Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Lão thính & máy trợ thính

 Nếu lựa chọn máy trợ thính phù hợp thì thính lực luôn được cải thiện. Tuy nhiên, mức độ cải thiện còn phụ thuộc vào mức độ khiếm thính.

Tuổi càng cao, các cơ quan trong cơ thể càng bị lão hóa, hệ thống thính giác cũng không ngoại lệ. Điều này lý giải việc nhiều người cao tuổi (NCT) bị lãng tai, nghễnh ngãng.

Theo điều tra bước đầu tại 3 tỉnh Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Ninh, mức suy giảm thính giác cần phải có máy trợ thính ở người có độ tuổi từ 60 tới 74 là 36,61% (đối với nam) và 27,38% (đối với nữ). Độ tuổi từ 75 tuổi trở lên, tỉ lệ này tăng lên đáng kể: nam là 65,08% và nữ là 57,60% (Kết nối cộng đồng cho người lão thính - Sức khỏe & Đời sống).

Lão thính là gì?

Khi tuổi trên 50, da ống tai ngoài dần bị teo, mất nước, ứ đọng ráy tai tạo thành nút ráy, trong khi đó màng nhĩ dày đục, mất bóng, xuất hiện các mảng xơ nhĩ, chuỗi xương con nằm trong tai giữa bị xốp, có hiện tượng canxi hoá các khớp xương làm cho việc dẫn truyền âm thanh bị giảm. Quá trình lão hóa làm tổn thương các tế bào nghe tại tai trong ngày càng nặng lên theo tuổi. Dây thần kinh thính giác và các mạch máu nuôi dưỡng cũng bị thoái hóa kết hợp với sự đặc dần của các ống xương mà nó đi qua làm cho chúng bị kẹp lại, hậu quả là quá trình lão hoá ngày một nhanh chóng. Vì thế, càng lớn tuổi mức độ nghe kém ngày càng tăng. Điếc do tuổi già được gọi là điếc già hay lão thính.

Làm sao phát hiện bị lão thính?

Hiện tượng giảm thính lực thường xảy ra rất chậm, không đi kèm theo triệu chứng như các bệnh khác. Nếu tai gặp phải những vấn đề sau đây, nên đi kiểm tra thính giác: có thể nghe ở những nơi yên tĩnh hoặc chỉ có hai người, nhưng gặp phải trường hợp khó nghe ở nơi đông người; hoàn toàn không nghe được gì, hoặc chỉ nghe loáng thoáng từng câu, từng chữ đứt quãng trong trường hợp ở những nơi như: sân khấu, nhà hát, chỗ họp đông người; khó khăn khi nghe âm thanh phát ra từ ti vi hoặc điện thoại trong khi đối với những người khác lại là quá to; khó khăn để hiểu những đối thoại của gia đình và bạn bè mỗi khi họp mặt; thường xuyên yêu cầu người khác lặp đi lặp lại câu nói họ vừa nói, luôn phải ghé đầu về phía người nói để lắng nghe; không thể nghe rõ ràng phát âm hoặc những lời nói cuối câu của người đối diện. Khi có những hiện tượng trên nên đi kiểm tra thính lực sớm.

Đeo máy trợ thính giúp cải thiện đáng kể chức năng nghe

Thức ăn nào có thể làm chậm quá trình lão thính?

Sau nhiều năm nghiên cứu vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân sinh lý ra, hiện tượng điếc ở NCT còn có liên quan đến việc ăn uống không hợp lý, nếu biết sớm chú ý điều chỉnh ăn uống thì có thể đề phòng được.

Ăn nhiều thức ăn chứa nhiều chất sắt: có thể làm giãn mạch máu, làm mềm các tế bào hồng cầu, bảo đảm tai được cung cấp đủ máu, qua đó ngăn chặn tình trạng giảm thính lực ở NCT. Các thầy thuốc đề nghị, ngay từ tuổi trung niên trở đi, nên ăn thêm các thức ăn giàu chất sắt như: mộc nhĩ đen, gan động vật, thịt nạc, rau cần, rau chân vịt…

Ăn nhiều thức ăn chứa chất kẽm: nguyên tố kẽm (Zn) có tác dụng vô cùng quan trọng đối với thính lực. Hàm lượng kẽm ở ốc tai cao hơn hẳn so với bất kỳ bộ phận nào khác trong cơ thể; nhưng khi ngoài 60 tuổi thì giảm đi rõ rệt, gây trở ngại cho hoạt động chức năng của ốc tai. Bởi vậy, khi sang tuổi trung niên nên ăn cá, đậu nành, rau cải, cà rốt, các loại hải sản, là thực phẩm chứa nhiều kẽm.

