Bọ xít hút máu người: Làm sao tránh?
Theo thống kê, trong số những trường hợp bị bọ xít hút máu người có đến gần 50% là trẻ em. Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến nay đã ghi nhận hàng ngàn người tại 20 tỉnh, thành bị bọ xít hút máu. Thời gian này (từ tháng 6 đến tháng 9) là thời kỳ sinh sản của loài bọ xít này.
PGS.TS. Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Nghiên cứu côn trùng học thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật cho biết, loài bọ xít hút máu người sống bằng máu người hoặc động vật. Bọ xít hút máu người không chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn xuất hiện ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi. Bọ xít hút máu người thường sống ở giường, đệm, tủ, khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi..., chúng có thể làm ổ cả trong hoặc ngoài nhà. Ban ngày, bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ... đêm đến mới hoạt động nên con người thường không biết sự có mặt của chúng. So với các loài bọ xít khác do Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật thu thập được, bọ xít hút máu người to gấp đôi, thường cỡ đầu ngón tay, phần bụng rộng và dẹt.
GS.TS. Vũ Quang Côn, Chủ tịch Hội Côn trùng học Việt Nam cho biết, so với những loại côn trùng khác như ruồi, muỗi, bọ xít hút máu người là loại côn trùng nguy hại. Tháng 6, 7, 8, 9 là thời kỳ sinh sản của bọ xít hút máu người. Hiện nay, bọ xít hút máu người đã phát tán tại 20 tỉnh phía Bắc và 29 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội. Theo GS. Côn, loại bọ xít hút máu người là thủ phạm gây ra bệnh ký sinh trùng tại khu vực Mỹ Latinh. Nghiên cứu tại các nước ở khu vực này cho thấy, khi bọ xít hút máu người đốt sẽ truyền ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi gây bệnh Chaga’s qua đường máu. Bệnh trở thành mạn tính sẽ dẫn đến tử vong do nghẽn mạch máu. TS. Phạm Thị Khoa - Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng học TW (NIMPE) lo ngại, loài bọ xít này sinh sản rất mạnh và có hiện tượng kháng thuốc trừ sâu. Nghiên cứu của TS. Khoa và đồng nghiệp cho thấy, mỗi một con bọ xít có thể sinh sản được gần 330 quả trứng trong vòng 7 tháng, ở bất cứ nhiệt độ, môi trường nào. Bọ xít thường được tìm thấy ở nơi ẩm thấp, có nhiệt độ cao như gầm giường, dưới gối, gần nhà bếp, các thùng chứa gỗ dăm...
Theo nghiên cứu của TS. Nguyễn Văn Châu (NIMPE) và đồng nghiệp, kết quả xét nghiệm máu để tìm ký sinh trùng Trypanosoma (gây bệnh Chaga’s) ở 137 người (22 trẻ em và 115 người lớn) đã bị bọ xít đốt ở Việt Nam đều cho kết quả âm tính. Kết quả xét nghiệm máu trong dạ dày của hơn 300 con bọ xít khác cũng âm tính. Những người bị bọ xít đốt đa số bị sưng ngứa (99,35%) kéo dài từ 2 - 5 ngày. Tuy nhiên, theo TS. Silvia Susana Catalá - nhà côn trùng học người Agentina, bọ xít hút máu lấy nguồn thức ăn từ động vật có xương sống. Nhưng cho đến nay vẫn rất ít thông tin về loài này. Hiện các nhà khoa học chỉ đưa ra nhận định, loài này bị hấp dẫn bởi nhiệt độ và một số mùi nhất định, đó là lý do khiến chúng xâm lược môi trường sống của con người. TS. Châu cho biết, tuy chưa có bằng chứng lây bệnh nhưng việc bọ xít hút máu xuất hiện ồ ạt, đốt người khiến cuộc sống người dân bị ảnh hưởng.
Theo SK&ĐS