ra, kem có chứa corticoid với dược tính mạnh được bôi ở những vùng rộng lớn trong một thời gian dài có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh, do thuốc có thể thẩm thấu để đi vào máu. Đôi khi có thể dùng corticoid đường uống nếu bị ngứa ở một khu vực lớn.
Nếu là bệnh ngoài da như ghẻ, hắc lào, lang ben, nấm da, nấm tóc, viêm da dị ứng..., hãy dùng các thuốc chữa bệnh ngoài da đặc trị thì sẽ giảm ngứa, chống trầy xước, giảm bội nhiễm nhưng cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.
Những người mắc các bệnh mà gây ngứa như: gan, thận, đái tháo đường... thì nên đi khám bệnh để được điều trị dứt điểm và có sự tư vấn tường tận của thầy thuốc cho người bệnh thì bệnh càng chóng lành và/hoặc hạn chế sự tái phát.
Phòng bệnh ra sao?
Phòng bằng cách loại trừ trước những nguyên nhân gây ngứa: diệt côn trùng, ăn ở sạch sẽ... Không nên tiếp xúc nhiều với thú vật nuôi. Trong những chuyến du lịch, nên mang theo thuốc bôi tránh côn trùng.
Quần áo, nhất là quần áo lót, bằng sợi tổng hợp là một nguy cơ tiềm tàng, tránh dùng nếu có thể. Giặt thật sạch các chất tẩy rửa và phơi nơi thoáng mát đầy đủ ánh nắng mặt trời.
Muốn đỡ ngứa do thời tiết nóng và khô, có thể chườm nước đá và dùng máy làm ẩm vào ban đêm.
Cố gắng không ăn uống những thực phẩm không thích ứng với cơ địa của mình để khỏi bị dị ứng. Tránh các đồ uống làm giãn mạch như cà phê, rượu, nước nóng...
Khi bị ngứa, không nên gãi, nhất là gãi làm xây xước da vì như vậy rất dễ nhiễm khuẩn.
Cho dù bị ngứa bởi bất kỳ nguyên nhân gì cũng nên tắm nhanh và tắm với nước lạnh hoặc ấm với rất ít hoặc không cần xà bông. Lau người nhẹ nhàng chứ không nên chà xát mạnh.
Nhiều người bị ngứa có thể cảm thấy thích thú với một số loại kem dưỡng ẩm bôi ngay sau khi tắm. Những loại kem này nên không có mùi và không màu vì những chất thêm vào để tạo mùi hoặc màu có thể gây kích ứng da và cuối cùng là gây ngứa. Móng tay nên được cắt ngắn, đặc biệt là ở trẻ em, để làm giảm nguy cơ trầy da do gãi. Bao phủ vùng da bị ảnh hưởng bởi những chất dịu, chẳng hạn như bạc hà, khuynh diệp, calamin.
Theo SKDS