Ảnh: corbis |
Viêm nhiễm đường hô hấp cấp là bệnh thường gặp nhất ở trẻ em, là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Ở các trẻ này, các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp hay gặp nhất là: viêm phế quản - phổi, viêm phổi thùy, viêm phế quản cấp, viêm phổi do virus, tụ cầu phổi, hen phế quản...
Viêm phế quản - phổi
Là bệnh hay gặp ở trẻ nhỏ nhiều hơn các trẻ lớn. Trẻ thường mắc bệnh sau khi bị những bệnh nhiễm khuẩn làm suy giảm mạnh sức đề kháng của cơ thể như: sau khi bị sởi, ho gà, cúm, bạch hầu hoặc sau mổ, sau khi bị bỏng nặng…
Khi bị viêm phế quản phổi, trẻ có các triệu chứng nhiễm khuẩn: sốt, ho, hay nôn trớ, da xanh, bỏ chơi, hay quấy khóc, khó thở nhanh, cánh mũi đập, rút lõm trên xương ức, tím tái. Nghe phổi thấy nhiều ran ẩm. Chụp X-quang cả hai phổi có nhiều đám mờ rải rác.
Phải điều trị kháng sinh tích cực (penicillin, ampicillin, cephalosporin), chống khó thở, hạ nhiệt, trợ tim.
Viêm phổi thùy
Hay gặp ở trẻ lớn (về mùa thu, đông, xuân). Trẻ bị bệnh thường sốt cao 39-40oC, đột ngột sau khi bị nhiễm lạnh, khó thở, đau ngực, ho. Vùng phổi bị viêm nghe có nhiều ran ẩm, tiếng thổi ống, ran nổ, gõ đục. Chụp X-quang phổi thấy tổn thương khu trú hình tam giác đáy quay ra ngoài, đỉnh ở rốn phổi. Xét nghiệm máu: số lượng bạch cầu, tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính cao. Điều trị như trong bệnh viêm phế quản - phổi.
Viêm phế quản cấp
Thường gặp ở trẻ lớn, những khi thời tiết thay đổi hoặc sau khi viêm mũi họng. Thường thì các phế quản ở tầng trên, phế quản loại trung bình hoặc phế quản lớn bị viêm, các phế quản nhỏ ít hoặc không bị ảnh hưởng. Trẻ bị bệnh có triệu chứng sốt, ho. Lúc đầu ho khan sau ho có đờm, toàn trạng ít bị ảnh hưởng. Nghe phổi có nhiều ran ngáy, ran rít ở rải rác cả hai phổi. Tuy bệnh không nặng như viêm phổi thùy, viêm phế quản - phổi nhưng cũng phải điều trị dứt điểm không để bệnh chuyển sang thể nặng hơn.
Viêm phổi do virus
Nhiều loại virus có thể gây ra viêm phổi. Trẻ em thường bị nhiều hơn người lớn. Tỷ lệ viêm phổi do virus những năm gần đây ngày một nhiều. Bệnh ở trẻ càng nhỏ càng nặng, có thể gây ra suy hô hấp cấp, nếu không được xử trí kịp thời có thể gây tử vong. Bệnh thường xảy ra về mùa lạnh, những khi thời tiết thay đổi. Bệnh có khởi phát nhanh, đột ngột. Trẻ đang khỏe bỗng ngạt mũi, có triệu chứng viêm đường hô hấp trên: viêm mũi - họng, viêm thanh quản, trẻ kêu đau họng, nói khàn, sốt cao 39-40oC, ho khan. Nếu tác nhân gây bệnh là adenovirus trẻ có triệu chứng đau mắt (mắt đỏ, chảy nước mắt), hạch cổ nổi to, amidan sưng to. Toàn trạng ảnh hưởng nhiều. Trẻ mệt nhọc, bỏ chơi, hay quấy khóc, không chịu ăn. Các triệu chứng ở phổi không nhiều và không rõ như các triệu chứng toàn thân. Phổi chỉ nghe thấy ít tiếng ran ẩm, ran ngáy hoặc ran rít. Chụp Xquang phổi ở trẻ nhỏ có khi chỉ thấy hình phổi tăng sáng hơn bình thường. Ở trẻ lớn hơn, có hình rốn phổi đậm, có những vết mờ đi từ phía rốn phổi ra phía ngoại vi hay những nốt mờ rải rác hai phổi. Xét nghiệm máu thấy tỷ lệ tế bào lympho tăng, số lượng bạch cầu giảm. Điều trị chủ yếu là phòng ngừa suy hô hấp và các biến chứng khác trong và sau khi mắc bệnh. Các kháng sinh thông thường không có tác dụng đối với virus, chỉ có tác dụng ngăn cản các vi khuẩn có thể bội nhiễm trong khi bị bệnh.
Tụ cầu phổi
Là viêm phổi do tụ cầu vàng gây ra. Thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi. Trẻ càng nhỏ bệnh càng nặng.
Bệnh thường xảy ra đột ngột. Trẻ sốt cao 39-40oC, ho khan, li bì, mệt nhọc, khó thở, phổi khám chỉ nghe thấy ít tiếng ran nổ hoặc im lặng. Có thể có các dấu hiệu của tràn khí hoặc tràn dịch màng phổi. Chụp X-quang phổi thấy nhiều hình bóng hơi, các bóng hơi ngày càng lớn dần nếu không được điều trị có hiệu quả. Chụp phim phổi nhiều lần sẽ phát hiện được hình ảnh này. Nếu bóng hơi vỡ sẽ sinh ra tràn khí, tràn dịch màng phổi, viêm mủ màng phổi. Xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính tăng.
Điều trị tích cực các kháng sinh có tác dụng với tụ cầu (methicillin, oxacillin…) chống suy hô hấp, dẫn lưu khí, dịch màng phổi (nếu có)…
Hen phế quản
Có thể xảy ra cho trẻ từ rất sớm. Thường trẻ bị hen do thể tạng, do nhiễm khuẩn, do tình trạng thần kinh không thăng bằng (giao cảm, phó giao cảm), do có một yếu tố kích thích trong cơ thể (VA, amidan, polyp mũi…). Nhiều trường hợp không tìm thấy nguyên nhân. Trẻ khó thở chủ yếu ở thì thở ra. Nghe phổi có nhiều ran rít, ran ngáy. X-quang phổi sáng hơn bình thường. Chủ yếu điều trị cắt cơn (thuốc giãn phế quản, corticoid…) tốt nhất là tìm ra nguyên nhân để loại trừ.
Mọi viêm nhiễm đường hô hấp cấp tính ở trẻ đều phải được chú ý điều trị tích cực, đúng bệnh để tránh các hậu quả xấu có thể xảy ra, vì ở cơ thể trẻ nhỏ, khả năng tử vong thường cao.
(Theo BS. CK2. Nguyễn Đức Lê // Báo Sức khỏe và Đời sống)