Theo bác sĩ Hồ Mai Hoa - Trưởng phòng khám Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên và nam học - Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, Sở Y tế Hà Nội , hiện nay thị trường thuốc tránh thai rất đa dạng, nhiều người không biết nên lựa chọn loại thuốc nào và sử dụng thế nào cho đúng. Những câu hỏi xung quanh biện pháp ngừa thai vẫn luôn là dấu hỏi với không ít phụ nữ.
Hiện nay thuốc tránh thai được chia làm hai loại: thuốc tránh thai dành cho người không cho con bú và thuốc tránh thai dành cho người đang cho con bú. Trong đó, người không cho con bú dùng dạng thuốc tránh thai phối hợp chứa cả estrogen và progesterone, có tác dụng ngăn cản hiện tượng rụng trứng và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt. Thuốc dạng này đa dạng về chủng loại, chủ yếu phân loại dựa vào hàm lượng estrogen trong đó.
"Trước đây có các dạng thuốc tránh thai chứa 50 microgram estrogen. Những thuốc dạng này có nhiều tác dụng phụ. Gần đây, xuất hiện nhiều loại thuốc có hàm lượng estrogen thấp, chỉ có khoảng 30, thậm chí 20 microgram estrogen. Các loại thuốc này ít hoặc hầu như không có tác dụng phụ mà vẫn đảm bảo tránh thai hiệu quả, còn làm da mịn, ít mụn và giảm cân, được chị em ưa dùng", bác sĩ Hoa nói.
Ngoài ra, còn có loại thuốc tránh thai chỉ chứa progesterone. Đây là dạng thuốc tránh thai đơn thuần dùng cho phụ nữ đang cho con bú, vì nội tiết tố estrogen không có trong thuốc, như thế sẽ không ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Thuốc tránh thai thường có hai dạng 21 viên và 28 viên. Về cơ bản hai loại này giống nhau, đều có 21 viên chứa nội tiết tố, riêng loại 28 viên thì chứa thêm 7 viên thuốc giả dược hoặc viên sắt. Uống vỉ 21 viên rồi nghỉ 7 ngày, trong thời gian này sẽ có kinh. Loại 28 viên uống hết rồi uống sang vỉ mới, kinh nguyệt xuất hiện vào lúc uống 7 viên cuối cùng. Dù vòng kinh nào cũng sẽ được điều hòa theo số viên thuốc và lượng nội tiết trên vỉ thuốc.
Cách sử dụng viên tránh thai là uống viên đầu tiên vào ngày đầu tiên của chu kỳ kinh, mỗi ngày một viên, uống vào buổi tối. Nếu quên 1 viên thì ngày tiếp theo uống bù. Nếu quên 2 viên thì uống bù 2 ngày liên tiếp, lưu ý tổng mỗi ngày uống bù chỉ được 2 viên. Quên 3 viên thì bỏ, chuyển sang vỉ mới và sử dụng thêm biện pháp tránh thai khác đề phòng.
"Cơ chế hoạt động của thuốc tránh thai là làm đặc chất nhầy ở cổ tử cung, tạo ra một \'hàng rào\' ngăn cản lượng tinh trùng rất lớn vào cổ tử cung. Nó làm ức chế trứng chín và sự rụng trứng. Nó cũng làm mỏng niêm mạc tử cung trong những ngày đáng ra niêm mạc phải dày. Cho nên giả sử nếu trứng có vào làm tổ thì niêm mạc quá mỏng như thế trứng cũng không làm tổ được. Kinh nguyệt xuất hiện trong thời gian uống thuốc tránh thai chỉ là kinh \'nhân tạo\', không có sự rụng trứng", bác sĩ Hoa giải thích.
Cũng theo bác sĩ Hoa, thuốc tránh thai thực ra cũng là thuốc điều hòa nội tiết. Do vậy những người có vòng kinh thất thường như 20 ngày một lần, 40 ngày, thậm chí bế kinh cũng được các bác sĩ chỉ định dùng thuốc tránh thai để tạo ra vòng kinh "nhân tạo". Lúc này các bác sĩ sẽ cho dùng thuốc "mồi" trong 3 tháng đầu, để nang trứng hoạt động, sau đó ngừng để kinh nguyệt xuất hiện tự nhiên, tức là có sự rụng trứng.
Thuốc tránh thai, đặc biệt là thuốc tránh thai phối hợp không dùng cho chị em bị tim, huyết áp, nội tiết, gan, thận, các bệnh về mạch máu (sưng đau cơ đùi, bắp chân), người có các dấu hiệu bất thường ở âm đạo, đau nửa đầu dữ dội. Dĩ nhiên, tất cả các trường hợp nghi ngờ có thai, có các khối u (u vú, u tử cung, buồng trứng) thì cũng không dùng. Thêm vào đó người đang điều trị bệnh lao và các thuốc thần kinh thì cũng không nên uống thuốc tránh thai vì sẽ làm tương tác thuốc.
"Một khi đã xác định sử dụng thuốc tránh thai như một biện pháp ngừa thai thì cần lưu ý, trước tiên với các chị em vừa nạo phá thai nếu chắc chắn không còn sót thai trong người thì có thể uống thuốc tránh thai ngay sau đó. Với chị em đang cho con bú (chưa hành kinh) thì trước khi uống phải đảm bảo mình không có thai", bác sĩ Hoa nhấn mạnh.
Khi dùng những vỉ tránh thai đầu tiên, người phụ nữ sẽ cảm thấy hơi buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, đau ngực, hơi ra máu kinh nguyệt ít hơn bình thường... Những hiện tượng này chỉ xảy ra trong vài tháng đầu, nếu uống quen sẽ hết các tác dụng phụ này. Theo ý kiến của bác sĩ Hoa, các chị em có thể sử dụng thuốc tránh thai lâu dài nhưng tuyệt đối phải đi khám thường xuyên. Nếu có bất thường, bác sĩ bảo dừng thuốc thì phải dừng.
"Đối với các cặp tiền hôn nhân, vợ chồng đang muốn kế hoạch chưa sinh con thì tốt nhất nên dùng bao cao su. Nếu có sử dụng thuốc tránh thai thì cũng nên chọn loại có hàm lượng estrogen thấp nhất. Lúc muốn có thai phải dừng uống thuốc trước thời điểm mong muốn có thai 3 tháng để buồng trứng trở lại bình thường", bác sĩ Hoa cảnh báo.
Vị này cho biết thêm, với các bé gái trong độ tuổi dậy thì, vị thành niên, chuyện kinh nguyệt không đều là bình thường, không nhất thiết phải điều trị. Nếu muốn điều trị có thể sử dụng các thực phẩm chức năng và bài thuốc Đông y. Những loại này sẽ giúp khơi dậy tính năng của tất cả các bộ phận để cơ thể có thể hoạt động bình thường, mà không gây tác dụng phụ. Không nên dùng thuốc tránh thai để ổn định vòng kinh hay giảm đau bụng kinh.
Theo Kiến thức gia đình