Đau tức ngực là một chứng bệnh gặp khá nhiều trong cộng đồng. Bệnh gặp chủ yếu ở người trưởng thành, đặc biệt lưu ý là người tuổi cao.
Một số trường hợp đau thắt ngực không chữa trị có thể để lại hậu quả xấu và khó lường trước, vì vậy, xin đừng chủ quan.
Những nguyên nhân và biểu hiện
Đau tức ngực có thể là dạng đau thắt ngực hoặc có thể là đau tức vùng ngực. Khi nói đến ngực, tức là lồng ngực. Lồng ngực là một khoang dưới cổ và trên cơ hoành, bao quanh là xương của ngực (xương ức, xương sườn, xương cột sống lưng). Xương sườn nối với xương ức ở phía trước và các đốt sống ở phía sau. Tạo thành một cái chuông hình nón. Giữa các xương sườn là khoảng cách liên sườn, trong đó có dây thần kinh liên sườn, mạch máu và cơ. Trong lồng ngực có phế quản, phổi (hai lá phổi, màng phổi), tim, động tĩnh mạch liên quan mật thiết với phổi, tim (động tĩnh mạch). Lồng ngực còn có thực quản đi qua (nằm sau xương ức) để xuống dạ dày. Vì vậy, khi đau tức ngực có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên.
Khi đau tức ngực, nhất là đau thắt khi gắng sức và giảm hoặc ngừng đau thắt sau khi nghỉ ngơi, nguyên nhân, có thể là thiểu năng mạch vành, nếu nặng có thể nhồi máu cơ tim. Đây là dạng đau thắt ngực nguy hiểm nhất, không chỉ ở người cao tuổi mà các lứa tuổi trẻ hơn cũng cần cảnh giác. Bệnh thường xảy ra khi gắng sức (leo cầu thang, mang vác nặng, chơi tennis, bóng chuyền) hoặc bị kích động mạnh (có tin buồn, tranh luận, sinh hoạt tình dục…). Một số trường hợp mặc dù đang ngủ nhưng khi cơn đau xuất hiện sẽ đánh thức người bệnh bừng tỉnh và ôm ngực vì đau đớn. Mỗi cơn đau thắt ngực như vậy kéo dài khoảng từ 10 - 20 phút và hầu như hết đau khi ngưng hoạt động mạnh hoặc dùng thuốc giãn mạch (vastarel, nitroglycerin). Cơn đau thắt ngực có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Khi bị đau tức ngực, cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt
Dưới lồng ngực là khoang bụng chứa các bộ phận, ngăn cách bởi cơ hoành, như dạ dày, ruột già ruột non, gan, lá lách, tuyến tụy, thận, bàng quang. Các bộ phận này nằm sát ngay dưới lồng ngực, vì vậy, khi chúng lâm bệnh có thể gây ảnh hưởng đến lồng ngực và gây nên đau tức ngực. Do đó, với các bệnh thuộc về cơ quan hô hấp (viêm phổi, viêm dày dính màng phổi, tràn dịch, tràn khí màng phổi do vi khuẩn (nhất là vi khuẩn lao) hoặc do hen, tắc mạch phổi, ung thư phế quản, phổi), ngoài các triệu chứng khác (sốt, ho, khó thở…) còn có đau, tức ngực kèm theo.
Một số trường hợp khi bị chấn thương lồng ngực gây đau tức ngực hoặc đau dây thần kinh liên sườn, gây nên đau tức ngực, nhất là đau nhói dọc theo bờ dưới xương sườn. Đau dây thần kinh liên sườn có nhiều nguyên nhân, trong đó hay gặp nhất là do thoái hóa cột sống lưng (D1- D12).
Đau tức ngực còn có thể do bệnh thuộc hệ thống đường tiêu hóa trên (bệnh viêm, loét thực quản, nhất là bỏng do acid hoặc hội chứng trào ngược dạ dày thực quản thường gây đau tức ngực nhưng vị trí đau xuất hiện ở sau xương ức). Đau tức ngực còn có thể do ảnh hưởng của cơn đau dạ dày cấp, trong trường hợp này thường có kèm theo các triệu chứng khác của bệnh dạ dày (tiền sử viêm loét dạ dày, ợ hơi, ợ chua, nóng rát, đau âm ỉ vùng thượng). Đau tức ngực cũng có thể do áp-xe cơ hoành.
Ngoài ra, khi người cao tuổi là phụ nữ mãn kinh, có thể xuất hiện các cơn đau tức ngực do thay đổi nội tiết tố sinh dục nữ.
Nên làm gì khi bị đau tức ngực?
Khi bị đau tức ngực cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt để xác định nguyên nhân gây bệnh, đặc biệt ở người tuổi cao có kèm theo các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch hoặc có tăng mỡ máu hoặc các bệnh về đường hô hấp.
Sau khi xác định nguyên nhân đau tức ngực, người bệnh cần tích cực điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Với người bị đau thắt ngực liên quan đến tim (thiểu năng mạch vành, nhối máu cơ tim) phải hết sức thận trọng, ngoài việc dùng thuốc giãn mạch một cách đều đặn do bác sĩ chỉ định, cần có một chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý. Khi lên cơn đau thắt ngực cần phải ngưng ngay công việc để nghỉ ngơi, tuyệt đối không lao động nặng, không làm việc gắng sức. Nên vận động cơ thể hàng ngày thật nhẹ nhàng, không chơi các môn thể thao nặng như: tennis, cầu lông, bóng bàn, cử tạ…Với người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, tămg mỡ máu, bệnh về đường hô hấp (viêm phế quản, hen suyễn, tâm phế mãn…), đau dây thần kinh liên sườn, cần uống thuốc đều đặn và kiêng khem theo tư vấn của bác sĩ khám bệnh.
Theo SKDS