Kem chống nắng: dùng "sai một ly, đi một dặm"
Vì thế, dùng kem chống nắng là cách bảo vệ da hữu hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian bảo vệ da của kem chống nắng thường ngắn hơn so với con số nhà sản xuất ghi, và ít khi bạn bôi đủ số lượng cần thiết.
Chỉ số SPF bao nhiêu là vừa?
Khả năng bảo vệ da của kem chống nắng được đo bằng chỉ số SPF (sun protection factor) - khả năng bảo vệ làn da khỏi tác động của tia cực tím từ mặt trời. Đó là hai loại tia cực tím UVB và UVA (khả năng ngăn tia này thể hiện bằng ký hiệu PA) rất độc hại cho da, có thể gây bỏng da, đen sạm và tăng nguy cơ ung thư da. Chỉ số SPF thể hiện định mức đo lường thời gian trung bình da bạn được bảo vệ, chứ không phải là khả năng chống nắng nhiều hay ít.
Bình thường, khả năng chống nắng tự nhiên của da từ 10-15 phút, mỗi độ chống nắng SPF có khả năng bảo vệ da từ 10-15 phút. Như vậy, nếu dùng loại kem có SPF 30 bạn sẽ được bảo vệ trong 300 phút (theo công thức 10x30). Tuy nhiên, TS-BS Lê Ngọc Diệp, Trưởng phòng khám Da liễu cơ sở II, ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng, cho dù SPF là 15 hay 90, bạn cũng nên dùng một lượng kem như nhau, ngoài ra bạn phải bôi đều và dày thì kem mới có tác dụng. Trong thời gian sử dụng, lớp kem dễ bị trôi do mồ hôi, do tiếp xúc với không khí, vì vậy, cần thoa kem hai giờ một lần.
Da nào kem chống nắng nấy
Với những ai ít tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, chỉ nên dùng loại kem có độ SPF từ 20-30 là phù hợp. Nếu dùng cao hơn, thì da dễ sinh mụn, vì lớp màng chống nắng làm cho mồ hôi không thoát ra được, gây bít lỗ chân lông. Nếu phải tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng như thường xuyên đi dưới trời nắng, chơi thể thao hoặc tắm biển… cần những loại kem có chỉ số SPF cao hơn, vì đa số mọi người bôi kem không đúng cách hoặc không đủ, không thường xuyên.
Ngoài ra, không phải mọi loại da đều có thể dùng cho một loại kem chống nắng, cũng như không phải kem chống nắng càng đắt tiền thì càng tốt. Điều quan trọng là loại kem đó phải phù hợp với da bạn và không gây kích ứng da. Lưu ý, nếu da dầu, nên chọn loại kem chống nắng không dầu để da không bị bóng nhờn, không bức bí, gây mụn. Ngược lại, nếu da khô nên chọn loại kem có thành phần dưỡng mềm để da không bị nhăn.
Dù trời không nắng, BS Lê Ngọc Diệp khuyên bạn vẫn phải thoa kem chống nắng, bởi các tia cực tím có thể xuyên qua mây để làm hại da bạn. Tốt nhất, nên thoa kem trước khi ra nắng khoảng 20-30 phút và không nên quên thoa cả phần tai, sau lưng và chân.
Hiện nay nhiều nhà sản xuất kết hợp giữa các loại mỹ phẩm dưỡng với kem chống nắng như kem dưỡng, phấn nền, phấn phủ… nhưng thông thường khả năng chống nắng không cao và dễ mất tác dụng khi mỹ phẩm trôi, bay. Vì thế, bạn phải dùng kem chống nắng lót bên dưới, sau đó mới thoa mỹ phẩm khác lên trên để bảo vệ da hiệu quả.
An toàn khi sử dụng
Không nên chọn loại kem có chứa axit para-aminobenzoic (PABA) nếu bạn dễ bị dị ứng với các thành phần của chúng. Với trẻ em, do biểu bì chưa hoàn chỉnh nên da mau bị phỏng, việc chống nắng cần tích cực hơn. Những người mắc chứng viêm tuyến bã nhờn hoặc bị mụn trứng cá, nên hạn chế dùng kem chống nắng, vì các chất giữ ẩm có trong kem khi tiếp xúc với vùng da bị thương dễ gây dị ứng và nhiễm trùng.
Theo Kiến Thức