Tên gốc: Metoprolol
Biệt dượcLOPRESSOR, TOPROLXL
Nhóm thuốc và cơ chế: là thuốc chẹn bêta - adrenergic, phong bế tác dụng của hệ thần kinh giao cảm trên tim. thuốc làm giảm nhịp tim, điều trị loạn nhịp nhanh. Metoprolol cũng làm giảm áp lực co cơ tim, metoprolol làm giảm nhu cầu oxy của cơ tim, nên có tác dụng điều trị đau thắt ngực.
Dạng dùng: viên nén 50mg, 100mg, 200mg.
Bảo quản: nhiệt độ phòng.
Chỉ định: điều trị cao huyết áp, đau thắt ngực liên quan đến bệnh mạch vành. Nó cũng dùng để làm giảm và điều hoà loạn nhịp nhanh, phòng đau nửa đầu và các thể run (run vô căn, run có tính chất gia đình hoặc di truyền).
Cách dùng và liều dùng: uống trước bữa ăn hoặc trước lúc đi ngủ.
Tương tác thuốc: Metoprolol làm tăng khó thở ở bệnh nhân hen, viêm phế quản mạn tính hoặc tràn khí phổi. Metoprolol gây nhịp chậm nguy hiểm ở bệnh nhân đã chậm nhịp và blốc tim (mất dẫn truyền điện trong tim). Metoprolol làm giảm áp lực co cơ tim và gây trầm trọng triệu chứng suy tim. Dùng đồng thời Metoprolol với các chất chẹn kênh canxi và digoxin có thể gây tụt huyết áp và chậm nhịp tới mức nguy hiểm. Ngừng dùng metoprolol ở bệnh nhân bệnh mạch vành làm nặng đột ngột cơn đau thắt ngực và thường gây cơn đau tim, vì vậy cần giảm liều từ từ trong vài tuần khi ngừng dùng thuốc. Metoprolol có thể che lấp các triệu chứng cảnh báo sớm của hạ đường huyết, cần thận trọng khi dùng metoprolol cho bệnh nhân đái đường. Metoprolol không gây quen thuốc. Độ an toàn của metoprolol ở trẻ em chưa được thiết lập.
Đối với phụ nữ có thai: không được dùng metoprolol cho thai phụ.
Tác dụng phụ: Metoprolol dung nạp tốt, tác dụng phụ thường nhẹ và chóng tàn. Hiếm gặp các tác dụng phụ như đau bụng, ỉa chảy, táo bón, mệt mỏi, mất ngủ, buồn nôn, trầm cảm, mơ, giảm trí nhớ, sốt, bất lực, mê sảng, chậm nhịp, hạ huyết áp, lạnh đầu chi, đau họng, thở nông và khò khè.
(Theo cimsi)
Bài thuộc chuyên đề: Tim mạch