Thoái hóa khớp - Kẻ thù của sức khỏe
Thoái hóa khớp là một bệnh khớp do các tổn thương loét ở sụn và hình thành gai ở bờ khớp.
Thoái hóa khớp là một bệnh khớp do các tổn thương loét ở sụn và hình thành gai ở bờ khớp. Còn gọi là bệnh thấp khớp thoái hóa vì tổn thương khởi phát là một hoại tử tại sụn khớp không có viêm. Phạm vi thoái hóa khớp bao gồm không riêng các bệnh thoái hóa của các khớp có sụn mà cả những tổn thương thoái hóa tại các đĩa đệm liên đốt, đó là các bệnh thoái đĩa khớp.
Ngay từ tuổi 30 đã bắt đầu có những tổn thương ở khớp, những tổn thương này tăng lên đều đặn với tuổi. Khớp nào cũng có thể bị tổn thương thoái hóa nhưng thường gặp và gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe là thoái hóa khớp háng, khớp gối, khớp cột sống và khớp vai. Sau đây là những phiền toái thường thấy khi các khớp bị thoái hóa.
Thoái hóa khớp háng
Đau thường ở vùng bẹn và mặt trước trong của đùi. Cũng có khi đau vùng mông, mặt sau của đùi, dễ nhầm với đau thần kinh hông to. Đau xuất hiện khi đi, do đó hạn chế việc đi lại. Nằm nghỉ thì hết đau, những trường hợp thoái hóa khớp nặng, đau cả ban đêm, lúc nghỉ; kèm theo rối loạn chức năng: biểu hiện bằng đi khập khiễng, trong các thể nặng gặp teo cơ tứ đầu đùi; Chụp Xquang có thể phát hiện hẹp đường giữa khớp, biến dạng cấu trúc của đầu xương đùi và ổ cối, hay gặp lỗ hổng trong đầu xương và ở ổ cối. Bệnh không tự khỏi mà tiến triển từ từ có thể dẫn đến cứng khớp.
Ngay từ tuổi 30 đã bắt đầu có những tổn thương ở khớp.
Thoái hóa khớp gối
Đau khi đi, giảm khi ngủ, thỉnh thoảng có khuỵu gối đột ngột. Khám có thể thấy đầu gối to lên, ấn có đau ở một số điểm, gấp và duỗi đầu gối hạn chế, có thể nghe tiếng răng rắc. Trong một số trường hợp, màng hoạt dịch có thể bị viêm dày lên và trong màng hoạt dịch có ít dịch quánh. Khi ấn vào xương bánh chè đồng thời gấp chân lại, có thể gây đau nhói và tiếng kêu rắc. Dấu hiệu này chứng tỏ có tổn thương khớp đùi - bánh chè; Xquang thấy hẹp đường giữa khớp đùi - bánh chè và đường giữa khớp đùi - chày, xơ xương, gai xương vùng bờ. Thoái hóa khớp gối có khuynh hướng nặng lên dần. Do đau nên ảnh hưởng nhiều tới mọi hoạt động. Trên cơ sở mạn tính có đợt viêm bán cấp, về sau cả hai khớp đều bị.
Thoái hóa khớp cột sống
Thường gặp thoái hóa khớp liên đốt trước. Tổn thương thoái hóa ở đĩa liên đốt (gọi đĩa đệm): vòng xơ nứt ra và nhân nhầy thoát ra. Vì phần sau của vòng mỏng hơn nên nhân thoát ra thường hay lồi vào ống sống có thể chèn ép hoặc kích thích rễ thần kinh. Mặt khác nhân thòi ra có thể kích thích hình thành gai xương kiểu mỏ vẹt ở xung quanh các đốt sống ở phía trước cũng như hai bên. Biểu hiện đau vùng cột sống, đôi khi theo rễ thần kinh. Thường đau buổi chiều tối sau một ngày phải đứng nhiều hoặc mang nặng. Nghỉ sẽ bớt đau. Trên cơ sở một tình trạng đau âm ỉ có thể có đợt đau cấp (kiểu đau lưng) trong vài ngày, kèm theo cứng khớp và có khi đau buộc người bệnh phải đi nằm. Những cơn đau lan xa thường liên quan đến kích thích rễ thần kinh. Hay gặp đau dây thần kinh hông khi có thoái hóa khớp thắt lưng. Chụp Xquang có hẹp khoảng sáng liên đốt tương ứng với đĩa đệm - gai xương đốt sống trước và bên. Hình dạng xơ xương của mâm đốt sống ở vùng gần đĩa. Có thể gặp hình ảnh một đốt sống trượt nhẹ ra sau do dồn ép nhân đĩa. Vị trí thường gặp thoái hóa khớp cột sống là khớp cổ, khớp thắt lưng, khớp lưng. Khi có thoái hóa đốt sống cổ người bệnh bị đau vùng cổ và tay. Biến chứng chính của thoái hóa khớp cổ là đau rễ thần kinh cổ - tay.
Thoái hóa khớp vai
Đau khớp vai, lan xuống cánh tay, bóp mạnh cơ thì dễ chịu. Đau âm ỉ, hạn chế cử động cánh tay, khi bất ngờ làm một động tác nhẹ cử động cánh tay có thể rất đau. Đau một bên vai và có thể cả vai bên kia đồng thời hoặc trước hoặc sau.
Điều trị thế nào?
Trong đợt đau cấp: Đối với thoái hóa khớp chủ yếu là vận động liệu pháp, nhưng trong các đợt cấp phải nằm bất động. Sử dụng các thuốc chống viêm, giảm đau. Có thể tiêm trực tiếp vào khớp một trong các dung dịch như novocain hoặc xylocain, corticoid có tác dụng kéo dài, có thể làm giảm cơn đau, nhất là khi khớp thấy có tràn dịch. Khi tiêm vào khớp phải đảm bảo vô trùng tuyệt đối (bơm tiêm, kim tiêm, dung dịch thuốc...) để tránh gây viêm khớp mủ. Tuy nhiên cần hạn chế tiêm nhiều lần vào khớp. Hiện nay với khớp lớn như khớp cùng chậu có thể dùng phương pháp “tê cùng chậu” dưới hướng dẫn của đèn huỳnh quang có tác dụng giảm đau nhanh.
Lý liệu pháp: Trong các đợt cấp không nên chườm nóng, vì nếu dùng chườm nóng sẽ làm đau tăng lên. Vì vậy có thể chườm lạnh có khi đắp nước đá, làm giảm đau khớp nhất là khi có viêm nặng.
Đau kinh diễn: Nếu đau kinh diễn do thoái hóa khớp, chỉ nên dùng thuốc kéo dài khi không còn cách nào khác, vì dùng thuốc lâu ngày dễ bị lệ thuộc thuốc và dễ có biến chứng. Với người cao tuổi nếu dùng giảm đau thông thường không khỏi, mổ không được có thể dùng các thuốc giảm đau như tilidin dưới dạng giọt. Thuốc được hấp thu qua niêm mạc miệng tác dụng giảm đau nhanh. Đôi khi phải dùng thuốc chống trầm cảm. Trong thể thoái hóa khớp cổ có thể dùng quang tuyến liệu pháp cũng làm bệnh nhân bớt đau.
Lý liệu pháp: Có tác dụng tốt đối với thoái hóa khớp chung, nhất là với thoái hóa cột sống. Có thể dùng sóng ngắn, điện châm, tắm, đắp bùn hoặc parafin...
Phẫu thuật: Phẫu thuật chỉnh hình nếu điều trị nội khoa không kết quả.
Tóm lại, sức khỏe tạo ra mọi nguồn vui, biết cách giữ gìn sức khỏe là điều cần thiết cho mọi người, đặc biệt là cho người cao tuổi. Đối với tuổi già, không có một niềm vui nào lớn hơn là sống khỏe mạnh, sống lâu và sống có ích.
Theo SKDS