Hoàng điểm hay còn gọi là điểm vàng nằm ở trung tâm của màng thần kinh còn gọi là võng mạc có vai trò tiếp nhận tín hiệu ánh sáng.
Hoàng điểm hay còn gọi là điểm vàng nằm ở trung tâm của màng thần kinh còn gọi là võng mạc có vai trò tiếp nhận tín hiệu ánh sáng. Hoàng điểm là nơi tập trung các tế bào thần kinh dày đặc nhất và chiếm 90% thị lực, đặc biệt là thị lực cao cấp như đọc, viết, phân biệt màu sắc.
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già (gọi tắt là AMD) là nguyên nhân gây mù hàng đầu đối với người trên 50 tuổi ở các nước phát triển và là nguyên nhân gây mù quan trọng ở các nước đang phát triển. Tại Mỹ, ước tính có khoảng 1,6 triệu người bị mắc AMD nặng ở một hay hai mắt và có khoảng 7 triệu người khác có nguy cơ bị đe dọa. Một khi đã bị mắc AMD nặng ở một mắt thì nguy cơ mắc AMD nặng ở mắt thứ hai trong vòng 5 năm là 43%. Theo các nghiên cứu mới đây tại các nước châu Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, tỉ lệ mắc bệnh AMD là gần tương đương như ở người da trắng. Tại Việt Nam, bệnh thoái hóa hoàng điểm tuổi già có xu hướng ngày càng tăng mạnh.
Triệu chứng và các thể bệnh
Bệnh thường xuất hiện ở người lớn tuổi.
Ban đầu, người bệnh có thể nhìn thấy vật bị biến dạng (VD nhìn thấy đường thẳng thành đường cong, nhìn mặt người bị méo mó...), đọc sách rất khó khăn.
Tiếp theo là giai đoạn nhìn mờ như có màn sương che phủ trước mắt, màn sương này ở ngay trung tâm, còn vùng xung quanh có thể vẫn sáng bình thường, nhìn màu sắc thường bị nhợt nhạt.
Giai đoạn muộn hơn, người bệnh có thể giảm thị lực, kèm theo dấu hiệu nhìn hình bị bé lại, có thể thấy ruồi bay và cuối cùng là giảm thị lực rất nhiều, thậm chí mất thị lực.
Khi có các triệu chứng trên người bệnh nên đi đến khám sớm với các bác sĩ mắt để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Thoái hóa hoàng điểm tuổi già là một bệnh lý liên quan đến quá trình lão hoá tại mắt. Bệnh có 2 thể chính: thể khô và thể xuất tiết (hay còn gọi là thể tân mạch).
Thoái hóa hoàng điểm thể khô: Các cấu trúc võng mạc tại hoàng điểm bị teo thoái hóa gây giảm thị lực từ từ.
Thoái hóa hoàng điểm thể xuất tiết (thể tân mạch): Tại hoàng điểm có nhiều mạch máu bất thường phát triển làm phá vỡ cấu trúc bình thường của hoàng điểm gây xuất huyết võng mạc dẫn đến sẹo xơ mạch vùng hoàng điểm làm tổn hại thị lực nghiêm trọng. Đây là thể gây mù chủ yếu trong bệnh AMD.
Điều trị và biện pháp phòng bệnh
Trước đây, các biện pháp điều trị chủ yếu là để bảo tồn thị lực chứ không thể cải thiện được thị lực sau điều trị. Gần đây, với việc sử dụng các thuốc ức chế tân mạch để điều trị bệnh đã mở ra một hướng điều trị hoàn toàn mới tác động chọn lọc trực tiếp đến nguyên nhân gây bệnh đem lại nhiều hy vọng cho người bệnh. Trên lâm sàng, một số thuốc chống tân mạch đã được chứng minh có giá trị tích cực trong việc điều trị AMD thể tân mạch.
Sau khi điều trị, người bệnh cần đi khám lại theo định kỳ và có chế độ sinh hoạt dinh dưỡng phù hợp để duy trì thị lực tại mắt bệnh cũng như phòng và phát hiện sớm các biểu hiện của bệnh ở mắt thứ hai.
Ngoài ra, để phòng bệnh và phát hiện sớm, những người trên 55 tuổi nên đi khám mắt định kỳ 1-2 lần/năm tại các cơ sở khám chữa bệnh chuyên khoa mắt và có chế độ ăn phù hợp: nhiều rau xanh, ít thịt đỏ, nhiều thịt trắng, hạn chế cholesterol, tăng cường các vi chất đặc biệt là kẽm, selen đồng thười có chế độ sinh hoạt khoa học, tập luyện thể dục thể thao, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Theo SKDS