UXTC là một loại u lành tính và thường không phát triển thành ung thư. Tuy nhiên,nếu thấy có những bất thường xảy ra như rối loạn kinh nguyệt, đi tiểu nhiều lần, tiểu tiện khó… là UXTC đã gây ra biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguyên nhân nào gây UXTC?
Vì sao phụ nữ bị UXTC hiện nay vẫn chưa rõ, song nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân phát sinh UXTC là do nồng độ estrogen trong cơ thể tiết ra nhiều và hoạt động mạnh dẫn đến tăng sinh tổ chức cơ và niêm mạc tử cung. Chính vì vậy khối u xơ có thể nhỏ lại và teo mất đi khi người phụ nữ đã mãn kinh. Một số tài liệu cho rằng, UXTC liên quan đến sức khỏe sinh sản: sẩy thai nhiều lần, hiếm muộn, vô sinh, phụ nữ sinh đẻ ít... có nguy cơ gây UXTC. Tuy vậy bệnh vẫn gặp ở phụ nữ đẻ nhiều con. Một số trường hợp đang mang thai nếu bị UXTC có thể dẫn đến một số nguy cơ như ngôi thai bất thường, sinh non, nhau thai bám ở vị trí bất thường (nhau tiền đạo, nhau cài răng lược…) Có thể thấy UXTC ảnh hưởng đến thiên chức làm mẹ, sức khỏe và chất lượng sống của phụ nữ. UXTC thường được phát hiện khi đi khám bệnh định kỳ. Bạn cũng có thể tự kiểm tra và phát hiện UXTC khi nằm ở tư thế ngửa, sờ thấy khối u nổi lên dưới lớp da bụng, nếu day nhẹ có cảm giác đau để phòng biến chứng và được điều trị nếu biết tầm soát sớm.
U xơ tử cung
Nhận biết u xơ tử cung
UXTC có thể nằm ở phần thân tử cung (96%), eo tử cung (1%), cổ tử cung (3%) cũng có thể nằm trong lớp cơ tử cung, nằm dưới lớp niêm mạc của buồng tử cung, có thể có cuống, làm cho khối u xơ giống như một dạng polype, thòng vào trong lòng tử cung. Khi khối u xơ nhỏ, người phụ nữ hoàn toàn không có bất cứ triệu chứng bệnh lý nào và có thể “chung sống” với nó.
Tuy nhiên, sự phát triển của khối u chịu ảnh hưởng của nội tiết tố estrogen, khi lượng estrogen tăng cao sẽ làm cho khối u phát triển to lên. Tùy theo độ lớn và vị trí của khối u gây áp lực lên thành tử cung, chèn ép lên các cơ quan của cơ thể gây ra những biểu hiện như: đau tức vùng hạ vị hoặc hố chậu, đau nhiều hơn trước hoặc trong khi hành kinh; đau tức vùng bụng dưới trong và sau khi giao hợp; bụng to ra trông như người đang mang thai khi khối u to, chèn lên dạ dày; Rối loạn tiểu tiện (bí tiểu, tiểu tiện nhiều lần, tiểu dắt, tiểu són) khi khối u chèn vào bàng quang, chèn vào niệu quản làm ứ đọng nước tiểu và gây táo bón khi khối u chèn vào trực tràng… Các bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc phương pháp điều trị phù hợp.
Phương pháp điều trị
Tùy thuộc vào vị trí, số lượng, kích thước và mức độ phát triển của khối u. Trường hợp UXTC nhỏ, tiến triển chậm, không biểu lộ triệu chứng, chưa gây biến chứng, phụ nữ trong độ tuổi mãn kinh UXTC sẽ không phát triển nữa… Do vậy, có thể không can thiệp bằng phẫu thuật, bệnh nhân được theo dõi, tái khám, điều trị nội khoa. Dùng thuốc để kích thích làm teo khối u hoặc sử dụng kỹ thuật xoắn để néo chân u xơ rồi đưa u xơ ra ngoài từ cổ tử cung.
Điều cần lưu ý là đối với những phụ nữ UXTC có kích thước lớn đang đến thời kỳ mãn kinh để u xơ ngừng phát triển cần thận trọng không nên sử dụng nội tiết có liên quan đến estrogen vì nhóm nội tiết này có thể làm cho UXTC phát triển to lên.
Trong trường hợp điều trị nội khoa không hiệu quả, khối u tử cung phát triển to, chèn ép các cơ quan lân cận, gây ra những biến chứng nghiêm trọng, cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật. Bóc tách nhân xơ bảo tồn tử cung hoặc có khi cắt một phần hay toàn bộ tử cung để loại bỏ hoàn toàn UXTC hoặc điều trị bằng phương pháp gây tắc động mạch nuôi khối u.
Theo SKDS