Bệnh khớp -nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế
Trong các bệnh khớp, bệnh lý khớp viêm, thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là 2 loại bệnh thường gặp và quan trọng nhất.
Trong các bệnh khớp, bệnh lý khớp viêm, thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là 2 loại bệnh thường gặp và quan trọng nhất.
Các bệnh khớp, bệnh lý cơ xương khớp đang là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế cho con người. Trong đó, các bệnh viêm khớp được coi là nhóm bệnh quan trong nhất, cũng là nhóm bệnh mạn tính đang gia tăng nhiều nhất từ độ tuổi 40 trở lên. kỳ này, chúng tôi giới thiệu sự khác nhau giữa 2 bệnh viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp.
Trong các bệnh lý khớp viêm, thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp là 2 loại bệnh thường gặp và quan trọng nhất. Hai bệnh có một số điểm chung là sưng khớp, đau khớp và hạn chế vận động, nhưng lại có nhiều điểm khác biệt về tỉ lệ mắc, tuổi khởi bệnh, vị trí biểu hiện, tiến triển, tiêu chuẩn chẩn đoán, đặc biệt về nguyên tắc điều trị và thuốc điều trị… Vì vậy, cần được xác định chẩn đoán sớm để có các trị liệu và theo dõi thích hợp. Tuy nhiên, trên thực tế 2 bệnh này lại thường bị “gói chung một giỏ” với chẩn đoán chung chung và mơ hồ là viêm đa khớp. Đây là một điều hết sức tránh!
Hình ảnh dưới đây mô tả hình ảnh đặc trưng của khớp bình thường, khớp bị thoái hóa và viêm khớp dạng thấp:
- Ở khớp bình thường, chúng ta nhìn thấy các cấu trúc của khớp, bao gồm: đầu xương, sụn khớp, màng hoạt dịch, dịch khớp, bao khớp, gân, cơ, bao thanh dịch…
- Trong thoái hóa khớp, tổn thương chủ yếu là sụn khớp, sụn khớp bị bào mòn và mỏng đi khiến cho 2 đầu xương bị dính và cọ xát vào nhau khi vận động.
- Trong viêm khớp dạng thấp, tổn thương chủ yếu là hiện tượng viêm ở màng hoạt dịch làm khớp sưng nóng, đỏ và đau, sau đó sẽ phá hủy vào đầu xương.
Với thoái hóa khớp, diễn tiến bệnh thường chậm, tăng dần theo tuổi, thường biểu hiện ở các khớp chịu lực như khớp gối và cột sống (cổ và thắt lưng), khởi đầu thường là sưng và đau khi vận động, tình trạng viêm thường nhẹ và không thường xuyên.
Với viêm khớp dạng thấp, diễn biến nhanh và nặng nề hơn, nếu không được điều trị sớm, tình trạng viêm tiến triển, sẽ làm hư hại sụn khớp, màng hoạt dịch và phá hủy đầu xương, các khớp sẽ bị thoái hóa thứ phát, như vậy bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường mắc cả hai bệnh lý viêm khớp dạng thấp và thoái hóa khớp. Theo sự tăng dần của tuổi tác, tình trạng mãn kinh, diễn biến của bệnh, tình trạng viêm, việc hạn chế chức năng vận động… người bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể mắc thêm loãng xương.
Thoái hóa khớp:
Đây là bệnh thường gặp nhất, ảnh hưởng tới 27 triệu người Mỹ, sẽ gia tăng 40%, vào năm 2030 chiếm 30% các bệnh cơ xương khớp chiếm 50% các bệnh viêm khớp.
Giới: nữ thường mắc hơn nam.
Tuổi khởi bệnh: trên 45.
Cơ chế bệnh sinh: liên quan tới tuổi và một số yếu tố thúc đẩy (di truyền, ảnh hưởng của các lực sinh - cơ học (chấn thương trong lao động, sinh hoạt…), rối loạn trong sinh học của tế bào sụn và tình trạng viêm mạn tính của màng hoạt dịch).
Tổn thương chính: sụn khớp bị hư hại và bào mòn xương dưới sụn bị xơ và lắng đọng calcium. Thường gọi là viêm khớp do hao mòn.
Các khớp bị tổn thương: các khớp chịu lực (khớp lớn): gối, háng, vai và cột sống (cổ và thắt lưng).
Biểu hiện tại khớp: sưng, đau, hạn chế vận động và lạo xạo khi cử động khớp. Phì đại các đầu xương, lệch trục khớp.
Biểu hiện toàn thân: ít bị ảnh hưởng. Thường mắc kèm các bệnh do tuổi: béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành...
Hậu quả: gây đau đớn, gây tàn phế (thường diễn tiến chậm).
