Thoái hóa khớp gối là quá trình lão hóa của tổ chức sụn khớp, đầu xương và các tổ chức phần mềm quanh khớp...
Thoái hóa khớp gối là quá trình lão hóa của tổ chức sụn khớp, đầu xương và các tổ chức phần mềm quanh khớp, được xếp vào chứng hạc tất phong trong Đông y. Là một quá trình tất yếu ở người có tuổi nhưng gần đây có xu hướng trẻ hóa ở người trung niên và người trẻ. Tỉ lệ mắc bệnh ngày càng tăng (80% ở những người trên 70 tuổi), đang dần tăng lên. Là căn bệnh gây đau đớn, vận động khó khăn, ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe, tâm lý và hiệu quả lao động của người bệnh. Hiện y khoa đã có rất nhiều phương pháp trị liệu như: thuốc, vật lý trị liệu, ngoại khoa... Xin giới thiệu phương pháp vận động, hỗ trợ điều trị chứng bệnh này.
Động tác 1:
Người bệnh nằm ngửa, co một hoặc hai chân sát mông. Từ từ nâng mông lên khỏi mặt sàn. Giữ nguyên tư thế trong 20 - 30 giây, sau đó nhẹ nhàng đưa về tư thế ban đầu. Thực hiện động tác 5 -10 lần, có thể tăng độ khó bằng cách chỉ dùng một chân để nâng mông lên trong khi giữ chân kia duỗi thẳng. Động tác này có vai trò tăng cường giúp cơ mông nâng đỡ trọng lượng cơ thể cho khớp gối tốt hơn trong khi đi lại.
Động tác 1.
Động tác 2:
Bệnh nhân nằm ngửa. Giơ chân phải lên, tay giữ vào mặt sau đầu gối. Kéo đầu gối về phía ngực. Giữ nguyên tư thế trong 30 giây, sau đó thả ra. Đổi sang chân bên kia, mỗi bên làm 3 - 5 lần. Động tác giúp giảm sức căng ở khớp gối do cơ khoeo căng cứng, giãn cơ, tăng cường lưu thông máu, giúp khớp gối hoạt động linh hoạt.
Động tác 2.
Động tác 3:
Bệnh nhân đứng thẳng co một chân lên, dùng bàn tay nắm lấy bàn chân cùng bên, kéo gót chân về phía mông. Giữ nguyên trong 30 giây, sau đó thả ra. Đổi chân bên kia, mỗi bên làm 3 - 5 lần, động tác này kéo giãn cơ tứ đầu đùi giúp giải phóng sức căng đè lên mặt trước khớp gối do cơ đùi căng cứng.
Động tác 3.
Động tác 4:
Người bệnh đứng thẳng, một chân phía trước và chân phía sau như tư thế chuẩn bị chạy. Gấp khớp gối trước hướng xuống sàn. Giữ nguyên tư thế trong 30 giây rồi thả ra. Đổi chân bên kia, mỗi bên làm 3 - 5 lần. Động tác giúp giải phóng sức căng ở mặt trước khớp gối, giúp gối mềm mại linh hoạt.
Động tác 4.
Động tác 5:
Người bệnh giữ thăng bằng, nhắc lần lượt tay nọ chân kia như đi duyệt binh, sao cho cẳng chân tạo với đùi một góc 90 độ. Làm động tác này mỗi chân 20 - 30 lần, có vai trò giảm co cứng khớp gối, tăng cường dinh dưỡng, giúp tái tạo dịch nhờn bôi trơn ổ khớp.
Động tác 5.
Động tác 6:
Người bệnh đứng thẳng, dần dần hạ thấp người xuống, giữ hai đầu gối vuông góc 90 độ với đùi, tay giữ nguyên duỗi thẳng ra trước. Sao cho đầu gối không vượt quá mũi bàn chân khi đứng. Làm động tác 5 - 10 lần, động tác giúp giãn cơ hông, cơ và tổ chức khớp gối, thúc đẩy tuần hoàn, làm giảm đau, giúp khớp hoạt động tốt hơn.
Động tác 6.
Chú ý: Để điều trị hiệu quả, ngoài tuân thủ phác đồ điều trị chuyên khoa, cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, lao động hợp lý. Không nên đi bộ nhiều, tránh để thừa cân béo phì tạo áp lực cho khớp, tránh cử động mạnh đột ngột khớp gối, leo trèo cao, đi cầu thang nhiều, không đi dép cao gót, ngồi xổm, khom lưng kéo dài, nên bơi lội, đi xe đạp... Tăng cường các thức ăn bổ sung canxi như: sữa, tôm, cá... Ăn nhiều hoa quả có sinh tố C...
Theo SKDS