Tuổi càng cao thì bệnh thoái hóa khớp bàn và ngón tay càng dễ phát triển, nhất là nữ giới. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng nhưng đau, hạn chế vận động gây ảnh hưởng nhiều trong sinh hoạt và cuộc sống hàng ngày.
Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Bệnh thường xảy ra ở người trưởng thành, đặc biệt là người cao tuổi (NCT), trong đó nữ giới chiếm tỷ lệ khoảng 2/3. Nguyên nhân chủ yếu là do tuổi tác, một phần do đặc thù nghề nghiệp (nữ giới) và thiếu hụt canxi. Tuổi đời càng càng cao thì bệnh càng gia tăng do hiện tượng lão hóa các chức năng của cơ thể, đặc biệt đối với nữ giới do suy giảm lượng hormon sinh dục. Sự thoái hóa khớp là do lượng máu đến nuôi dưỡng vùng khớp nói chung và khớp bàn tay, ngón tay nói riêng giảm sút một cách đáng kể và từ từ làm cho tổ chức sụn khớp thiếu chất dinh dưỡng. Sự thiếu hụt ngày càng gia tăng thì sức chịu đựng của sụn khớp ngày càng giảm bởi các tác động hàng ngày, liên tục lên khớp. Những người phải làm việc nhiều như phụ nữ làm công việc nội trợ (giặt giũ, lao động tay chân...), béo phì, gia tăng trọng lượng... khi về già càng dễ mắc bệnh. Sự thoái hóa khớp cũng hay gặp ở bàn tay, ngón tay nào mà NCT vận động nhiều hơn. Nếu NCT thuận tay phải thì khớp bàn tay phải và khớp các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa cũng sẽ dễ bị thoái hóa hơn và biểu hiện nặng hơn so với các khớp bàn tay trái. Trong các trường hợp viêm đa khớp dạng thấp ở NCT thì thoái hóa khớp cổ tay, bàn tay, ngón tay cũng chiếm tỷ lệ cao hơn. Một nguyên nhân khác là do sự thiếu hụt canxi, đặc biệt là phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh và mãn kinh. Bệnh cũng có thể gặp ở NCT sau chấn thương, gãy xương, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút, đái tháo đường. Ngoài ra, thói quen ít vận động ở NCT càng tạo điều kiện cho các bệnh ở khớp phát triển, trong đó có thoái hóa khớp bàn tay, cổ tay...
Người cao tuổi tập thể dục nhẹ nhàng như múa quạt để phòng thoái hóa khớp bàn, ngón tay.
Biểu hiện của thoái hóa khớp bàn, ngón tay
Triệu chứng nổi bật là đau, cứng khớp. Đau xảy ra khi vận động, gọi là đau kiểu cơ học và giảm đau khi các khớp được nghỉ ngơi (không cử động, không vận động). Đau không dữ dội mà thông thường chỉ ở mức nhẹ hoặc trung bình, kéo dài khoảng từ 15 - 30 phút, có khi lâu hơn. Ngoài khớp bị đau, đôi khi còn bị sưng nhẹ. Cứng khớp thường biểu hiện rất rõ ràng, xuất hiện lúc mới ngủ dậy buổi sáng sớm hoặc sau giấc ngủ buổi trưa. Người bệnh khó cử động bàn tay hoặc cử động không mềm mại, uyển chuyển, dần dần khó thực hiện các thao tác trong sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm đồ vật không chắc (có khi bị rơi đồ vật), các cơ ở bàn tay, ngón tay bị teo nhỏ dần và các khớp bị biến dạng.
Để chẩn đoán bệnh thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay thì ngoài các triệu chứng lâm sàng còn có thể chụp Xquang, chụp CT hoặc cộng hưởng từ, tốc độ máu lắng, xác định yếu tố dạng thấp RF (Rheumatoid Factor)...
Phòng ngừa sao cho hiệu quả?
Khi đã được xác định thoái hóa khớp bàn và ngón tay, NCT cần khám bệnh định kỳ để được điều trị sớm. Dùng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, không tự động mua thuốc dùng vì thuốc điều trị thoái hóa khớp có nhiều tác dụng không mong muốn mà NCT không thể biết hết được.
Muốn phòng bệnh có hiệu quả, những NCT có nguy cơ cao bị thoái hóa khớp bàn tay, cổ tay (phụ nữ đã và đang làm việc chân tay nhiều, những người nội trợ...) nên tránh lao động nặng. Khi làm việc cần có thời gian để bàn tay nghỉ ngơi, không làm việc liên tục nhiều giờ liền. Trong cuộc sống hàng ngày hoặc trong lao động nếu có máy móc thay thế cho bàn tay thì nên tận dụng (ví dụ máy rửa bát đĩa, cối xay thịt...). Buổi sáng ngủ dậy nên tập thể dục nhẹ nhàng các khớp cổ tay, bàn tay và ngón tay như múa, vẩy tay... Nếu có điều kiện nên ngâm bàn tay vào nước muối sinh lý, ấm, mỗi ngày 2 lần (sáng và tối trước khi đi ngủ), mỗi lần khoảng 10 phút. Tránh để thừa cân béo phì bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý và năng vận động cơ thể.
Theo SKDS