Mối nguy hiểm của bệnh giun chỉ bạch huyết chân voi
Hơn 1 tỉ người ở 80 quốc gia trên khắp thế giới đang sống trong vùng lưu hành nặng của bệnh giun chỉ bạch huyết (GCBH) hay còn được gọi là bệnh phù chân voi. Hàng năm, có hơn 120 triệu người mắc phải căn bệnh này và đã có 40 triệu người trong tình trạng tàn phế với nhiều bộ phận cơ thể bị biến dạng.
Hơn 1 tỉ người ở 80 quốc gia trên khắp thế giới đang sống trong vùng lưu hành nặng của bệnh giun chỉ bạch huyết (GCBH) hay còn được gọi là bệnh phù chân voi. Hàng năm, có hơn 120 triệu người mắc phải căn bệnh này và đã có 40 triệu người trong tình trạng tàn phế với nhiều bộ phận cơ thể bị biến dạng.
Bệnh xuất hiện rất phổ biến ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, với mức độ lan truyền ngày càng tăng, nguyên nhân chính là do tốc độ phát triển nhanh chóng và không theo quy hoạch của các thành phố đã tạo điều kiện cho muỗi sinh sản và truyền bệnh.
Ký sinh trùng truyền bệnh giun chỉ (Wuchereria bancrofti và Brugia malayi)có hình dạng giống như sợi chỉ sống ký sinh chủ yếu trong cơ thể con người. Chúng sống khu trú ở hệ bạch huyết gồm các hạch và mạch bạch huyết có chức năng duy trì sự cân bằng chất dịch trong mô và là thành phần quan trọng của hệ miễn dịch. Giun chỉ có thể sống từ 4-6 năm trong cơ thể người, có khả năng sinh ra hàng triệu ấu trùng lưu hành trong máu.
Bệnh GCBH là do muỗi truyền bằng cách đốt vào người bị nhiễm bệnh và hút luôn các ấu trùng giun chỉ. Các ấu trùng này tiếp tục phát triển bên trong cơ thể muỗi đến khi có thể lây nhiễm sau khoảng 7-21 ngày. Sau đó chúng di chuyển đến phần vòi của muỗi và sẵn sàng thâm nhập vào cơ thể người lành qua vết đốt.
Do có tính chất lưu hành ở vùng sâu vùng xa nên bệnh GCBH được xem là cănbệnh của người nghèo. Trong những năm gần đây bệnh này đã phát triển một cách nhanh chóng do sự gia tăng của các khu nhà ổ chuột đặc biệt là ở châu Phi và tiểu lục địa Ấn Độ. Một khi bị nhiễm giun chỉ, bệnh nhân thường mất hết khả năng về thể chất và do đó không thể có cuộc sống lao động bình thường. Chính vì vậy, cuộc chiến chống lại bệnh giun chỉ bạch huyết cũng chính là cuộc chiến chống lại sự đói nghèo.
Liên Minh Toàn Cầu Tiêu diệt Bệnh Giun Chỉ Bạch Huyết là một tổ chức được thành lập để hỗ trợ cho việc tuyên truyền, huy động nguồn lực và thực hiện chương trình. Từ trước đến nay, chưa có một tổ chức y tế cộng đồng nào phát triển nhanh chóng và rộng rãi như tổ chức toàn cầu này. Việc điều trị số ca mắc GCBH hàng năm đã gia tăng một cách nhanh chóng, từ 25 triệu người ở 12 quốc gia năm 2000 lên đến 122 triệu người ở 39 quốc gia năm 2004. Đến hết năm 2007, hơn 1 tỉ người đã được cấp phát thuốc miễn phí và sự bao phủ hoạt động của tổ chức đã đến được 48 quốc gia có dịch bệnh lưu hành nặng để điều trị. Liên minh đã được phát triển và mở rộng nhanh chóng là nhờ ở nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự hỗ trợ về thuốc điều trị GCBH và đặc biệt là các quốc gia trong khu vực xảy ra dịch đã nhìn nhận mục tiêu chính đáng của chương trình là chống đói nghèo và nâng cao sức khoẻ của cộng đồng.