Tên chung quốc tế:Potassium iodide
Mã ATC:V03A B21, S01X A04, R05C A02
Loại thuốc:Thuốc trị cường giáp
Dược lý và cơ chế tác dụng:
Ở người bệnh cường giáp, kali iodid làm giảm nhanh các triệu chứng bằng cách ức chế giải phóng hormon giáp vào tuần hoàn. Tác dụng của kali iodid trên tuyến giáp bao gồm giảm phân bố mạch máu, làm chắc mô tuyến, co nhỏ kích thước tế bào, tái tích lũy chất keo trong các nang và tăng iod liên kết. Những tác dụng này có thể tạo thuận lợi cho việc cắt bỏ tuyến giáp, nếu dùng thuốc trước khi phẫu thuật.
Nếu uống trước và sau khi dùng các đồng vị iod phóng xạ, kali iodid bảo vệ được tuyến giáp bằng cách ngăn cản thu nạp đồng vị phóng xạ. Nếu dùng kali iodid đồng thời với tiếp xúc phóng xạ, tác dụng bảo vệ xấp xỉ 97%. Nếu dùng kali iodid 12 và 24 giờ trước khi tiếp xúc phóng xạ thì tác dụng bảo vệ tương ứng là 90% và 70%. Tuy nhiên, nếu dùng kali iodid 1 và 3 giờ sau khi tiếp xúc phóng xạ thì tác dụng bảo vệ tương ứng là 85% và 50%. Nếu uống sau 6 giờ thì tác dụng bảo vệ không đáng kể.
Các iod được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa. Nồng độ các iodid trong máu đặc biệt thấp (0,2-0,4 mcg/dl). Kali iodid được hấp thu tốt khi uống và được bài tiết qua thận. Tác dụng của kali iodid trên chức năng tuyến giáp thường xuất hiện trong vòng 24 giờ và đạt tối đa sau 10-15 ngày điều trị liên tục; tuy nhiên thuốc không kiểm soát được hoàn toàn các biểu hiện của chứng cường giáp và tác dụng của thuốc giảm đi sau một thời gian.
Kali iodid qua được nhau thai và bài tiết vào sữa.
Dạng thuốc và hàm lượng:
Dung dịch uống 1g/ml; siro 325 mg/5 ml; viên nén 130 mg; viên bao tan ở ruột 300 mg.
Độ ổn định và bảo quản:
Bảo quản thuốc dưới 40oC, tốt nhất là trong khoảng 15-30oC, trong lọ hoặc hộp kín, tránh ánh sáng. Hiện tượng kết tinh có thể xảy ra trong dung dịch kali iodid uống ở điều kiện bảo quản bình thường, đặc biệt khi để trong tủ lạnh; tuy nhiên, làm ấm và lắc, tinh sẽ tan trở lại. Kali iodid bị ôxy hóa có thể giải phóng iod tự do làm cho dung dịch chuyển màu vàng nâu. Nếu dung dịch bị chuyển màu phải vứt bỏ.
Chỉ định:Kali iodid được chỉ định trong:
Điều trị cường giáp trước khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp hoặc để điều trị cơn nhiễm độc giáp (cùng với thuốc kháng giáp).
Được dùng làm chất bảo vệ tuyến giáp chống nhiễm xạ trước và sau khi uống hoặc hít các chất đồng vị phóng xạ iod hoặc trong trường hợp cấp cứu phóng xạ.
Điều trị thiếu hụt iod.
Điều trị bệnh nấm da do Sporotrichium.
Điều trị ban đỏ nốt.
Kali iodid được dùng cùng với một thuốc kháng giáp trạng để làm thoái triển tuyến giáp trước khi cắt bỏ tuyến này.
Kali iodid cũng đã được dùng làm thuốc long đờm nhưng không thấy rõ tác dụng.
Liều lượng và cách dùng:
Điều trị cường giáp trước khi phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp:(phối hợp với 1 thuốc kháng giáp cho trước để ngăn chặn iod sát nhập vào dự trữ mới hormon): Iod có thể cho dưới dạng dung dịch kali iodid mỗi ml chứa 130 mg iod tự do và phối hợp; 1 liều 0,1-0,3 ml cho vào sữa hoặc nước ngày uống 3 lần trong 7-14 ngày. Một cách khác, liều gợi ý ở trên được cho tới 250 mg ngày 3 lần với thức ăn.