Bổ sung vitamin D: vitamin D có ảnh hưởng trực tiếp kỳ lạ đến thính lực của NCT. Các loại nấm và mộc nhĩ trắng (ngân nhĩ) đều chứa vitamin D2. Gan cá biển có hàm lượng vitamin D3 cao nhất; gan gia cầm, gia súc và trứng cũng chứa vitamin D3. Trong các mô da và mỡ người có chứa một chất dehydrocholesterol, sau khi được chiếu bởi tia cực tím trong ánh nắng mặt trời nó có thể hình thành vitamin D3. Bởi vậy, NCT cần thường xuyên ra nắng.

Phương pháp nào có thể cải thiện sức nghe?

Đối với NCT bị lão thính, máy nghe là biện pháp tốt nhất để cải thiện sức nghe. Mỗi năm ở Mỹ bán ra chừng hai triệu cái máy trợ thính, trong số đó chừng 80% là cho người trên 65 tuổi. Máy có nhiều loại, để dùng tùy trường hợp và sở thích, kể cả vấn đề thẩm mỹ. Nếu bị giảm thính lực cả hai bên (phần lớn các người già bị cả hai bên), thì nên đeo hai máy. Khuếch đại âm thanh từ hai bên tai về não, làm cho sự cảm nhận được hoàn hảo hơn.

Có bao nhiêu loại máy trợ thính?

- Theo hình dạng: máy hộp, máy trong tai, máy sau tai.

- Theo chức năng: máy analog, máy kỹ thuật số.

- Đeo trong tai:

+ Máy trợ thính trong tai (ITE).

+ Máy trợ thính trong ống tai (ITC).

+ Máy trợ thính hoàn toàn trong ống tai (CIC).

+ Máy trợ thính sử dụng một lần (extended wear - Lyric).

- Đeo sau tai:

+ Máy trợ thính đeo sau tai (BTE).

+ Máy trợ thính dùng “đôm” (open fitting).

+ Máy trợ thính với loa trong ống tai (CRT).

Nên sử dụng máy trợ thính như thế nào để nghe tốt?

- Kiểm tra tình trạng hoạt động của máy, kiểm tra pin.

- Tránh rơi rớt, để gần nơi nhiệt độ cao, hay ẩm ướt.

- Sử dụng đúng loại pin.

- Thường xuyên vệ sinh máy.

- Đem đến trung tâm bảo hành để kiểm tra định kỳ.

Máy trợ thính có khôi phục sức nghe như bình thường được không?

Máy trợ thính không thể chữa lành bệnh điếc hay khôi phục sức nghe như tai bình thường mà chỉ hỗ trợ để cải thiện tình trạng nghe kém, giúp cho nghe được âm thanh mà người bị khiếm thính không thể nghe thấy. Tuy nhiên, máy trợ thính cũng có những hạn chế nhất định về khoảng cách, tiếng ồn nền, và hiện tượng dội âm.

Đeo máy trợ thính thường xuyên có làm suy giảm sức nghe hoặc bị hỏng tai không?

Máy trợ thính kỹ thuật số được bác sĩ thính học hoặc chuyên viên trợ thính (kỹ thuật viên) hiệu chỉnh phù hợp với thính lực đồ của từng người sau khi đo thính lực và có được thính lực đồ. Cho nên, không có việc đeo máy trợ thính bị điếc tai, trừ trường hợp người hiệu chỉnh máy trợ thính thiếu khả năng chuyên môn, hoặc trường hợp đeo máy analog không đúng chỉ định.

Có cần phải đeo máy trợ thính khi chỉ nghe kém một chút (điếc nhẹ)?

