Hiện nay, số ca nhập viện do các bệnh lý về hô hấp đang tăng cao. Trẻ em có thể bị mắc bệnh việm phổi vào các mùa trong năm. Vào mùa hè, trẻ em rất có thể bị viêm phổi, thậm chí viêm phổi nặng.
->> Sức khỏe ngày hè - 5 điều cần nhớ!
Những nguy cơ tiềm ẩn
Mùa nắng nóng, nếu trẻ luôn dùng đồ ăn, nước uống lạnh liên tục trong nhiều ngày thì các bộ phận rất nhạy cảm ở họng, miệng, hầu, thanh quản cũng như các bộ phận khác của đường hô hấp dưới dễ bị tổn thương.
Biểu hiện của sự nhiễm lạnh là viêm họng, hầu hoặc viêm thanh quản hoặc viêm amiđan, viêm VA. Và từ các bệnh này trẻ sẽ bị viêm phổi từ mức độ nhẹ đến mức độ nặng nếu không phát hiện kịp thời.
Mùa hè không nên cho trẻ ăn nhiều đồ lạnh |
Mùa hè, nếu sử dụng máy điều hòa mà nhiệt độ quá chêch lệch giữa nhiệt độ ngoài trời và nhiệt độ trong phòng sẽ không thích hợp với sức khỏe của trẻ do trẻ khó thích nghi. Nếu trẻ ở trong phòng có máy điều hòa nhiệt độ liên tục trên 4 giờ, da, họng hầu, đường hô hấp cuả trẻ sẽ bị khô và rất dễ để các loại vi sinh vật tấn công, nhất là các loại vi khuẩn đã có sẵn ở đường hô hấp trên của trẻ như H. influenzae, phế cầu... Ngoài ra, nếu dùng máy điều hòa nhiệt độ lâu, trẻ cũng dễ bị cảm lạnh do thay đổi nhiệt độ một cách đột ngột quá mức, nhất là đang lạnh đột ngột lại bị nóng làm xuất hiện viêm đường hô hấp trên, thậm chí cả viêm phổi cấp tính.
Trời nóng nực, nếu tắm nhiều lần trong ngày hoặc ngâm mình dưới nước biển với thời gian lâu, trẻ cũng rất dễ bị cảm lạnh gây viêm họng, viêm amiđan hoặc nặng hơn là viêm phổi. Một số trẻ sau khi trẻ tắm xong một thời gian thấy sốt cao, đau họng, chảy mũi nước, thậm chí khó thở, đó là dấu hiệu của viêm đường hô hấp cấp tính.
Trẻ mặc quần áo dày, ra mồ hôi nhiều làm ướt hết áo quần hoặc tã lót cũng dễ bị cảm lạnh, viêm đường hô hấp trên hoặc viêm phổi. Nếu không phát hiện kịp thời và có biện pháp xử trí thích đáng thì bệnh tình của trẻ sẽ nặng thêm mà biểu hiện là thân nhiệt tăng cao, ho cũng tăng lên, li bì, khó thở nhiều, liên tục. Nếu trẻ còn bú mẹ sẽ xuất hiện tình trạng trẻ bú ít hoặc bỏ bú. Tình trạng viêm hô hấp nặng lên khi trẻ có các dấu hiệu môi tím, các kẽ liên sườn bị co kéo, môi và các đầu ngón tay, ngón chân bị tím lại.
Trẻ bị viêm phổi cũng có thể kèm theo triệu chứng tiêu chảy. Vì vậy, khi có các dấu hiệu sốt, ho, khó thở, tím tái và có tiêu chảy, chớ hiểu lầm là trẻ không phải bị viêm phổi, đặc biệt cần quan tâm là trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Trẻ càng nhỏ tuổi khi bị cảm lạnh gây viêm đường hô hấp, phụ huynh rất khó để nhận biết.
Cách phòng bệnh
Để hạn chế trẻ mắc bệnh trong mùa hè, nhất là bệnh viêm phổi, cần hạn chế trẻ dùng nước mát, nước đá, hoa quả và các thực phẩm chế biến sẵn để trong tủ lạnh. Về việc này các bậc phụ huynh cần kiểm soát được hành vi sử dụng của trẻ, nhất là các trẻ lớn.
Mỗi khi sử dụng máy điều hòa nhiệt độ nên có sự điều chỉnh nhiệt độ hợp lý. Không nên để gió của máy điều hoà quạt thẳng vào cơ thể trẻ. Ngoài giờ trẻ ngủ, không nên để trẻ trong phòng máy điều hòa nhiệt độ quá nhiều giờ trong một ngày, bởi vì trẻ sẽ bị cảm lạnh và rất có thể bị thiếu ánh sáng mặt trời làm cho dễ bị còi xương.
Mùa hè không nên cho trẻ mặc quần áo quá dày hoặc quấn tã lót chặt làm cho dễ bị cảm lạnh do quần áo hoặc tã lót thấm mồ hôi. Khi trẻ chơi hoặc ngủ không nên cho quạt quạt xoáy vào trẻ và chỉ nên dùng tốc độ của quạt ở mức độ thấp hoặc trung bình. Trong phòng trẻ chơi hoặc ngủ không được có khói thuốc lá hoặc khói bếp (bếp dầu, bếp củi, rơm rạ, bếp than).
Mặc dù là mùa nắng nóng nhưng khi tắm cho trẻ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi nên dùng nước ấm là tốt nhất và không nên cho tắm nước lạnh.
Khi trẻ có biểu hiện viêm đường hô hấp trên như ho, hắt xì hơi, chảy nước mũi hoặc có kèm theo sốt, cần nhanh chóng cho trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám bệnh không nên chần chừ làm bệnh nặng thêm gây khó khăn cho việc xử trí khi được khám bệnh.
(Theo PGS.TS. BÙI KHẮC HẬU // Suckhoe & Doisong)