Để bảo đảm sức khỏe, sự minh mẫn, con người cần duy trì giấc ngủ để tái tạo năng lượng. Ở người trẻ tuổi, số giờ ngủ thường nhiều hơn ở người cao tuổi từ 2-3 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, chất lượng giấc ngủ mới là vấn đề cần được quan tâm để người cao tuổi có cuộc sống thoải mái, khỏe mạnh, có ích.
Nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi:
Có nhiều nguyên nhân gây mất ngủ ở người cao tuổi, bao gồm: giảm hoạt động thể lực, ít tiếp xúc với ánh sáng, giảm ngưỡng bị đánh thức (dễ bị thức giấc hơn), thay đổi nhịp sinh học, giảm khả năng hồi phục các chức năng khi cơ thể bị lão hóa, các bệnh lý (sa sút trí tuệ, tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp, đau xương khớp, trầm cảm...).
Ngoài ra, theo sự phát triển tâm sinh lý ở mỗi người, chu kỳ thức ngủ sẽ thay đổi dần theo tuổi tác. Ở người cao tuổi, thời gian ngủ sẽ ít dần, có khuynh hướng ngủ muộn hơn và thức dậy sớm hơn. Bên cạnh đó, người cao tuổi không ngủ được còn do tâm lý thường nghĩ về quá khứ, hay lo lắng và dễ xúc động...
Người cao tuổi cần làm gì để có giấc ngủ tốt?
Cách điều trị mất ngủ tốt nhất là áp dụng các biện pháp không dùng thuốc, nhất là với trường hợp mất ngủ do rối loạn tâm lý kéo dài nhằm xóa bỏ hoặc làm giảm các yếu tố gây mất ngủ. Cụ thể là:
Về chế độ ăn uống
Thức ăn và nước uống có những loại làm cho giấc ngủ ngon hơn nhưng cũng có những loại lại gây trằn trọc, khó ngủ. Phải bảo đảm đủ 3 nhóm chất chủ yếu: đạm (thịt, cá...), đường (gạo, bánh mì...) và mỡ (mỡ động vật và dầu thực vật, nhưng chủ yếu là dầu thực vật). Người cao tuổi nên ăn những thức ăn dễ tiêu và có nhiều vitamin B1, loại giàu chất khoáng như rau (rau muống, mồng tơi), quả (cam, quýt, đu đủ chín)...; thịt lợn, thịt gà, cá tươi, đậu phụ, sữa đậu nành.
Đặc biệt, người cao tuổi không nên uống rượu, bia. Vì rượu có khả năng làm tổn hại tế bào gan. Người cao tuổi nên tránh những loại nước uống gây mất ngủ như cà phê và những nước uống có chất cafein như Pepsi, Coca Cola. Không hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá,…
Luyện tập
Hình thức luyện tập thể thao tương đối phù hợp với người cao tuổi là đi bộ, tập dưỡng sinh một cách đều đặn. Nơi tập cần bảo đảm vệ sinh, thoáng mát, tốt nhất có cả nơi ngồi nghỉ, tránh mưa, gió đột ngột.
Ngoài ra, cần tạo một môi trường thư giãn và yên tĩnh khi đi ngủ, bao gồm các điều kiện tối ưu về ánh sáng, tiếng ồn, nhiệt độ... tạo thói quen về trình tự giờ giấc, các bước đi vào giấc ngủ. Khi đi ngủ không nên đọc sách hoặc xem ti-vi, nhìn đồng hồ, tránh căng thẳng hoặc xúc cảm trước khi đi ngủ...
Theo SKDS