Khi con bạn nhẹ cân mà vẫn không chịu ăn như những trẻ bình thường khác, đừng nản lòng, hãy kiên nhẫn áp dụng những lời khuyên hợp lý của các chuyên gia.
Kích thích sự thèm ăn của trẻ
Đa phần những trẻ gầy yếu không có hứng thú trong việc ăn uống mà chỉ ăn khi bị người lớn ép. Một số cách sau đây có thể giúp trẻ ngon miệng hơn:
- Tăng thêm dinh dưỡng: Ngoài 3 bữa chính trong ngày, nên chú ý đến những bữa phụ. Bạn có thể pha bột ngũ cốc vào sữa hoặc cho trẻ uống thêm nước ép trái cây, điều này vừa khiến trẻ ngon miệng hơn vừa giúp ổn định đường tiêu hóa.
- Chế biến thức ăn có vị ngọt: Thỉnh thoảng, bạn cũng có thể cho trẻ ăn như người lớn bằng những thực đơn lạ miệng như ếch hấp với cá, cà chua xào với rau diếp, súp sườn non... Những thực phẩm này có đủ đạm và các chất như vitamin, khoáng chất, carbohydrate... rất cần thiết cho cơ thể.
- Chuẩn bị nhiều món khác nhau và vừa ăn vừa chơi: Bạn nên để ý xem trẻ thích ăn món gì và từ đó chế biến theo nhiều cách thức khác nhau, nhưng cũng phải đổi món thường xuyên để trẻ không ngán. Thông thường, khi ăn một món mới, trẻ sẽ không thích, bạn nên ngồi cùng bàn với trẻ, trò chuyện và chơi đùa, để trẻ quen dần với việc ăn uống.
- Kết hợp với đồ chơi: Có thể mua những bộ đồ chơi mà trẻ thích nhưng không cho trẻ chơi liền mà để đến bữa ăn mới mang ra và khuyến khích trẻ ăn nhanh để còn có thời gian chơi. Khi gia đình có trẻ biếng ăn, nên chế biến thức ăn theo nhiều cách khác nhau cho đến khi chúng thích thú. Hãy kiên nhẫn và không nản lòng.
Lời khuyên cho các bà mẹ
Nếu con của bạn biếng uống sữa, liệu có thể thay bằng thức ăn đặc cho bé không? Khi bé được 4 tháng tuổi bạn có thể cho bé ăn dặm, không nên cho ăn sớm hơn vì hệ thống tiêu hóa của trẻ chưa phát triển đầy đủ. Đầu tiên chỉ nên cho khoảng 2 muỗng cà phê bột ngũ cốc vào sữa nhằm xem trẻ tiêu hóa tốt không. Liều lượng tăng dần theo tuổi của trẻ.
Đừng bao giờ cho trẻ ăn lòng trắng trứng, các loại hạt và các thức ăn chứa nhiều canxi khi trẻ dưới 2 tuổi. Bởi vì ở độ tuổi này trẻ thường dễ dị ứng với các loại thức ăn trên.
Việc cho ăn thức ăn đặc lệ thuộc vào nhu cầu của mỗi bé. Tốt hơn hết là nên cho ăn khi trẻ 6 tháng tuổi, ở độ tuổi này cơ thể trẻ quen với các loại thức ăn đặc.
Nếu con bạn bị táo bón, bạn sẽ xử lý ra sao?
Táo bón xảy ra khi cơ thể trẻ không đủ nước hoặc ăn không đủ các chất xơ. Nên cho trẻ uống nhiều nước trái cây, tốt nhất là tự vắt các loại trái cây tại nhà. Có thể thêm dần các loại nước trái cây vào sữa để trẻ quen dần.
Khi nào có thể cho trẻ ăn các loại thức ăn có muối, nước tương, bột nêm?
Bạn không nên cho trẻ tiếp xúc với các loại thức ăn có các loại gia vị sớm vì làm như vậy trẻ sẽ quen và sau này chỉ ăn những loại thức ăn có gia vị. Tuy nhiên nếu cần thiết bạn có thể nêm một ít gia vị. Đối với trẻ dưới 12 tháng tuyệt đối không nên dùng gia vị vì ở độ tuổi này thận của bé không thể bài tiết muối. Thay vào đó có thể sử dụng các loại rau nêm và các chế phẩm gia vị cho trẻ em. Những chế phẩm này giúp cho trẻ ăn ngon miệng mà vẫn bảo đảm sức khoẻ.
Làm sao để trẻ có thể quen được với các loại thức ăn mới?
Một số trẻ phải mất đến 20 lần mới có thể quen với những loại thức ăn mới, nên bạn phải thật kiên nhẫn. Trong những lần đầu nên thêm vài loại thành phần mới vào thức ăn để trẻ quen dần. Chế biến thức ăn theo nhiều cách thức khác nhau và tìm ra những món nào làm chúng khoái khẩu.
Phải làm sao khi trẻ không chịu ngồi vào bàn ăn trong giờ ăn với gia đình?
Nên có những chiếc ghế đặc biệt cho trẻ, những tách đĩa màu sắc, bộ đồ chơi dao nĩa... khi cho bé ngồi vào bàn ăn. Trẻ em thường bắt chước người lớn. Khi trẻ có những thần tượng anh hùng thì bảo với trẻ các anh hùng này muốn con phải ăn thật nhiều và điều này giúp trẻ ăn nhanh hơn. Cố gắng tập cho trẻ ăn đúng giờ. Bạn hãy nhờ trẻ phụ cha mẹ dọn bàn ăn để trẻ cảm thấy việc ăn uống chỉ là thói quen hàng ngày, không có gì là bắt buộc.
Trẻ có thể ăn nhiều bao nhiêu?
Trẻ 6 tháng tuổi đến 1 năm
- Tinh bột: Nửa chén cháo (nấu với rau, thịt)
- Thịt: 2 thìa cà phê thịt bằm
- Rau củ: 2 thìa cà phê rau củ xay
- Sữa: 210ml/lần với 3 lần/ngày
Trẻ từ 1 đến 2 tuổi:
- Tinh bột: Nửa chén đến một chén cháo đặc
- Thịt: 2 đến 3 thìa cà phê thịt bằm
- Rau: 2 đến 3 thìa cà phê rau củ xay
- Sữa: 210ml/lần với 3 lần/ngày
Trẻ từ 2 đến 3 tuổi:
- Tinh bột: 1 đến 3/2 chén cháo đặc
- Thịt: 4 thìa cà phê thịt bằm
- Rau củ: 4 thìa cà phê rau củ xay
- Sữa: 210ml/lần với 2 lần/ngày
Theo Dinhduong