Người nghe kém nhẹ ít khi biết mình bị nghe kém vì nghe kém nhẹ mất thính lực khoảng 20 - 40dB trong khi tiếng nói bình thường của chúng ta giao tiếp trong vòng 1m khỏang 40 - 60dB. Người nghe kém nhẹ cách 1 thước có thể nghe tiếng nói thường nhưng không nghe được tiếng nói thầm. Vì thế khi giao tiếp bình thường không cần máy nghe nhưng khi đi học, hội họp, và làm việc muốn nghe rõ phải có máy nghe.

Có nên đeo hai máy trợ thính không?

Người bình thường nghe bằng 2 tai, khi nghe kém 2 tai cũng nên mang máy trợ thính 2 tai. Mang máy 2 tai giúp định hướng âm thanh tốt hơn, không cần khuếch đại lớn như mang 1 tai vì vậy chất lượng âm thanh nhận được tốt hơn. Nghe trong môi trường ồn tốt hơn.

Tại sao nhiều trường hợp đeo máy không cải thiện được thính lực?

Nếu lựa chọn máy nghe phù hợp thì thính lực luôn được cải thiện. Tuy nhiên, mức độ cải thiện còn phụ thuộc vào mức độ khiếm thính. Nếu khiếm thính nặng và sâu thì máy nghe cải thiện sức nghe không tốt bằng điếc vừa và nhẹ. Trong các trường hợp điếc sâu, thường ngoài mang máy trợ thính còn kết hợp thêm học hình miệng, ra dấu và xúc giác để học tập và giao tiếp tốt hơn. Hoặc nếu có điều kiện có thể cấy điện ốc tai.

Ngoài máy trợ thính có các giải pháp hỗ trợ thính lực nào khác không?

Các giải pháp hỗ trợ thính lực khác máy trợ thính thường là phải can thiệp phẫu thuật như là cấy điện cực ốc tai (cochlear implant), máy trợ thính đường xương (bone-anchored hearing aid), cấy tai giữa (middle ear implant), hoặc giải pháp cấy tế bào mầm (stem cells).

Người nghe kém phải tập đeo máy trợ thính trong bao lâu?

Mang máy nghe cũng như để dị vật vào tai, lúc đầu rất khó chịu vì vậy phải tập dần cho đến lúc quen như người mang kính đôi khi không biết mình đang mang. Thường thì tuần đầu chỉ mang máy nghe 2 - 3 tiếng một ngày, sau đó tăng từ từ lên. Thời gian tập mang máy cũng tuy thuộc mỗi người. Thường thì sau khoảng 1 tháng có thể mang máy liên tục.

Bảng trắc nghiệm khả năng nghe trước khi tiếp cận với bác sĩ thính học:

- Bạn có cảm thấy khó nghe khi sử dụng điện thoại không?

- Bạn có cảm giác nghe bằng tai bên này thì rõ hơn nghe bằng tai bên kia không?

- Bạn có cảm thấy khó khăn khi cố gắng theo dõi câu chuyện có nhiều người cùng nói một lúc không?

- Bạn có thường bị người khác than phiền là đã vặn âm lượng TV hoặc radio quá to không?

- Bạn có cảm thấy căng thẳng khi lắng nghe người khác nói chuyện không?

- Bạn có cảm thấy khó nghe trong môi trường ồn ào hoặc ở nhà hàng không?

- Bạn có thường bị ù tai hay chóng mặt, nhức đầu không?

- Bạn có thường hay đề nghị người khác lặp lại những gì họ vừa mới nói không?

- Người nhà hay bạn bè của bạn có nhận xét là bạn thường bỏ sót lời họ nói không?

- Có bao giờ bạn cảm thấy mọi người xung quanh bạn đang lẩm bẩm điều gì mà bạn không nghe được hoặc không thể hiểu được không?

- Bạn có thường hiểu sai ý câu hỏi của người khác không?

- Bạn có cảm thấy tiếng nói của phụ nữ và con nít rất khó nghe không?

Nếu bạn có hơn hai câu trả lời là “Có”, bạn nên đi gặp bác sĩ thính học để kiểm tra sức nghe.

Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay