Bớt tăng sắc tố
Bớt tăng sắc tố - một bệnh da hay gặp với biểu hiện là các bớt màu xanh đen, nâu hay nâu đen; có thể xuất hiện ở mặt như bớt Ota, ở vùng cổ, phần trên cánh tay như bớt Ito, vùng thắt lưng, mông như bớt Mông Cổ.
Bớt tăng sắc tố - một bệnh da hay gặp với biểu hiện là các bớt màu xanh đen, nâu hay nâu đen; có thể xuất hiện ở mặt như bớt Ota, ở vùng cổ, phần trên cánh tay như bớt Ito, vùng thắt lưng, mông như bớt Mông Cổ.
Nguyên nhân của bệnh
Có thể là bẩm sinh hay di truyền. Bệnh lành tính, có thể xuất hiện khi mới đẻ hay khi còn là trẻ nhỏ, cũng có khi qua tuổi dậy thì thậm chí một số trường hợp trung niên mới xuất hiện tổn thương ban đầu. Các dát sắc tố có khi tồn tại trong suốt cuộc đời, cũng có khi chỉ tồn tại một vài năm rồi mất đi như bớt Mông Cổ.
Thông thường tổn thương không ngứa, bằng phẳng với mặt da, nhưng đôi khi tổn thương tăng đậm sắc tố, sùi lên và trên bề mặt có nhiều lông. Màu sắc tổn thương cũng có khi đồng nhất, nhưng đôi lúc nhiều màu sắc như màu đen, nâu đen hay xanh đen,… Tuy bệnh phần lớn là lành tính nhưng lại ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh. Tùy theo kích thước, vị trí tổn thương mà ảnh hưởng nhiều hay ít, gây cho bệnh nhân sự lo lắng, mất tự tin khi giao tiếp, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Giải pháp điều trị
Bớt sắc tố ở cánh tay
Có nhiều cách khác nhau, tùy theo vị trí, kích thước của tổn thương mà thầy thuốc tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn giải pháp nào cho phù hợp cả về thẩm mỹ, chức năng cũng như điều kiện kinh tế:
- Nếu tổn thương nhỏ, mờ, ở vị trí kín không ảnh hưởng đến thẩm mỹ chỉ cần giải thích cho bệnh nhân yên tâm mà không cần can thiệp gì. Nhưng cũng với tổn thương đó nếu ở vị trí vùng hở, đặc biệt là ở mặt, bệnh nhân có nhu cầu chữa trị thì thầy thuốc cân nhắc có thể cho điều trị nội khoa làm giảm sắc tố bằng các thuốc bôi như kem chống nắng, kem giảm sắc tố da có chứa Hydroquinon, Acid azeleic, Leucodinin,... hay đơn thuần chỉ cần kem trang điểm bôi cho mờ vết bớt sắc tố khi giao tiếp.
- Còn những tổn thương quá lớn, đậm màu, sùi lên hoặc mọc nhiều lông thì có thể phải làm phẫu thuật thẩm mỹ, cắt bỏ ghép vạt da. Tuy nhiên biện pháp này phức tạp, đau đớn, tốn kém và cũng không phải lúc nào cũng thành công mỹ mãn như ý muốn của người bệnh. Chính vì vậy trước khi làm phẫu thuật phải tư vấn cho bệnh nhân về mọi khía cạnh để bệnh nhân hiểu những rủi ro cũng như chi phí và các kết quả khác có thể có của cuộc phẫu thuật.
- Một phương pháp khác là dựng Laser YAG hoặc hồng ngoại để điều trị, tuy nhiên đây là một giải pháp không phải là triệt để, chỉ làm giảm hoặc mất một phần sắc tố nhưng cũng hay gây ra các tác dụng không mong muốn, mà hay gặp là hiện tượng pháo hoa, da chỗ trắng chỗ đen. Chính vì vậy trước khi lựa chọn giải pháp này cũng cần tư vấn cho bệnh nhân.
( theo suckhoedoisong)