Không bậc cha mẹ nào muốn cho con cái tiêu thụ những thực phẩm có chứa thành phần caffein. Nhưng thực phẩm chứa caffein lại xuất hiện khắp mọi nơi, trong chocolate, các loại nước ngọt, nước trà, cacao sữa, kem, cà phê, yaourt đông lạnh, chocolate nóng, bơ đậu phộng..., thậm chí cả trong một số chủng loại thuốc.
Caffein là hóa chất tự nhiên tìm thấy trong lá trà, cacao. Nó còn là thành phần dùng để chế biến chocolate và dùng để tạo mùi cho soda, cola... Tại Mỹ, trẻ em không được khuyến khích dùng thức uống có chứa thành phần này. Còn tại Canada, trẻ chưa đến tuổi đi học không được dùng quá 45mg caffein/ngày, tương đương với lượng caffein trung bình hiện hữu trong 355 ml/1lon soda hoặc 43mg/1 thanh chocolate sữa.
Tuy nhiên, caffein là chất gây nghiện nên có sức hấp dẫn với trẻ. Nếu cho trẻ tiêu thụ nhiều thực phẩm có chứa caffein sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với sức khỏe? Và cách tốt nhất để hạn chế chúng với trẻ nhỏ là gì?
Ảnh hưởng với sức khỏe
Có khuynh hướng xảy ra ngang nhau giữa người lớn và trẻ em, nếu tiêu thụ quá nhiều. Caffein làm cho tâm trạng trở nên bồn chồn và bất an, rối loạn hoạt động của bao tử, gây nhức đầu, mất khả năng tập trung, khó ngủ, tăng huyết áp, làm tăng nhịp tim.
Đặc biệt là ở trẻ nhỏ, caffein còn làm gia tăng nguy cơ bị béo phì khoảng 69%, khi tiêu thụ 355ml/ngày thức uống chứa caffein. Trẻ có thể suy dinh dưỡng do trong các thực phẩm này không chứa calorie, chất khoáng và vitamin cần thiết cho cơ thể. Đặc biệt, nếu trẻ uống quá nhiều soda có thể gây thiếu hụt lượng canxi trong cơ thể, thực phẩm quan trọng giúp khỏe khung xương và răng. Trong thức uống chứa caffein có hàm lượng đường cao khiến răng rất dễ bị sâu, mục vì hàm lượng đường cao và gây xói mòn men răng do acid. Ngoài ra, caffein là thức uống lợi tiểu làm cho cơ thể bài tiết nước tiểu nhiều hơn, có thể góp phần tạo nên hiện tượng khử nước trong cơ thể. Vì thế, vào mùa nóng, cơ thể tiết nhiều mồ hôi, lượng nước thiếu hụt và cần thay thế, để đảm bảo an toàn nên tránh cho trẻ tiêu thụ thức uống chứa nhiều caffein.
Trẻ có tiền sử bệnh tim, thức uống chứa caffein sẽ làm tăng nhịp tim, tim hoạt động nhiều sẽ mệt hơn. Không những thế, khi hấp thụ thức uống vào cơ thể, sau vài giờ caffein được thải qua đường nước tiểu, ở trẻ nó có thể lưu trữ lâu hơn, khoảng 6 tiếng đồng hồ, nếu trẻ có thể trạng nhạy cảm sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Hạn chế tiêu thụ
Bạn có thể căn cứ theo bảng phân loại thành phần caffein có trong một số thực phẩm để kiểm soát lượng caffein tiêu thụ của trẻ. Đầu tiên, bạn cần hạn chế thức uống soda đồng thời thay thế bằng nước lọc, nước tinh khiết, sữa, nước hoa quả... Có thể cho trẻ uống có giới hạn thức uống chứa caffein vào những dịp đặc biệt như: tiệc tùng, sinh nhật... Lượng caffein có trong chocolate không cao lắm nên bạn vẫn có thể cho trẻ ăn hợp lý và điều độ.
Trẻ em từ 10 đến 12 tuổi không nên tiêu thụ quá 85mg/ngày và đặc biệt hạn chế tối đa trẻ dưới 5 tuổi dùng các loại thức uống có chứa caffein. Khi cho trẻ dùng các thức ăn hoặc đồ uống có chứa caffein, hãy thử một lượng nhỏ xem trẻ có phản ứng gì không. Và khi mua thực phẩm, hãy chọn các sản phẩm có lượng caffein thấp.
Thành phần caffein hợp lý trong một số thực phẩm
1. Sữa chocolate: 8mg
2. Bơ đậu phộng: 6mg
3. Sữa cacao: 5mg
4. Pepsi: 38mg
5. Chocolate sữa: 6mg
6. Coca- cola loại ăn kiêng: 46mg
7. Trà: 36mg
8. Chocolate đen: 20mg
9. Nước trà đá: 70mg
Nguồn: Tạp chí Sức khoẻ gia đình