Tăng sinh lành tính tiền liệt tuyến hay còn gọi là phì đại tiền liệt tuyến lành tính là bệnh gặp ở nam giới từ tuổi trung niên, đặc biệt là nam giới cao tuổi. Bệnh gây nhiều phiền toái trong cuộc sống hàng ngày, ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể gây biến chứng.
Tiền liệt tuyến (TLT) là một bộ phận không thể thiếu của hệ thống sinh dục nam, là một tổ chức nhỏ bao quanh niệu đạo, nằm ở đáy bàng quang, phía sau xương mu, trước trực tràng, bao quanh đoạn đầu của niệu đạo. TLT có chiều cao khoảng 30mm, chiều rộng khoảng 40mm và độ dày khoảng 25mm. Đó là một tuyến chắc, hình quả hạt dẻ, khối lượng khoảng 20g.
Chức năng chính của TLT là tiết ra dịch nhầy trắng, khi kết hợp với tinh trùng sẽ tạo thành tinh dịch. Chất nhầy trắng do TLT tiết ra có tác dụng trung hòa môi trường axít loãng của tinh dịch, nhờ vậy tinh trùng có điều kiện dễ di chuyển từ âm đạo vào tử cung và vòi trứng.
Ở nam giới, TLT bắt đầu phát triển ở tuổi dậy thì, đến khoảng 20 - 25 tuổi có kích thước ổn định, từ tuổi 40 TLT có xu hướng tăng sinh chậm, không di căn (lành tính) và thường gây ra triệu chứng sau 50 tuổi.
Nguyên nhân tăng sinh TLT lành tính chủ yếu là do tuổi tác và có liên quan nhiều đến nội tiết tố nam giới, ngoài ra có thể do nam giới thường lạm dụng các chất thích (rượu, bia, thuốc lá, cà phê,…). Một số yếu tố như: viêm nhiễm, đặc biệt là viêm nhiễm do vi sinh vật gây ra (vi khuẩn, virút) có thể làm cho TLT to ra trong một thời gian nhất định và nếu được điều trị kịp thời, tiền liệt tuyến có thể trở về trạng thái ban đầu. Nếu không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm TLT bị viêm nhiễm sẽ trở thành viêm mạn tính, kéo dài, to ra gây không ít khó khăn cho người bệnh.
Triệu chứng
Tăng sinh TLT lành tính phất triển chậm, từ từ, vì vậy, triệu chứng xuất hiện cũng tương ứng với từng giai đoạn của bệnh. Các nhà chuyên môn chia bệnh cảnh của phì đại TLT thành 3 giai đoạn, tùy theo mức độ của bệnh. Đó là giai đoạn đầu (giai đoạn cơ năng) chưa có tổn thương thực thể, nhưng sự to ra của tiền liệt tuyến tác động vào cổ bàng quang, đoạn đầu của niệu đạo gây tiểu khó, nước tiểu chảy ra chậm, dòng nhỏ, yếu. Đôi khi tiểu không thành dòng mà bị ngắt quãng, đi tiểu xong còn nhỏ giọt, vì nước tiểu vẫn còn, do đó thời gian đi tiểu kéo dàivà rất buồn đi tiểu. Nhiều trường hợp tiểu bị són, đi tiểu nhiều lần, nhất là ban đêm, gần sáng.
Giai đoạn tiếp theo (giai đoạn 2) do ứ đọng nước tiểu lâu ngày vì cổ bàng quang bị TLT chèn ép và bàng quang bị giãn, vì vậy, đi tiểu khó hơn, nhiều lần hơn, gây hiện tượng đái rắt, són nhiều hơn. Ở giai đoạn này có thể bị nhiễm trùng bàng quang do nước tiểu ứ đọng kéo dài và có thể nhiễm trùng TLT kèm theo. Lúc này xuất hiện thêm các triệu chứng đái buốt, đái đục. Giai đoạn tiếp theo có thể có tổn thương thực thể hệ tiết niệu do TLT chèn ép cổ bàng quang ngày một nặng hơn bởi TLT càng ngày càng to ra, kèm theo ứ đọng nước tiểu gây nhiễm trùng ngược dòng dẫn đến viêm thận và ảnh hưởng đến chức năng của thận, có thể gây suy thận. Ở giai đoạn này, cơ thành bàng quang bị giãn nhiều nên mỏng, mất trương lực, ứ đọng nước tiểu tăng gây hiện tượng tiểu liên tục và có thể tình trạng nhiễm khuẩn tăng lên. Tuy vậy, hiện tượng tăng sinh TLT lành tính còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, vì vậy bệnh có thể không diễn biến tuần tự theo các giai đoạn như vừa trình bày, nhưng tiểu khó, són, tiểu nhiều lần trong ngày bao giờ cũng có.
Theo SKDS