Điều trị không dùng thuốc: giáo dục sức khỏe, tập luyện, hàng ngày, tránh tăng chịu lực cho khớp. Dinh dưỡng hợp lý (giảm cân, tăng cường vitamin và khoáng chất).
Điều trị triệu chứng: giảm đau acetaminophen hoặc/và codein hay tramadol.
Và/hoặc thuốc kháng viêm không steroid: celecoxib, meloxicam ibuprofen, etoricoxib...
Điều trị bệnh: sử dụng dài hạn các thuốc có thể làm thay đổi cấu trúc của sụn khớp.
Để làm chậm tiến trình thoái hóa, các thuốc đều phải sử dụng dài hạn và liên tục, nên cần xem xét kỹ các chống chỉ định và các bệnh cùng mắc của người bệnh, đặc biệt người cao tuổi. Việc dùng thuốc phải tuân thủ chỉ định của bác sĩ.
Viêm khớp dạng thấp:
Tỉ lệ bệnh: bệnh nặng nề nhất ảnh hưởng tới 1,5 triệu người Mỹ, chiếm 5% các bệnh cơ xương khớp, chiếm 10% các bệnh viêm khớp. Tỉ lệ mắc: nữ/nam: 2,5/1. Tuổi khởi bệnh từ 40 - 60.
Cơ chế bệnh sinh: đây là một bệnh tự miễn, trong đó có sự tham gia của các yếu tố:
- Rối loạn của hệ thống miễn dịch.
- Yếu tố cơ địa của người bệnh (tuổi, giới và hệ HLA.
- Các yếu tố thuận lợi: stress, chấn thương, nhiễm trùng, phẫu thuật…
Tổn thương chính: viêm bắt đầu từ màng hoạt dịch khớp, sau đó tổn thương sụn khớp, xương, cơ, gân, dây chằng và toàn bộ khớp (thường gọi là viêm đa khớp).
Các khớp bị tổn thương: các khớp nhỏ ở ngoại vi, đặc biệt hai bàn tay. Giai đoạn sau sẽ ảnh hưởng tới tất cả các khớp.
Biểu hiện tại khớp: sưng, nóng, đỏ, đau, tràn dịch,kén hoạt dịch, teo cơ, dính khớp, cứng khớp và biến dạng khớp.
Biểu hiện toàn thân: mệt mỏi, gầy sút, xanh xao, thiếu máu, trầm cảm
Tăng nguy cơ bị loãng xương, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đái tháo đường, loét tiêu hóa.
Hậu quả: gây đau đớn. Gây tàn phế (nhưng thường diễn tiến nhanh và nặng hơn thoái hóa khớp).
Điều trị không dùng thuốc:
- Giáo dục sức khỏe.
- Tập luyện, hàng ngày, tránh teo cơ, cứng khớp.
- Dinh dưỡng hợp lý (giảm cân, tăng cường vitamin và khoáng chất).
Điều trị dùng thuốc:
- Thuốc kháng viêm không steroid: celecoxib, meloxicam, etoricoxib…
Hoặc thuốc kháng viêm steroid (methylprednisolone, prednisone.. khi tình trạng viêm nặng.
Sử dụng dài hạn các thuốc làm thay đổi diễn tiến của bệnh viêm khớp dạng thấp kinh điển để làm chậm tiến trình hư hại sụn khớp và đầu xương của bệnh.
Trị liệu sinh học hiện đang được coi là một tiến bộ rất lớn của ngành thấp khớp học...
Ngoài ra còn có các phương pháp:
- Vật lý trị liệu, phục hồi chức năng.
- Châm cứu, xoa bóp.
- Chống teo cơ cứng khớp.
- Duy trì và bảo vệ chức năng của khớp.
Ở nước ta, với việc gia tăng tuổi thọ và thay đổi lối sống như hiện nay, các bệnh lý cơ xương khớp, đặc biệt là các bệnh viêm khớp đang có xu hướng gia tăng rất nhanh khiến cho việc chăm sóc sức khỏe ở các tuyến chưa đáp ứng kịp, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa thấp khớp học chưa đủ ở các tuyến, rất nhiều bệnh lý xương khớp không được chẩn đoán, điều trị và quản lý hợp lý, gây nhiều hậu quả xấu. Nhiều bệnh nhân, kể cả nhẹ, vừa, nặng và khó chữa (vì ở giai đoạn nặng hay giai đoạn di chứng của bệnh) tràn về tuyến trên gây tình trạng quá tải kéo dài ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế tuyến cuối.
Hiện rất cần những giải pháp đồng bộ để có đủ nguồn nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển chuyên ngành thấp khớp học ở các tuyến, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi được chăm sóc và điều trị các bệnh lý cơ xương khớp của nhân dân.
Theo SKDS