Điều trị cơn nhiễm độc giáp,kali iodid đã được dùng phối hợp với 1 thuốc kháng giáp cho 1 giờ trước khi dùng thuốc iod. Liều: 50-100 mg ngày 2 lần.
Bảo vệ tuyến giáp chống nhiễm xạ:
Người lớn: Uống 100-150 mg 24 giờ trước khi dùng hoặc tiếp xúc với iod phóng xạ, sau đó, uống mỗi ngày 1 lần trong 3-10 ngày.
Trẻ em dưới 1 tuổi: Uống 65 mg, 1 lần/ngày trong 10 ngày sau khi dùng hoặc tiếp xúc với iod phóng xạ. Trẻ em từ 1 tuổi trở lên: Uống 130 mg, 1 lần/ngày trong 10 ngày sau khi dùng hoặc tiếp xúc với iod phóng xạ.
Chống nấm:
Người lớn: Uống 600 mg, 3 lần/ngày, liều có thể tăng từng 60 mg cho mỗi liều, cho tới liều tối đa có thể dung nạp được.
Trẻ em: Chưa xác định được liều.
Bổ sung iod:
Người lớn: Uống từ 5-10 mg/ngày.
Trẻ em: Uống 1 mg/ngày.
Uống thuốc sau bữa ăn hoặc uống cùng với thức ăn hay sữa để giảm kích ứng dạ dày.
Tương tác thuốc:
Dùng đồng thời kali iodid với thuốc kháng giáp có thể gây thiểu năng tuyến giáp và tăng tác dụng gây bướu giáp của thuốc kháng giáp hoặc kali iodid. Cần định kỳ xác định tình trạng tuyến giáp để phát hiện những thay đổi trong đáp ứng tuyến giáp – tuyến yên.
Sử dụng kali iodid cùng với captopril, enalapril, lisinopril có thể làm tăng kali huyết, do đó cần phải theo dõi thường xuyên nồng độ kali huyết.
Dùng các thuốc lợi tiểu giữ kali cùng với kali iodid có thể làm tăng kali huyết và loạn nhịp tim hoặc ngừng tim.
Sử dụng kali iodid cùng với lithi có thể gây giảm năng tuyến giáp và gây bướu giáp.
Thời kỳ mang thai:
Kali iodid qua được nhau thai, vì vậy việc sử dụng thuốc trong khi mang thai có thể gây giảm năng giáp và/hoặc bướu giáp bẩm sinh. Không nên dùng thuốc trong thời kỳ mang thai.
Thời kỳ cho con bú:
Kali iodid vào sữa và có thể gây ban da, ức chế tuyến giáp ở trẻ sơ sinh. Vì vậy không được cho con bú.
Tác dụng không mong muốn:
Sử dụng kali iodid thời gian ngắn với liều thấp, thường ít gây tác dụng không mong muốn nhưng khi điều trị dài ngày, độc tính của kali iodid có thể xảy ra.
Thường gặp, ADR > 1/100
Tiêu hóa: Ỉa chảy, buồn nôn, nôn, đau dạ dày.
Ít gặp, 1/1000 < ADR < 1/100
Máu: Tăng bạch cầu ưa eosin.
Da: Mày đay.
Hệ bạch huyết: Sưng hạch bạch huyết.
Cơ quan khác: Sưng cánh tay,mặt, chân, môi, lưỡi, và/hoặc sưng họng; đau khớp.
Hiếm gặp (khi dùng kéo dài), ADR < 1/1000
Toàn thân: Đau đầu nặng.
Tiêu hóa: Tăng tiết nước bọt, nóng bỏng miệng, vị kim loại, đau răng lợi.
Da: Lở loét da.
Tuần hoàn: Nhịp tim không đều.
Cơ quan khác: Lú lẫn, tê, đau nhói dây thần kinh, đau hoặc yếu tay, chân, mệt mỏi bất thường, cảm giác nặng ở hai cẳng chân.
(Theo cimsi)