Về chúng tôi

Mạng Yhocsuckhoe.com được điều hành bởi Dược phẩm Davinci Pháp. Chúng tôi luôn nỗ lực góp phần mang lại những giá trị thiết thực vì sức khỏe cộng đồng  Việt.

Báo động "phong trào" hút shisha

 Hiện nay, một số quán nước, trà chanh mở rộng “dịch vụ” cung cấp shisha cho giới trẻ hút vì thu được nhiều lợi nhuận. hiện tại, shisha vẫn chưa được quản lý chặt chẽ, cũng như chưa có nhiều cảnh báo cần thiết về loại thuốc hút rất có hại cho sức khỏe này.

 
Nguồn gốc shisha từ đâu?
 
Tên nguyên thủy của shisha là hookah (hoặc hubble-bubble, goza, waterpipe, narghile…) với cách hút tương tự như thuốc lào. Đây chính là trò tiêu khiển của các lãnh chúa Ấn Độ, Trung Đông. Ngày nay, shisha dễ dàng đến với mọi người, mọi lứa tuổi nên nhiều thanh thiếu niên muốn thử một chút cho biết rồi sau đó nghiện.
 
Hiện nay, shisha có rất nhiều mùi được giới trẻ ưa thích mùi trái cây, sôsôla, cappuchino... Chính vì shisha mang hương vị trái cây nên mặc dù nhiều người có cảm giác “phê thuốc” sau khi hít nhưng ai cũng nghĩ nó vô hại.
 
Một hệ thống shisha hoàn chỉnh gồm ống dây, chén đất (hoặc vỏ trái cây), vòi, bình nước, đĩa, vành đai, thân và miếng đệm. Một số bình shisha còn có thêm màng gió, van làm sạch và miếng khuếch tán.
 
 
Tại sao lại “mê” shisha?
 
Trước tiên vì vui. Bộ hút shisha thường có 3 vòi nên nhóm bạn thường chia sẻ cùng với nhau. Cảm giác khi nghe tiếng “rột rột” phát ra từ bình hút khi “kéo thuốc” cũng có tác dụng kích thích. Nhiều người còn cho rằng vì hút dạng tẩu nên nó an toàn hơn hút thuốc lá, do nước trong bình sẽ làm sạch khói trước khi đến miệng tẩu. Có người còn tin rằng shisha là một thay thế tuyệt vời cho thuốc lá! Thật ra, shisha còn độc hại hơn thuốc lá ở cả hai nguy cơ gây nghiện và gây bệnh.
 
Để thu hút khách hàng, một số nơi đã sử dụng “chiêu thức” chế shisha. Vì thế, không chỉ độc hại từ shisha “nguyên chất”, các bạn còn có thể gặp nguy hiểm từ những thứ được chế vào đó như rượu, ma túy… nếu tiếp xúc với thú vui này.
 
Những tác hại của shisha?
 
Hút shisha sẽ gây bệnh:
 
Shisha gây nhiều bệnh hơn thuốc lá. Báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Hội Ung thư Hoa Kỳ cho thấy mỗi lượt hút shisha thường kéo dài hơn 40 phút, và gồm từ 50 - 200 lần hít, mỗi lần từ 0,15 - 0,5 lít khói. Trong một lượt hút shisha kéo dài một giờ, một người có thể sẽ hít nhiều gấp 100 - 200 lượng khói và nhiều hơn 70% lượng nicotine so với hút một điếu thuốc lá. Nước trong bình shisha không lọc được các thành phần độc hại trong khói thuốc. Người hút shisha hít độc chất từ hắc ín gồm monoxide carbon (CO), các kim loại nặng và các hoá chất gây ung thư (carcinogen) gấp 100 lần so với hút thuốc lá! Khí CO làm giảm lượng oxy đến phổi và gây ra nhiều bệnh nghiêm trọng như hẹp mạch máu, ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, đẻ con thiếu ký...
 
