Ước tính khoảng một nửa số người trên 50 tuổi bị rối loạn giấc ngủ với các biểu hiện ngủ không ngon, giấc ngủ chập chờn hoặc thời gian ngủ ngắn, khó duy trì giấc ngủ và thường thức dậy vào buổi sớm, khó khăn để tiếp tục ngủ lại… Rối loạn giấc ngủ lâu ngày làm cho người cao tuổi mệt mỏi, buồn phiền, trí nhớ giảm sút và còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim…
Do chức năng của cơ thể bị suy giảm: Khi tuổi cao, các chức năng sinh lý bị suy giảm một cách đáng kể. Tế bào thần kinh trung ương của con người kể từ lúc phôi thai phát triển cho đến khoảng tuổi 25 là hoàn chỉnh. Sau lứa tuổi này thì mỗi ngày có khoảng 3.000 tế bào thần kinh bị hủy hoại và như vậy, ngoài ảnh hưởng đến các chức năng khác thì giấc ngủ cũng bị ảnh hưởng.
Do bệnh tật: Hay gặp nhất là đau nhức xương khớp, nhiều khi đau nhức không thể ngủ được, nhất là khi trái gió, trở trời. Những người mắc các bệnh về tim mạch, nhất là tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, hen phế quản, viêm phế quản mạn tính, đầy hơi trướng bụng, rối loạn tiêu hóa, tiền liệt tuyến, đái tháo đường… cũng thường không ngủ được hoặc khó ngủ.
Do ảnh hưởng của môi trường sống: Nhà cửa chật chội, đông người, nhiều tiếng ồn ào, nhiều bụi bẩn, mất vệ sinh làm cho người cao tuổi rất khó ngủ, thậm chí không ngủ được.
Do chế độ ăn, uống, sinh hoạt không hợp lý: Người cao tuổi nếu ăn uống quá no, đủ lượng nhưng thiếu chất hoặc ăn uống thiếu thốn cả lượng và chất thì ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ thường ngày. Uống nhiều nước trước khi đi ngủ hoặc uống nhiều bia, rượu, ăn nhiều chất kích thích (bia, rượu, trà đặc, cà phê) cũng gây khó ngủ, đặc biệt đối với những người cao tuổi mắc một số bệnh mạn tính như tăng huyết áp, thiểu năng mạch vành, u xơ tiền liệt tuyến, đái tháo đường…
Sử dụng các loại thuốc có thể gây mất ngủ: Thuốc chống trầm cảm; thuốc trị cảm lạnh và cảm cúm có chứa cồn; thuốc giảm đau có chứa cafe, thuốc lợi tiểu, corticoid, hormone tuyến giáp, thuốc điều trị tăng huyết áp cũng là những nguyên nhân gây rối loạn giấc ngủ ở người cao tuổi.
Ở người cao tuổi cũng dễ xảy ra tình trạng đảo lộn giấc ngủ, không ngủ được vào ban đêm mà ngủ vào ban ngày. Người bệnh không ngủ được vào ban đêm và cả ban ngày cũng bị đảo lộn giấc ngủ. Ban đêm người bệnh rất tỉnh táo, cơ thể làm việc bình thường, trong khi mọi người đang ngủ. Việc điều trị để đưa giấc ngủ trở về đêm như bình thường bằng cách không cho người bệnh ngủ vào ban ngày. Nếu ban đêm không ngủ được, có thể dùng thêm thuốc an thần theo chỉ định của bác sĩ, sau đó giảm liều an thần trong vài ngày đến vài tuần cho đến khi ngủ được bình thường thì ngưng thuốc an thần.
Theo SKDS