Nguy cơ ung thư phổi, lao phổi là rất lớn vì đây là cơ quan tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc. Nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp năm lần người không hút. Các chất khí này sau đó nhanh chóng kích hoạt một loạt phản ứng hoá học trong các dây thần kinh và sản sinh dopamine gây khoái cảm. Trong 4.000 hóa chất có trong khói thuốc, 100 chất độc đã được xác định và 63 loại chất được biết là nguyên nhân gây ung thư. Những chất này gây hỏng mô màng phổi và giúp ung thư phổi dễ tiến triển.
 
Ung thư vòm miệng và miệng cũng dễ xảy ra do sự tăng trưởng tế bào ung thư trong khoang miệng. Ngoài ra còn có thể bị ung thư lưỡi, niêm mạc má, nướu, môi… 75% ung thư dạng này có liên quan đến việc hút khói thuốc.
 
Phát triển ung thư dạ dày, với tỉ lệ nguy cơ tăng từ 40% lên 82% trong những năm gần đây đối với người nghiện thuốc lá, chủ yếu xảy ra ở phần trên của dạ dày gần thực quản. Nếu kết hợp với uống rượu thì càng làm tăng yếu tố nguy cơ quan trọng đối với bệnh ung thư dạ dày và miệng.
 
Nhiễm khuẩn: bình nước trong shisha còn là nơi tiềm ẩn rất nhiều vi trùng có thể gây bệnh lao, nhất là khi nhiều người sử dụng chung, và không ai kiểm tra sức khỏe của khách khi vào quán bar hoặc cà phê bao giờ. Viêm gan siêu vi vốn dễ lây lan qua nước bọt, có 5 loại viêm gan siêu vi nhưng viêm gan A và B là những bệnh rất dễ lây truyền bởi ống hít shisha.
Ngoài ra, thông thường, bình chứa shisha làm bằng nhựa mỏng trong suốt, thậm chí còn không có van khử khói. Chính điều này đã dẫn đến nguy hiểm cho người dùng, gây sốc khói, ngộ độc nhựa…
 
Gây nghiện:
 
Chính nicotine trong shisha gây nghiện cũng giống như thuốc lá. Shisha “biến tướng” thường đi kèm những hương vị khác nhau giúp cho người dùng có nhiều lựa chọn, chính những hương vị này che giấu độc chất bên trong làm cho người sử dụng không biết họ có thể bị nghiện sau khi dùng một thời gian. WHO đã cảnh báo về nguy cơ làm hại sức khỏe của loại thuốc hút này.
 
Sau một thời gian hít shisha, phần lớn con nghiện đều rơi vào cảm giác mơ ảo và lệ thuộc về mặt tinh thần, trầm cảm, sống không thực tế, không mục đích. Từ đó sinh ra tiêu cực trong suy nghĩ và dễ tự tử khi thất vọng hoặc chán nản. Ngoài ra, trên thị trường xuất hiện trôi nổi các mặt hàng thuốc shisha không rõ nguồn gốc chủ yếu là hàng Trung Quốc khi hút vào sẽ gây cảm giác đau đầu, buồn nôn và lâu dài sẽ gây ra tình trạng đãng trí.
 
Những khuyến cáo cần thiết đối với shisha?
 
Cần có những chính sách, văn bản quản lý kịp thời các hàng quán được phép kinh doanh dịch vụ hút shisha, hạn chế sử dụng shisha nơi công cộng cũng như quản lý đối tượng hút shisha. Cần  quản lý shisha cũng giống như thuốc lá, thí dụ “hút shisha gây ung thư phổi” để cảnh tỉnh người hút thuốc. Cần có nhiều nghiên cứu xã hội rộng rãi hơn nữa để đánh giá toàn diện về tác dụng có hại của shisha.
 
Theo SKDS

Liên hệ với chúng tôi

  • Số 4/9/259 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, Việt Nam.
  • (+84.4) 22 42 01 68 // 85 85 26 70 - Fax: (+84.4) 3650 1791
  • contact@davincipharma.com
Thời tiết hôm nay